2.1.3.1. Tình hình huy động tiền gửi.
Hoạt động thường xuyên và chủ yếu của Ngân hàng là huy động lượng tiền nhàn rỗi trong dân cư và sử dụng nguồn này để cho vay. Để đạt được tốc độ tăng trưởng nguồn vốn như những năm vừa qua ( như ta thấy trong bảng 1), Ngân hàng đã phải luôn phối hợp hài hòa những yếu tố tích cực như hình thức huy động vốn đa dạng, hấp dẫn; lãi suất tiền gửi phù hợp cho từng đối tượng khách hàng; đẩy mạnh triển khai áp dụng công nghệ tin học hiện đại vào công tác thanh toán; phong cách giao tiếp văn minh lịch sự, tận tình chu đáo với khách hàng; có đội ngũ cán bộ thường xuyên được đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, ý thức trách nhiệm để có thể tư vấn cho khách hàng lựa chọn hình thức gửi tiền phù hợp... Trong năm 2004 vừa qua, Ngân hàng đã thực hiện liên tiếp 3 đợt khuyến mãi huy động bốc thăm trúng thưởng, tổ chức cuộc hội nghị khách hàng, tổ chức bốc thăm trúng thưởng, khuyễn mãi tặng quà cho khách hàng,...được người gửi tiền hưởng ứng rất
nhiệt tình. Bên cạnh đó, Ngân hàng đa dạng hóa các hình thức tiền gửi như tiết kiệm “An sinh”, tiết kiệm dự thưởng; đa dạng hóa các các mức lãi suất theo kỳ hạn quy mô khoản tiền gửi; đa dạng hóa các cách thức trả lãi như trả lãi trước han, trả lãi khi đến hạn, trả lãi hàng tháng, trả lãi theo kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng,...Đặc biệt trong dịp cuối năm 2004, Ngân hàng đã đưa ra hình thức huy động mới: “Tiết kiệm VND được bù đắp trượt giá USD, sản phẩm này đã đáp ứng được tâm lý khách hàng e ngại sự mất giá của đồng VND so với USD nhưng lại muốn hưởng lãi cao của tiền VND.
Mặt khác, trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam phát triển tạo điểu kiện nâng cao đời sống của dân cư, không những tiêu dùng của họ được mở rộng mà tiết kiệm cũng được tăng lên. Bên cạnh đó, sự phát triển của nền kinh tế cũng tạo ra môi trường cho các doanh nghiệp mới thành lập và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp mở rộng không ngừng làm cho nhu cầu về các dịch vụ tài chính qua ngân hàng cũng tăng lên.
Nền kinh tế phát triển cùng sự nỗ lực của Ngân hàng đã khiến cho quy mô vốn huy động tiền gửi của ngân hàng ngày một tăng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số nguồn vốn huy động, đóng góp phần lớn cho sự gia tăng của nguồn vốn. Cụ thể, năm 2004 Ngân hàng đã huy động được 1.824 tỷ dồng tăng 582 tỷ đồng so với năm trước và chiếm gần 50% tổng nguồn huy động, trong đó tiền gửi tiết kiệm là 1.541 tỷ đồng tăng 504 tỷ đồng so với năm trước, tiền gửi thanh toán là 283 tỷ đồng tăng 73 tỷ đồng so năm trước. Tỷ trọng nguồn tiền gửi cho thấy đây là nguồn quan trọng đối với ngân hàng, không những chiếm tỷ trọng cao mà còn là nguồn ổn định ít biến động. Nhìn chung, tình hình huy động tiền gửi từ thị trường I (tiền gửi dân cư và các tổ chức kinh tế) đã đáp ứng được nhu cầu vốn cho hoạt động tín dụng của Ngân hàng trong thời gian qua. Tuy nhiên để mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh và nâng cao vị thế của mình trong thời gian tới thì Ngân hàng cần phải mở rộng huy động mạnh mẽ hơn nữa nguồn tiền tiềm năng này.
Đơn vị: tỷ VNĐ
Loại tiền gửi Năm 2003 Năm 2004
Quy mô Tỷ trọng Quy mô Tỷ trọng Mức tăng
Tiền gửi thanh toán 210 17% 283 16% 35%
Tiền gửi tiết kiệm 1032 83% 1541 84% 49%
Tổng tiền gửi huy động 1242 100% 1824 100% 47%
(Nguồn: Báo cáo hàng năm của Ngân hàng)
Mức tăng: là tăng năm 2004 so với năm 2003; được tính bằng quy mô năm 2004 trừ đi quy mô năm 2003 và chia cho quy mô năm 2003.
Tiền gửi thanh toán chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu nguồn tiền gửi của ngân hàng, (khoảng 16%). Phần lớn trong cơ cấu tiền gửi là tiền gửi tiết kiệm có kì hạn và không có kì hạn của dân cư. Tốc độ tăng tỷ trọng tiền gửi thanh toán chậm hơn so với tốc độ tăng tỷ trọng tiền gửi tiết kiệm. Nguồn tiền gửi tiết kiệm tuy có tính ổn định cao hơn, nhưng chi phí cho việc chi trả lãi suất để huy động nguồn lại cao; còn tiền gửi thanh toán là nguồn có chi phí rẻ hơn vì ngân hàng phải trả lãi thấp hơn. Tỷ trọng nguồn vốn như hiện nay khiến chi phí trả lãi của Ngân hàng phải lớn. Nguồn phí thu từ kinh doanh dịch vụ thanh toán cũng thấp ảnh hưởng đến lợi nhuận cộng với chi phí cao để trả lãi huy động sẽ khiến Ngân hàng phải cắt giảm các nguồn chi phí khác như chi quản lý, lương nhân viên, ... để đảm bảo hoạt động kinh doanh của mình. Lý do tỷ trọng tiền gửi thanh toán nhỏ như hiện nay là bởi khách hàng của Ngân hàng ít những doanh nghiệp lớn hay những công ty gửi tiền để thực hiện thanh toán qua ngân hàng.
Nhìn chung trong năm vừa qua, tình hình huy động vốn từ dân cư không chỉ của Ngân hàng mà cả các NHTM khác trong toàn hệ thống nước ta đều có xu hướng tăng chậm. Nguyên nhân là vì trong quá trình chuyển động của nền kinh tế theo xu hướng hội nhập, người dân ngày càng có nhiều sự lựa chọn chủ động và linh hoạt các kênh đầu tư khác chứ không phải hầu như là gửi vào ngân hàng. Đây là một thách thức lớn đối với hệ thống ngân hàng. Vì vậy muốn mở rộng thị phần thu hút người dân gửi tiền thì Ngân hàng cần phải cạnh tranh trên mọi mặt, nâng cao uy tín về huy động vốn trong dân.
2.1.3.2. Tình hình huy động từ nguồn khác.
Kinh doanh trên thị trường liên ngân hàng được Ngân hàng rất chú trọng.
Trong năm qua, Ngân hàng tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt với các ngân hàng thương mại khác đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh lớn như Ngân hàng Công Thương, Ngân hàng Ngoại Thương, Ngân hàng Đầu Tư,... để khai thác các nguồn vốn nhàn rỗi từ các ngân hàng này. Tổng số huy động trên thị trường đạt kết quả vượt bậc, đạt được hơn 2000 tỷ đồng, vượt kế hoạch và tăng 112% so với thực hiện năm 2003. Nguồn huy động trên thị trường liên ngân hàng chủ yếu ngân hàng dùng cho vay lại, hoặc mua kỳ phiếu để kiếm lời ngay trên thị trường này. Kể từ tháng 7/2004 NHNN đã ra quyết định số 769/2004 QĐ – NHNN tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc với tiền gửi bằng đồng VNĐ và ngoại tệ USD khiến các ngân hàng lâm vào tình trạng chung là căng thẳng về nguồn vốn, vì vậy việc vay mượn của ngân hàng trên thị trường này trong thời gian tới cũng sẽ bị hạn chế.
Ngoài việc huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng, các ngân hàng thường có thể nhận được sự hỗ trợ từ phía NHTƯ. Các hình thức mà NHNN cung cấp vốn ra thị trường nhằm giảm bớt tình trạng căng thẳng về vốn khả dụng cho các ngân hàng vào những tháng cuối năm là hạ thấp lãi suất chiết khấu, tái chiết khấu các chứng từ có giá hoặc cung cấp vốn thông qua công cụ nghiệp vụ thị trường mở. Nhưng đối với Ngân hàng thương mại cổ phần các doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam, lại chưa tham gia chính thức trên thị trường mở cũng như việc tham gia các hình thức chiết khấu, tái chiết khấu giấy tờ có giá rất hạn chế nên việc vay mượn từ NHNN rất khó khăn.
Huy động vốn chủ sở hữu là một trong những biện pháp quan trọng nâng cao
sự an toàn cho hoạt động ngân hàng, qui mô vốn chủ sở hữu thể hiện sức mạnh tài chính và khả năng kinh doanh của ngân hàng. Vì thế trong các năm qua, VPBank đã nâng mức vốn chủ lên là 199,3 tỷ đồng riêng vốn điều lệ là 198,4 tỷ đồng (đến tháng 12/2004). Trong năm, Ngân hàng đã duy trì tốt các tỷ lệ an toàn theo đúng quy định của NHNN, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của Ngân hàng (tỷ lệ vốn tự có trên
tổng tài sản có rủi ro) là 8,2% (2004) đảm bảo tiêu chuẩn của NHNN là 8%. Hoạt động của Ngân hàng hiện nay đang trên đà hồi phục, hoạt động kinh doanh có xu hướng ngày càng phát triển ổn định vững mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để tăng uy tín, từ đó, thu hút các tổ chức tài chính quốc tế và ngân hàng nước ngoài mua cổ phần, chuyển giao công nghệ hiện đại, hỗ trợ khả năng tài chính, giúp Ngân hàng tăng vốn điều lệ lên. Sự gia tăng vốn chủ sở hữu trong những năm qua đã giúp cho Ngân hàng nâng cao được uy tín, mở rộng được quy mô, nhiều khách hàng đã biết về ngân hàng và đã tìm đến với ngân hàng để gửi tiền và xin vay.
Tài sản nợ khác bao gồm tiền ký quĩ, giữ hộ, chờ thanh toán,...và các khoản phải trả khác chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng nguồn vốn nhưng cũng góp phần hỗ trợ vốn kinh doanh cho Ngân hàng trong thời gian mà ngân hàng có thể tận dụng nguồn này.
Hoạt động huy động vốn từ phát hành trái phiếu, kỳ phiếu với các kỳ hạn
còn hạn chế, Ngân hàng chưa phát huy được phương thức huy động này.
2.2. Chính sách lãi suất huy động vốn của Ngân hàng.
2.2.1. Cơ chế điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Cơ chế điều hành lãi suất của NHNN chi phối cơ chế quản lý lãi suất nói chung và lãi suất huy động của các NHTM và của Ngân hàng cổ phần các doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam.
Quyết định 546/2002/QĐ-NHNN ngày 30/05/2002 của Thống đốc NHNN VN viết đã xóa bỏ cơ chế điều hành lãi suất cơ bản, chuyển sang cơ chế lãi suất thỏa thuận, mà theo đó, việc kiểm soát lãi suất thị trường bằng công cụ hành chính đã chấm dứt, công cụ gián tiếp của chính sách tiền tệ đóng vai trò quan trọng để tác động và kiểm soát lãi suất thị trường biến động theo chiều hướng phù hợp với mục tiêu của chính sách tiền tệ. NHNN sử dụng các công cụ gián tiếp tác động và kiểm soát lãi suất thị trường như: tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi huy động, đưa ra các mức lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất vay qua đêm, ...
+ Lãi suất vay qua đêm > mức lãi suất khác nhằm điều tiết và chỉ đạo mặt bằng lãi suất thị trường, buộc các NHTM huy động trên thị trường tiền tệ.
+ Lãi suất tiền gửi qua đêm thường thấp.
+ Lãi suất thị trường mở giao động giữa lãi suất cho vay qua đêm và lãi suất tiền gửi qua đêm, điều này chi phối lãi suất đấu thầu.
+ Lãi suất thị trường liên ngân hàng xoay quanh lãi suất thị trường mở giúp NHNN kiểm soát được lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, mà lãi suất trên thị trường liên ngân hàng thường là cơ sở xuất phát cho các NHTM xác định lãi suất đầu vào và đầu ra cho khách hàng.
Cơ chế điều hành hệ thống lãi suất chủ đạo là sự tác động gián tiếp của lãi suất cho vay qua đêm đến lãi suất huy động, cho vay của NHTM thông qua lãi suất trung gian và nghiệp vụ thị trường mở và thị trường liên ngân hàng.
Tự do hóa lãi suất tạo cơ hội cho ngân hàng chủ động trong việc đề ra các mức lãi suất trong quá trình hoạt động phù hợp với từng trường hợp, từng giai đoạn và từng đối tượng, nâng cao được khả năng huy động vốn. Thêm nữa, việc thực hiện tự do hóa lãi suất tạo sự linh hoạt, phát huy đúng tầm quan trọng của công cụ lãi suất trong quản lý kinh tế, thúc đẩy khả năng huy động và sử dụng vốn, gia tăng đầu tư phát triển sản xuất kinh tế xã hội.
2.2.2. Mục tiêu của Ngân hàng đối với chính sách.
Giống như mục tiêu chung của các NHTM đối với chính sách lãi suất huy động vốn, Ngân hàng đặt cho mục tiêu trong chính sách của mình là đưa ra các mức lãi suất huy động danh nghĩa để đạt được sự thành công trong công tác huy động vốn của mình, đạt được hiệu quả trong việc sử dụng nguồn an toàn và kinh doanh có hiệu quả, tiết kiệm được chi phí huy động từ đó nâng cao lợi nhuận cho ngân hàng, mở rộng hoạt động kinh doanh của mình, nâng cao vị thế cạnh tranh cho ngân hàng trong thời gian tới.
Trong nguồn vốn huy động của Ngân hàng, nguồn tiền gửi từ phía dân cư và các tổ chức kinh tế chiếm tỷ trọng lớn (chiếm khoảng 70%) và là nguồn vốn quan
trọng cho hoạt động tín dụng thường xuyên của ngân hàng, nên chính sách lãi suất huy động vốn tập trung chủ yếu đưa ra các mức lãi suất phù hợp cho các kì hạn tiền gửi, loại tiền gửi, các đối tượng gửi tiền, cho mục đích gửi tiền của khách hàng.
2.2.3. Thực trạng chính sách của Ngân hàng. 2.2.3.1.Tình hình lãi suất huy động. 2.2.3.1.Tình hình lãi suất huy động.
Chính sách lãi suất của Ngân hàng được xây dựng dựa trên nguyên tắc chính: thứ nhất là đảm bảo được độ chênh lệch hợp lý giữa lãi suất đầu vào và lãi suất đầu ra, mức chênh lệch đó phải đảm bảo bù đắp chi phí đồng thời tạo ra mức thặng dư về lợi nhuận hợp lý; thứ hai là lãi suất được điều chỉnh tùy thuộc vào quan hệ cung cầu vốn trên thị trường.
Để xác định lãi suất đầu vào, Ngân hàng thường tham khảo hướng thay đổi của các loại lãi suất chủ yếu sau: lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất của các ngân hàng thương mại quốc doanh lớn như Ngân hàng Ngoại Thương, Ngân hàng Công Thương...và lấy các loại lãi suất này làm lãi suất gốc cho mình, sau đó cộng lãi suất gốc này với biên độ (Margin) được xác định trong từng thời kỳ để có lãi suất huy động. Biên độ của Ngân hàng được xác định phụ thuộc vào sự phân tích tình hình và khả năng huy động của Ngân hàng trong mỗi thời kỳ.
Mặc dù lãi suất trên thị trường liên ngân hàng hết sức quan trọng nhưng NHNN VN chưa xác định được lãi suất này một cách chính xác, cập nhật. Từ năm 1998, Hãng Reuters đã xây dựng một trang màn hình về lãi suất chào giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng hằng ngày. Cơ chế xác định lãi suất giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng như sau: Hằng ngày các ngân hàng được yêu cầu chào lãi suất của các kỳ hạn lên trang màn hình bao gồm cả lãi suất chào vay và lãi suất đi vay. Trên cơ sở lãi suất chào của các ngân hàng, Hãng tính toán xác định lãi suất bình quân của từng kỳ hạn thường là 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng. Cho thấy, lãi suất hình thành trên cơ sở các giao dịch liên ngân hàng chưa phản ánh lãi suất của thị trường, các giá chào của ngân hàng nhiều khi
không sát với giá thị trường, lãi suất giao dịch nhiều khi chỉ là theo cảm tính của các ngân hàng mà chưa thể hiện cung cầu vốn trên thị trường. Vì vậy nếu Ngân hàng sử dụng lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng làm lãi suất tham chiếu, cơ sở để bắt đầu xác định lãi suất của mình sẽ làm lãi suất không thể hiện quan hệ cung cầu và lãi suất xác định sẽ không mang lại hiệu quả cho hoạt động của Ngân hàng.
Ngân hàng thương mại cổ phần các doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam là một ngân hàng có quy mô còn nhỏ bé so với các ngân hàng thương mại quốc doanh trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Thị phần khách hàng gửi tiền vào Ngân hàng còn thưa thớt, nhỏ bé so với các ngân hàng khác nên Ngân hàng không thể kiểm soát được lãi suất thị trường vì lãi suất do mức cung, cầu vốn trên thị trường