Thứ nhất, môi trường đầu tư của Hà Nội vẫn còn một số hạn chế ảnh hưởng đến công tác xúc tiến đầu tư:
+ Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có môi trường chính trị ổn định, đây là thuận lợi rất lớn cho việc kêu gọi đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, chi phí đầu tư, đặc biệt là giá thuê hạ tầng ở Hà Nội còn cao so với một số thành phố khác trong khu vực.
+ Thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa thật sự thông thoáng.
+ Công tác giải phóng mặt bằng và giải quyết các thủ tục sau cấp phép chậm. Chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng cao so với các địa phương khác; một số đơn vị đưa ra yêu cầu hỗ trỡ quá mức gây khó khăn cho các nhà đầu tư triển khai dự án.
Có thể nói công tác giải phóng mặt bằng hiện nay vẫn rất phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư và tạo hình ảnh không tốt về Thành phố trong con mắt của các nhà đầu tư.
+ Cơ sở hạ tầng kĩ thuật ngoài hàng rào hoặc vùng xung quanh chưa đồng bộ đáp ứng yêu cầu của các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài.
+ Công tác giám định, đánh giá hiệu quả đầu tư chưa được coi trọng đúng mức. Việc theo dõi tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa kịp thời, sát thực.
+ Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp bổ trợ ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung không thể cung cấp cho nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài các nguyên liệu thô phục vụ sản xuất đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư. Đặc biệt là các ngành cơ khí chính xác, ngành điện tử, hóa dầu và công nghiệp sản xuất nhựa. Do đó, hầu hết các nhà đầu tư trực tiếp vào Việt Nam phải nhập nguyên vật liệu sản xuất của họ từ bên ngoài vào thị trường Việt Nam . Nhược điểm này làm tăng them chi phí vận tải, giá thành sản phẩm và góp phần giảm tính hấp dẫn đầu tư ở Hà Nội.
Thứ hai, hoạt động xúc tiến đầu tư còn thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu mục tiêu dài hạn; còn dàn trải, chưa tập trung vào một số ngành, lĩnh vực, đối tác tiềm năng.
+ Số lượng dự án có quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn có vai trò chuyển dịch căn bản cơ cấu ngành, sản phẩm của Hà Nội còn không nhiều.
+ Số lượng các doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào việc xúc tiến đầu tư còn ít. + Hiệu quả của các cuộc hội thảo về đầu tư nước ngoài chưa cao, chủ yếu trao đổi, tọa đàm, giải quyết vướng mắc cho các nhà đầu tư đã tham gia đầu tư, kêu goi được ít các nhà đầu tư tiềm năng.
Thứ ba, trung tâm xúc tiến đầu tư Hà Nội mới được thành lập (năm 2007), điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Thứ tư, các chương trình xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và xúc tiến du lịch của Thành phố chưa thực sự gắn kết với nhau, công tác trao đổi thông tin giữa các chương trình thiếu thường xuyên. Sự phối hợp trong hoạt động xúc tiến đầu tư giữa Hà Nội với các Bộ, Ngành, cơ quan Trung ương và các Sở, Ngành, đơn vị của Thành phố chưa đồng bộ, chặt chẽ.
Thứ năm, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ xúc tiến đầu tư của Thành phố còn hạn chế; chưa triển khai thực hiện các đề án đăng kí kinh doanh, quản lý doanh nghiệp qua mạng, chưa xây dựng được trang thông tin chuyên trách nhằm kêu gọi xúc tiến đầu tư vào Thành phố.
Thứ sáu, xét trên bình diện chung, hoạt động này nhiều năm qua Hà Nội cũng như các địa phương khác thực hiện rời rạc, phân tán, thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu mục tiêu dài hạn. Việc lồng ghép các dự án đầu tư của từng địa phương với Bộ, ngành TW và các địa phương khác còn hạn chế.
Hoạt động xúc tiến đầu tư mới chỉ chú trọng xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, chưa tập trung xúc tiến đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư ở trong nước. Quan hệ hợp tác, liên kết cần thiết trong đầu tư và kêu gọi đầu tư phát triển giữa các địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Công tác xúc tiến đầu tư thường được tiến hành riêng rẽ, thiếu sự chỉ đạo thống nhất làm giảm hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư. Tình trạng cạnh tranh lẫn nhau giữa các địa phương trong thu hút đầu tư vẫn còn tồn tại, gây thiệt hại không nhỏ cho chính các Tỉnh, Thành phố.