1. Các mục tiêu trước mắt
Thứ nhất, đảm bảo thực hiện các cam kết với các nước trong khu vực
mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Đây là mục tiêu quan trọng và cấp bách
hiện nay trong chính sách thương mại hội nhập của Việt Nam. Trước hết,
Việt Nam phải thực hiện cắt giảm thuế quan nhập khẩu ở mức 0-5% theo lịch trình cắt giảm thuế bình thường và lịch trình cắt giảm thuế nhanh sao
cho việc cắt giảm thuế được hoàn tất vào năm 2006 theo cam kết chính thức
với các nước trong khu vực mậu dịch tự do ASEAN. Đồng thời cần chuẩn bị phương án để loại bỏ các hàng rào phi thuế quan theo thoả thuận giữa các nước, cải tổ bộ máy hải quan, thiết lập hệ thống luồng hải quan xanh, xây
dựng và áp dụng các mã số về thuế thích hợp, xây dựng bộ máy giám sát
việc thực hiện các cam kết với các nước trong AFTA... Việc tham gia vào AFTA cần chú ý hạn chế những yếu kém của nền kinh tế Việt Nam đặc biệt
là hạn chế của các ngành công nghiệp chế biến của Việt Nam so với các nước trong AFTA.
Thứ hai, Tích cực chống các hiện tượng buôn bán lậu qua biên giới và gian lận thương mại, xử lý nghiêm minh các vi phạm. Đây là biện pháp để tăng cường quản lý xuất nhập khẩu nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo đảm môi trường kinh doanh đối ngoại có tính pháp lý cao, có mức độ bảo hộ tốt
và hình thành nề nếp kinh doanh ổn định, có trật tự, tạo lòng tin đối với các
bạn hàng nước ngoài.
2. Các mục tiêu lâu dài.
Một là, phát triển hoạt động thương mại quốc tế nhằm đổi mới cơ cấu
vốn đầu tư cao, khai thác có hiệu quả các nguồn lực phát triển, tăng trưởng
kinh tế nhanh, giải quyết việc làm và cải thiện đời sống người lao động.
Hai là, thực hiện quá trình tự do hoá thương mại từ thấp đến cao theo xu hướng chung của các nước trong khu vực và trên thế giới. Việc làm này nhằm thực hiện việc giảm thiểu các hàng rào cản trở các hoạt động xuất và nhập khẩu hiện nay.
Ba là, đảm bảo tính nhất quán và tính ổn định của hệ thống luật pháp, chính sách, quy định của các cấp, các ngành đối với các lĩnh vực thương mại
phù hợp với các cam kết của khu vực thương mại tự do ASEAN, diễn đàn hợp tác kinh tế Châu á - Thái Bình Dương (APEC), tổ chức thương mại thế
giới (WTO).
Bốn là, xây dựng chiến lược thương mại thích hợp với điều kiện hội
nhập từ việc xác định thị trường trọng điểm (hiện nay là thị trường khu vực
Châu Á - Thái Bình Dương), quy hoạch mặt hàng xuất nhập khẩu, thực hiện chính sách đầu tư thích hợp, tổ chức mạng lưới phân phối hàng xuất khẩu
hữu hiệu...
Năm là, Sử dụng tổng hợp các công cụ tỷ giá hối đoái, lãi suất, trợ cấp
và các biện pháp quản lý hành chính để điều chỉnh hoạt động thương mại
theo các mục tiêu đặt ra. Đồng thời, cần chú trọng đến tác động riêng rẽ của
từng loại công cụ đến hoạt động xuất nhập khẩu để sử dụng một cách linh
hoạt cho thích hợp đối với từng loại quan hệ thương mại trong từng giai đoạn
phát triển.
Sáu là, cải tiến mối quan hệ giữa cơ quan lập pháp và cơ quan hành
pháp trong việc ban hành và thực hiện các văn bản về chính sách thương
mại. Điều hoà hợp lý mối quan hệ giữa quản lý vi mô và vĩ mô trong điều
tiết các hoạt động thương mại quốc tế. Tránh tình trạng các cơ quan quản lý
có thẩm quyền không những không tạo điều kiện thuận lợi mà còn gây ách tắc cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.
Bảy là, tăng cường hiệu lực thực hiện của các văn bản pháp luật về thương mại (tăng cường pháp chế thương mại). Xử lý nghiêm minh các
trường hợp vi phạm các quy phạm pháp luật về quản lý thương mại cả cơ
quan quản lý Nhà nước lẫn các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Tám là, Bảo đảm cân đối giữa xuất khẩu và nhập khẩu để cải thiện cán cân thương mại. Loại bỏ tình trạng nhập khẩu các loại hàng hoá mà trong
nước có thể sản xuất được hoặc sản xuất với chất lượng cao hơn. Tích cực thúc đẩy xuất khẩu theo phương châm đa dạng hoá và đa phương hoá thị trường.
Chín là, cải thiện điều kiện thương mại, gia tăng tỷ lệ các hàng xuất
khẩu chế biến sâu, nâng tỷ lệ này lên 50%.