II. Kiến nghị
2.1. Đối với chính quyền địa phương
- Quản lý tốc độ phát triển cà phê một cách chặt chẽ, tránh tình trạng diện tích trồng bùng phát vì giá cà phê lên cao.
- Thực hiện tốt công tác giao đất, phân bổ lại đất đai hợp lý, cân đối giữa các hộ gia đình, giữa các xã trong huyện, giám sát chặt chẽ không để xảy ra lấn chiếm rừng tự nhiên để trồng cà phê.
- Lồng ghép nguồn vốn các chương trình dự án, chương trình 135, dự án các xã biên giới để hỗ trợ chương trình trồng cà phê nông hộ.
- Quy hoạch và nâng cấp hệ thống giao thông đường sá tới các lô trồng cà phê tốt hơn để giảm bớt khó khăn trong khâu vận chuyển.
- Để hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến cà phê chè trên địa bàn huyện A Lưới trở thành quy trình khép kín trong nội tỉnh, Tỉnh ủy và Huyện ủy nên xem xét kêu gọi các đơn vị tổ chức đầu tư xây dựng công ty chế biến cà phê xuất khẩu đáp ứng đầu ra cho vùng nguyên liệu cà phê của tỉnh và nâng cao vị thế của tỉnh nhà. Từ đó góp phần định canh định cư, phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường sinh thái.
- Chính quyền Ủy ban nhân dân huyện A Lưới nói chung và xã Nhâm nói riêng tiếp tục trích vốn ngân sách địa phương cung cấp cây giống cho người dân, đồng thời đứng ra chỉ đạo việc liên hệ làm thủ tục vay vốn đầu tư phân bón cho nông hộ.
- Mở rộng và nâng cao chất lượng công tác khuyến nông, chú trọng tới nhu cầu hiện tại trong kỹ thuật của người dân, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành.
- Cần có những chính sách hỗ trợ về vốn, lãi suất, tập huấn kỹ thuật canh tác...cho những gia đình là hộ nghèo, đồng bào dân tộc chưa đủ khả năng canh tác cà phê.
- Xây dựng, quảng bá thương hiệu cà phê chè A Lưới ra thị trường trong nước.