ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CÁ SẶC RẰN 1 Phân bố

Một phần của tài liệu MÔ HÌNH NUÔI gà – cá kết hợp (Trang 64)

I.1. Phân bố

Cá sặc rằn (Trichogaster pectoralis Regan, 1909) cũng là đối tượng nuôi quan trọng hiện nay. Cá phân bố tự nhiên ở các thủy vực vùng Đông nam Á và Nam Việt nam. Cá sinh sản tự nhiên trong ao, mương, kênh, rạch, rừng tràm và ruộng lúa. Cá thích sống ở những thủy vực có nhiều cây cỏ thủy sinh với nhiều chất hữu cơ. Cà mau, Bạc liêu, Sóc trăng, Cần Thơ và Kiên giang… là những tỉnh có cá phân bố tập trung và sản lượng cao hiện nay ở ĐBSCL.

I.2. Sự thích nghi với môi trường

• Cá có cơ quan thở khí trời nên sống được ở điều kiện nước thiếu hoặc không có oxy.

• Cá cũng có khả năng chịu đựng được môi trường nước bẩn, hàm lượng hữu cơ cao cũng như môi trường có độ pH thấp (pH dao động từ 4 - 4,5).

• Nhiệt độ thích hợp cho cá từ 24 - 30 0C, có thể chịu đựng được nhiệt độ 11 - 39 0C.

I.3. Sự sinh trưởng, phát triển và tính ăn cá Sặc rằn

Trong điều kiện nhiệt độ 28 - 30 0C trứng thụ tinh và nở sau 24 - 26 giờ. Cá sau khi nở sẽ dinh dưỡng bằng noãn hoàng trong 2,5 - 3 ngày. Lúc này cá nổi trên mặt nước. Sau khi tiêu hết noãn hoàng, cá con di chuyển xuống lớp nước dưới để kiếm mồi. Cá ương trong ao đạt chiều dài 2 - 3 cm sau 30 - 35 ngày. Thức ăn cho cá con ban đầu là động vật phiêu sinh cở nhỏ như luân trùng, các chất hữu cơ lơ lững trong nước, tảo phù du. Cá càng lớn sử dụng càng nhiều loại thức ăn hơn, khi trưởng thành cá ăn thiên về thực vật. Cá có chiều dài tối đa 25 cm. Cá sặc rằn chậm lớn, sau 2 năm nuôi cá đạt trọng lượng 140g/con. Thức ăn cho cá thường là mùn bã hữu cơ. Khi nuôi trong ao, ruộng cho ăn bổ sung như cám, phân động vật, bèo và các phụ phế phẩm khác.

I.4. Sinh học sinh sản cá sặc rằn

Cá sặc rằn thường đẻ vào mùa mưa từ tháng 4 - 10. Tuy nhiên trong điều kiện nuôi trong ao, có cho ăn, cá đẻ quanh năm nhưng tập trung vẫn là những tháng mùa mưa (tháng 4 – 8). Cá thành thục sinh dục khoảng 7 tháng tuổi. Cá đực có vây lưng dài và nhọn, thân hình thon, bụng nhỏ. Ngược lại con cái có có vây lưng tròn và ngắn, thường không vượt quá cuốn vây đuôi. Bụng cá lúc mang trứng căng tròn, nhìn thẳng vuông gốc với vị trí đầu, bụng cá có hình chữ U. Trong tự nhiên cá đẻ trong ruộng lúa, ao nuôi nơi có nhiều cây cỏ thủy sinh. Khi sinh sản, cá đực và cá cái bắt cặp tìm nơi có nhiều cây cỏ thủy sinh, ven bờ và kín đáo. Con đực làm tổ bằng nước bọt dưới những tán hay lùm của cây cỏ. Sau đó cá đực đưa cá cái đến gần tổ và cong mình ép cá cái đẻ trứng vào trong tổ. Trứng cá thuộc trứng nổi do có giọt dầu lớn. Những trứng rơi vãi ra ngoài được cá đực gom lại và đưa vào tổ. Sau khi cá đẻ xong, cá đực bảo vệ trứng chống những cá khác xâm nhập vào tổ, ngay cả cá cái. Trong sinh sản nhân tạo, cá đẻ thường được kích thích bằng kích dục tố.

Một phần của tài liệu MÔ HÌNH NUÔI gà – cá kết hợp (Trang 64)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(111 trang)
w