Sự kiện pháp lý

Một phần của tài liệu Giáo trình pháp luật việt nam đại cương (Trang 33 - 34)

V. Quan hệ pháp luật

3. Sự kiện pháp lý

Quan hệ pháp luật phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt dưới tác động của ba điều kiện: quy phạm pháp luật, năng lực chủ thể và sự kiện pháp lý.

Quy phạm pháp luật tác động tới các quan hệ xã hội nhất định và biến chúng thành quan hệ pháp luật.

Như vậy, quy phạm pháp luật và năng lực chủ thể là hai điều kiện chung cho sự xuất hiện, thay đổi hoặc chấm dứt các quan hệ pháp luật.

Tuy nhiên, sự tác động của quy phạm pháp luật đển làm nảy sinh quan hệ pháp luật là một cơ chế phức tạp, quy phạm pháp luật chỉ có thể làm nảy sinh quan hệ pháp luật giữa các chủ thể nếu có sự kiện pháp lý xuất hiện.

Sự kiện pháp lý là những tình huống, hiện tượng, quá trình xảy ra trong đời sống có liên quan với sự xuất hiện, thay đổi và chấm dứt các quan hệ pháp luật.

Sự kiện pháp lý là những sự kiện trong số các sự kiện xảy ra trong thực tế, là bộ phận của chúng. Song, không phải sự kiện thực tế nào cũng là sự kiện pháp lý, sự kiện thực tế chỉ trở thành sự kiện pháp lý khi pháp luật xác định rõ điều đó.

Thứ nhất, căn cứ vào tiêu chuẩn ý chí, sự kiện pháp lý được phân thành sự biến và hành vi.

Sự biến là những hiện tượng tự nhiên (không phụ thuộc vào ý chí của con người) mà trong những trường hợp nhất định, pháp luật gắn sự xuất hiện của chúng với sự hình thành ở các chủ thể các quyền và nghĩa vụ pháp lý. Như vậy những sự kiện này được pháp luật quy định trong những quan hệ pháp luật cụ thể, ví dụ: bão, lụt, thiên tai, hoả hoạn,..

Hành vi pháp lý (hành động hoặc không hành động) là những sự kiện xảy ra theo ý chí của con người, là hình thức biểu thị ý chí của chủ thể pháp luật, ví dụ: hành vi ký kết hợp đồng, hành vi trộm cắp, sự bỏ mặc không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng,...

Hành vi được chia thành hành vi hợp pháp và hành vi không hợp pháp.

Thứ hai, căn cứ vào số lượng những hoàn cảnh, điều kiện làm nảy sinh hậu quả pháp lý, có thể phân chia sự kiện pháp lý thành sự kiện pháp lý đơn giản và sự kiện pháp lý phức tạp.

Sự kiện pháp lý đơn giản chỉ bao gồm một sự kiện thực tế mà pháp luật gắn sự xuất hiện với sự phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ pháp luật. Ví dụ khi một người chết làm chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng.

Sự kiện pháp lý phức tạp bao gồm một loạt các sự kiện mà chỉ với sự xuất hiện của chúng các quan hệ pháp luật mới phát sinh, thay đổi hay chấm

dứt. Ví dụ khi một người chết thì có thể phát sinh quan hệ thừa kế nếu người đó có tài sản (thừa kế phát sinh khi người có tài sản chết); khi cơn bão xảy trên biển có hai ngư dân đánh cá ở khu vực đó không thấy trở về sau một năm thì những người có liên quan có quyền yêu cầu tuyên bố người đó đã chết.

Thứ ba, căn cứ vào hậu quả của sự kiện pháp lý, ta có sự kiện pháp lý phát sinh quan hệ pháp luật, sự kiện pháp lý làm thay đổi quan hệ pháp luật và sự kiện pháp lý làm chấm dứt quan hệ pháp luật.

Một phần của tài liệu Giáo trình pháp luật việt nam đại cương (Trang 33 - 34)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(163 trang)
w