Một số giải pháp đối với các doanh nghiệp ĐTTTNN.

Một phần của tài liệu ĐTTTNN ở Việt Nam giai đoạn 1996-2001, thực trạng và giải pháp (Trang 58 - 60)

II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH THU HÚT ĐTTTNN TẠI VIỆT NAM:

2.Một số giải pháp đối với các doanh nghiệp ĐTTTNN.

Như đã trình bày trong chương II, hình thức liên doanh chiếm tỷ lệ cao nhất trong số những dự án ĐTTTNN bị giải thể trước thời hạn, đồng thời hình thức này đang có xu hướng chuyển đổi sang hình thức DN 100% VNN. Tình trạng kém hiệu quả của DNLD yêu cầu có những giải pháp khắc phục ngay từ chính các doanh nghiệp này. Trước hết, các DNLD cần phải chú trọng đến việc đào tạo cán bộ, công nhân viên. Để thực hiện hiệu quả việc này, doanh nghiệp không chỉ cử người đi đào tạo ở nước ngoài, mà còn phải liên kết với các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp trong nước để tuyển lựa lao động và hỗ trợ đào tạo cho sát thực với yêu cầu cuả doanh nghiệp. Đối với các cán bộ bên Việt Nam trong DNLD cần thiết phải tự học hỏi về để nâng cao trình độ về mọi mặt đặc biệt là khả năng phân tích thị trường, ra quyết định và ngoại ngữ. Đồng thời, nên chủ động tạo mối quan hệ tốt với bên nước ngoài bằng nhiều hình thức để rút ngắn khoảng cách về văn hoá và hạn chế mâu thuẫn, bất đồng trong quản lý và điều hành doanh nghiệp. Bên cạnh đó cũng cần tỉnh táo với những chiêu bài của nhà đầu tư nước ngoài muốn lợi dụng liên doanh để chiếm lĩnh thị trường, hay lợi dụng sự thiếu hoàn thiện về luật pháp của Việt Nam về quyền sở hữu trí tuệ để sản xuất hàng nhái, hàng giả...

Một thực trạng phổ biến trong các doanh nghiệp ĐTTTNN ở Việt Nam trong thời gian gần đây là những tiêu cực phát sinh trong mối quan hệ về lao động, dẫn đến sự hoạt động kém hiệu quả của các doanh nghiệp này. Chẳng hạn như tình trạng nhiều doanh nghiệp không thực hiện đúng các quy định về lao động, tiền lương hay kéo dài thời gian thử việc của công nhân quá quy định; công nhân bị đối

xử thô bạo hoậc không được trả các khoản tiền làm thêm, làm ngoài giờ…Đây là một trong những vấn đề cơ bản mà chính các doanh nghiệp cần giải quyết và khắc phục. Trước hết, các doanh nghiệp ĐTTTNN cần thực hiện đúng các quy định của Luật lao động và Luật đầu tư nước ngoài ở Việt Nam như: ký kết các hợp đồng lao động cá nhân, hợp đồng lao động tập thể; trả lương, thưởng, thù lao ngoài giờ đúng quy định; rút ngắn thời gian thử việc theo quy định; tránh đối xử thô bạo hoặc xa thải tuỳ tiện đối với công nhân,… Thực hiện tốt những công việc này, các doanh nghiệp sẽ tránh được các tranh chấp về lao động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh năng suất và hiệu qủa. Thứ hai, các doanh nghiệp ĐTTTNN cần thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động và các điều kiện an toàn lao động. Thứ ba, các cán bộ điều hành bên Việt Nam cần tránh rơi vào tình trạng bỏ mậc người lao động, vô trách nhiệm, không đấu tranh hoặc làm theo ý của chủ nước ngoài. Thứ tư, các tổ chức công đoàn cần phát huy vai trò bảo vệ quyền lợi của người lao động, đấu tranh kiên quyết trong những trường hợp vi phạm quyền lợi đối với công nhân… Lao động là đầu vào quan trọng đối với doanh nghiệp vì vậy, giải quyết tốt mối quan hệ với người lao động sẽ là động lực thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp ĐTTTNN ở Việt Nam nói riêng phát triển thuận lợi trên thị trường.

Một vấn đề nữa là phần lớn các nhà đầu tư, đầu tư vào Việt Nam nhằm mục đích hưởng thuế quan ưu đãi từ các nước Mỹ và Tây Âu, khu mậu dịch tự do. Vì vậy, việc tích cực mở cửa và hội nhập vào nền kinh tế thế giới, theo xu hướng tự do hoá thương mại của Việt Nam (như gia nhập AFTA, ký kết hiệp định thương mại Việt - Mỹ, tích cực đàm phán gia nhập tổ chức thương mại thế giới - WTO) sẽ tạo ra nhiều khả năng thu hút ĐTTTNN vào Việt Nam trong thời gian tới. Vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam phải chuẩn bị trước để đón tiếp các nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án liên doanh và Hợp đồng hợp tác kinh doanh. Muốn vậy, cần phải có một hệ thống doanh nghiệp trong nước phát triển, đủ sức hấp thụ công nghệ chuyển giao, và là đối tác ngày càng bình đẳng với nhà đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cần thiết để thu hút được nhều hơn và hiệu quả hơn luồng vốn ĐTTTNN.

Hệ thống các doanh nghiệp đó phảibao gồm cả những doanh nghiệp sản xuất lẫn dịch vụ ở tất cảcác lĩnh vực, ngành nghề và thành thạo các nghiệp vụ kinh doanh quốc tế, đủ sức giữ vững thị phần thích đáng tại thị trường trong nước và ngày càng có sức mạnh trên thị trường thế giới. Mạng lưới các doanh nghiệp dịch vụ tài chính – ngân hàng có vai trò rất quan trọng trong hệ thống đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động và lưu chuyển vốn trong nước và quốc tế. Càng tự do hoá tài chính và đầu tư sẽ càng tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư lớn trên thế giới. Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tích cực tìm hiểu đối tác về lĩnh vực kinh doanh, tiềm lực tài chính, khả năng công nghệ, kinh nghiệm quản lý... Tham khảo danh mục và vốn đầu tư của Chính phủ để lựa chọn lĩnh vực và địa bàn đầu tư phù hợp. Đồng thời các doanh nghiệp cần nâng cao tiềm lực của mình để tăng tỷ lệ góp vốn của bên Việt Nam trong liên doanh. Điều này sẽ giảm thiệt thòi của bên Việt Nam trong liên doanh và tạo ra khả năng chuyển sang hình thức DN 100% vốn của Việt Nam sau này. Có thể nói, trong một doanh nghiệp liên doanh, các doanh nghiệp không chỉ đại diện cho chính mình, mà họ còn đại diện cho quốc gia mà họ mang quốc tịch, vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam phải giữ vững được "màu cờ, sắc áo", nâng cao uy tín và vị thế của mình chính là nâng cao vị thế và uy tín của Tổ quốc.

Một phần của tài liệu ĐTTTNN ở Việt Nam giai đoạn 1996-2001, thực trạng và giải pháp (Trang 58 - 60)