Sự thành công của Trung Quốc đã mang lại cho Việt Nam bài học kinh nghiệm quý báu, đó là nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm thông qua việc ban hành các chính sách. Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các làng nghề, doanh nghiệp nhưng chưa thực sự hiệu quả. Để đạt được mục tiêu trong giai
đoạn tới, nhà nước cần quan tâm nhiều hơn tới mặt hàng TCMN và có những giải pháp phù hợp.
Thứ nhất, nhà nước cần quan tâm đến việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện dễ dàng cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, đăng ký thương hiệu và sở hữu trí tuệ.
Thứ hai, nhà nước ban hành thêm những chính sách khuyến khích xây dựng và phát triển các điểm công nghiệp tập trung các làng nghề, đặc biệt là những chính sách hỗ trợ tài chính. Hiện nay, chúng ta đã xây dựng được nhiều cụm công nghiệp làng nghề nhưng giá cho thuê mặt bằng quá cao cùng với chi phí cơ sở hạ tầng lên tới hàng tỷ đồng 1 suất, các hộ nghề không có điều kiện tham gia.
Thứ ba, nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động hơn về nguồn nguyên liệu qua việc cho vay tín chấp với các đơn vị đã có hợp đồng xuất khẩu để tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp thu mua nguyên liệu, có chế độ thuế riêng đối với nguyên liệu đầu vào ngành TCMN tùy thuộc đặc thù của mỗi loại nguyên liệu.
Thứ tư, nhà nước cần hỗ trợ cho hội ngành nghề tổ chức các lớp dạy nghề, nâng cao trình độ sản xuất, quản lý, thiết kế mẫu sản phẩm (tài trợ cho các giải sáng tác mẫu mã cho sản phẩm)
Thứ năm, thông qua các quan hệ ngoại giao, nhà nước thiết lập quan hệ với các hiệp hội TCMN của Nhật Bản, xây dựng các chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại thường xuyên, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ để mở rộng thị phần trên thị trường Nhật Bản.
Thứ sáu, nhà nước cung cấp thường xuyên cho các doanh nghiệp những thông tin dự báo về diễn biến thị trường, giá cả và các thay đổi quy định về pháp luật nhập khẩu hàng TCMN của các nước, để tránh rủi ro cho doanh nghiệp hoặc định hướng mở rộng thị trường.
Thứ bảy, nhà nước có quy định cụ thể về việc sử dụng lao động nhàn rỗi không thường xuyên ở nông thôn, đối với lao động gia công hàng TCMN, để chi phí tiền gia công được chấp nhận là hợp lý, khuyến khích lao động tham gia sản xuất.