Giai đoạn 1986 – nay: Giao thông vận tải góp phần quan trọng vào

Một phần của tài liệu Nâng cao quản lý Nhà nước đối với chất lượng công trình giao thông Việt Nam (Trang 28 - 34)

I. Khái quát chung về ngành xây dựng giao thông Việt Nam

1. Quá trình hình thành và phát triển

1.5. Giai đoạn 1986 – nay: Giao thông vận tải góp phần quan trọng vào

cuộc phát triển đất nước thời kỳ đổi mới

Ngay từ khi bắt đầu công cuộc ‘Đổi mới’, phát triển nền kinh tế đất nước theo kinh tế thị trường định hướng XHCN, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương phải ưu tiên đầu tư phát triển GTVT để GTVT đi trước một bước tạo tiền đề và thúc đẩy kinh tế phát triển. GTVT là khâu quan trọng nhất của kết cấu hạ tầng và GTVT phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế quốc dân1.

Tiếp sau đó đã xác định những mục tiêu lớn của Ngành GTVT, đó là: “Khắc phục tình trạng xuống cấp của hệ thống giao thông hiện có; khôi phục, nâng cấp và mở rộng thêm một số tuyến giao thông trọng yếu, kết hợp giao thông với thuỷ lợi, tận dụng giao thông đường thuỷ; mở thêm đường đến các vùng sâu, vùng xa ; cải thiện giao thông ở các thành phố lớn. Cải tạo, nâng cấp một số cảng sông, cảng biển, sân bay; xây dựng dần cảng biển nước sâu’’2.

Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (2001), Nghị quyết Đại hội một lần nữa ghi rõ: “Kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và có bước đi trước. Hệ thống giao thông bảo đảm lưu thông an toàn, thông suốt quanh năm và hiện đại hoá một bước. Mạng lưới giao thông

1 Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986)

nông thôn được mở rộng và nâng cấp”; “Phát triển mạnh và nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ: thương mại, hàng không, hàng hải...”.

Thực hiện chủ trương và những mục tiêu mà Đảng đề ra, toàn Ngành GTVT đã có nhiều cố gắng, huy động và phát huy nhiều nguồn lực phục vụ công cuộc phát triển Ngành. Có thể chia ra 2 giai đoạn chính trong thời kỳ này :

Từ 1986 đến 1995 :

Trong giai đoạn từ năm 1986 đến năm 1995, do đất nước vẫn đang bị bao vây cấm vận, ngân sách Nhà nước hết sức khó khăn nên Ngành GTVT tập trung chủ yếu nguồn lực cho công tác duy tu bảo dưỡng để đảm bảo an toàn giao thông và triển khai xây dựng một số công trình thực sự cấp bách.

Trong giai đoạn này Bộ GTVT đổi tên thành Bộ GTVT và Bưu điện sau khi Tổng cục Bưu điện và Cục Hàng không dân dụng sáp nhập và Bộ GTVT. Một số nhiệm vụ chính của Bộ GTVT và Bưu điện trong giai đoạn này là: (1) Về vận tải: Tập trung chỉ đạo các ngành vận tải kiên quyết thực hiện mục tiêu vận tải đối với các mặt hàng quan trọng trong nền kinh tế như than, phân bón, hàng xuất nhập khẩu; đồng thời phục vụ các nhu cầu đời sống xã hội như: lương thực, hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng lên miền núi ... (2) Trong sản xuất công nghiệp tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nghiên cứu, thiết kế và sản xuất những mặt hàng mới như trạm trộn nhựa, lu bánh lốp, lu diezen và tập trung vào hai khâu lớn là sửa chữa tàu biển, phương tiện thiết bị công trình lắp ráp ô tô, sửa chữa đầu máy và đóng toa xe ... (3) Về xây dựng cơ bản: kiên quyết dành vốn và các điều kiện khác cho những công trình trọng điểm và các công trình có khả năng hoàn thành để đưa vào khai thác. Công tác duy tu, quản lý đường bộ, chất lượng công trình được coi trọng. (4) Về thông tin liên lạc: Hoàn thành một số tuyến vi ba từ Hà Nội đi các tỉnh và nhất là công tác thông tin phục vụ hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các kỳ họp Quốc hội.

Trong 10 năm đầu quá trình đổi mới, ngành đường bộ đã hoàn thành một số tuyến đường, cây cầu có tầm vóc lớn, góp phần phát triển kinh tế xã hội như: cầu Bến Thuỷ, Thái Bình, Yên Bái, Đò Quan, Việt Trì, Tràng Tiền, Phong Châu... ;

các quốc lộ như QL1, QL5, QL80, QL24. Nhiều đô thị mới cũng đã mọc lên dọc theo các tuyến đường. Giao thông miền núi, giao thông nông thông trong giai đoạn này cũng bắt đầu khởi sắc. Nhờ sự đầu tư của Nhà nước kết hợp với ngân sách địa phương và sức dân, hàng ngàn con đường liên huyện, liên xã... đã được mở ở nhiều nơi từ Bắc – Trung – Nam, tạo ra mạng lưới giao thông trải rộng trên khắp đất nước.

Đối với đường sắt, những kỳ tích đặc biệt về tần suất và thời gian chạy tàu cũng được lập nên trong giai đoạn này nhờ việc đầu tư nâng cấp, đóng mới phương tiện và cải thiện trình độ quản lý. Đặc biệt, ngành hàng không dân dụng từ năm 1990 đã có sự phát triển cực kỳ nhanh chóng. Từ chỗ chỉ có các máy bay thế hệ cũ của Liên Xô (trước đây) như TU, AN..., đội máy bay của Vietnam Airlines lần đầu tiên đã mạnh dạn thuê 10 chiếc máy bay Airbus A320 và mua các máy bay như ATR72, Fokker70 để đưa vào khai thác. Đây là những loại máy bay rất hiện đại lúc bấy giờ, làm thay đổi hẳn bộ mặt của hãng hàng không quốc gia Việt Nam. Cùng với việc đổi mới máy bay, các điểm đến của hàng không Việt Nam trong giai đoạn này cũng phát triển hết sức ấn tượng, cả trong nước và quốc tế. Thị trường hàng không Việt Nam trở nên sôi động và có tốc độ phát triển rất nhanh, có năm lên tới trên 40%.

Các lĩnh vực quan trọng khác của Ngành GTVT như vận tải biển quốc tế, nội địa cũng được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để mở rộng các cảng; đóng mới và sửa chữa các tàu vận tải lớn. Hệ thống các doanh nghiệp thuộc Bộ có vai trò rất quan trọng trong việc sản xuất công nghiệp GTVT với việc hàng năm tạo ra hàng ngàn tỷ đồng lợi nhuận, không chỉ đóng góp và ngân sách Nhà nước mà còn góp phần vào tái đầu tư, mở rộng hoạt động của ngành trong chế tạo, lắp ráp, xây dựng công nghiệp GTVT.

Từ năm 1995-2005:

10 năm tiếp theo của công cuộc ‘Đổi mới’ đánh dấu một mốc mới trong tiến trình phát triển của Ngành GTVT. Trong giai đoạn này, sau khi Mỹ bỏ lệnh cấm vận, các tổ chức tài chính quốc tế và nhiều nhà tài trợ đã nối lại quan hệ với Việt Nam, cung cấp nhiều khoản viện trợ quan trọng cho phát triển kết cấu hạ tầng

giao thông. Nhờ vậy, Ngành GTVT đã có điều kiện và nguồn lực để phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu.

Về mặt tổ chức, năm 1992, ngành Bưu điện và ngành Hàng không tách ra khỏi Bộ GTVT. Tuy nhiên, đến năm 2003, Cục Hàng không dân dụng trở lại trực thuộc Bộ GTVT. Theo Nghị định 34/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ thì hiện nay tổ chức Bộ GTVT gồm có các Vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ ; các Cục: Đường bộ, Đường sắt, Đường sông, Hàng hải, Hàng không, Đăng kiểm, Giám định và Quản lý chất lượng công trình giao thông. Ngoài ra là một số đơn vị sự nghiệp (Viện, trường, báo, tạp chí, Sở Y tế...) và các doanh nghiệp.

Từ năm 1996 trở lại đây, trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông, nhiều công trình giao thông đã được triển khai. Trong 10 năm (từ 1996 đến 2005) Ngành GTVT đã tiến hành cải tạo nâng cấp và làm mới hơn 16.000 km đường bộ; 1.400 km đường sắt; hơn 130.000 md cầu đường bộ; 11.000 md cầu đường sắt. Nâng cấp và xây dựng mới 5.400 md bến cảng; nạo vét 4,8 triệu m3 luồng lạch.

Về đường bộ, Ngành GTVT đã hoàn thành cơ bản việc nâng cấp toàn tuyến trục dọc “xương sống” của đất nước là Quốc lộ 1 từ Lạng Sơn đến Cần Thơ, trong đó nổi lên 02 công trình qui mô và hiện đại là Hầm đường bộ đèo Hải Vân và cầu Mỹ Thuận. Cùng với trục dọc này, một trục dọc thứ hai cũng đã hình thành. Đó là đường Hồ Chí Minh đã hoàn tất giai đoạn 1 (Đoạn từ Hoà Lạc đến Ngọc Hồi). Đường Hồ Chí Minh sẽ nối kết hơn 100 tuyến đường ngang trong đó có các trục hành lang Đông-Tây, nối liền với QL 1A ở phía Đông, gắn với hệ thống cảng biển nước sâu dọc bờ biển miền Trung, hệ thống các sân bay trên cao nguyên... hình thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh từ Bắc vào Nam và liên thông với các nước láng giềng.

Ngoài 02 trục dọc trên, Ngành GTVT đã hoàn thành các tuyến quốc lộ chính yếu nối đến các cảng biển và cửa khẩu quốc tế như QL5, QL18, QL10, QL22, QL51, QL14B... Đồng thời, đã và đang nâng cấp các tuyến quốc lộ hướng tâm và vành đai phía Bắc, phía Nam; các tuyến quốc lộ ở Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Trên các tuyến đường mới, hàng loạt các cầu đã được xây dựng như: cầu Kiền, cầu Tô Châu, Tạ Khoa, Bến Lức, cầu Tuần và tuyến tránh thành phố Huế, cầu Tân An và tuyến tránh Tân An, cầu Yên Lệnh; cầu Tuyên Nhơn (tuyến N2); các cầu thuộc dự án cầu QL1: Đà Rằng, Diêu Trì, Tam Giang; Sông Vệ, Câu Lâu, Trà Khúc, Cây Bứa, Bồng Sơn và Bàn Thạch; cầu Sông Rộ (dự án Đường HCM về quê Bác); cầu Gò Chai (dự án Đường xuyên Á); cầu Hoà Mạc, cầu Kênh Tiêu, cầu Hà Nha, cầu Giát (QL38)... Đặc biệt, hiện nay công trình cầu Cần Thơ đã được khởi công, đánh dấu sự hoàn tất các cầu trên Quốc lộ 1 - huyết mạch giao thông của đất nước.

Bên cạnh các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và tài trợ quốc tế, trong giai đoạn vừa qua đã nổi lên một số dự án BOT lần đầu tiên đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng như BOT Đèo Ngang; BOT An Sương – An Lạc. Đây là tín hiệu rất đáng mừng về khả năng huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội cho sự phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Về đường sắt, Ngành GTVT đã từng bước nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có, nâng cao an toàn và rút ngắn đáng kể thời gian chạy tàu. Các cầu và ga trên đường sắt Thống Nhất đã được cải tạo và nâng cấp. Về đường sông, đã hoàn thành nâng cấp 2 tuyến đường thuỷ phía Nam (TP HCM – Cà Mau, TP HCM – Kiên Lương); đồng thời từng bước nâng cấp các tuyến sông chính yếu khác.

Về hàng hải, Ngành GTVT trong giai đoạn vừa qua đã hoàn thành nâng cấp giai đoạn 1 các cảng biển tổng hợp quốc gia chủ yếu như: Cảng Cái Lân, cảng Hải Phòng, cảng Cửa Lò, cảng Vũng Áng, cảng Tiên Sa, cảng Quy Nhơn, cảng Nha Trang, cảng Sài Gòn, cảng Cần Thơ và hoàn thành nâng cấp một số cảng địa phương cần thiết đáp ứng lượng hàng hoá thông qua.

Về hàng không, tất cả các cảng hàng không trên khắp cả nước đều được nâng cấp một bước, đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại bằng máy bay đang ngày càng gia tăng. Một số công trình quan trọng có thể kể ra như: Nhà ga T1và đường cất hạ cánh 1B Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; đường cất hạ cánh 25L tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; nhà ga, sân đỗ, đường hạ cất cánh sân bay Vinh, nhà ga sân bay Phú Quốc ; nhà ga hành khách Cảng hàng không Phù Cát

(Bình Định), hoàn thành nâng cấp Cảng hàng không Vinh, đưa vào sử dụng cảng hàng không Côn Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu); khánh thành nhà ga hành khách và đài kiểm soát không lưu Cảng hàng không Điện Biên Phủ; cảng hàng không Chu Lai...

Đối với hệ thống giao thông địa phương, đến nay hệ thống đường tỉnh đã được mở mang, nâng cấp một bước, tạo được sự kết nối tốt hơn với hệ thống quốc lộ. Giao thông nông thôn phát triển mạnh đã làm giảm số xã chưa có đường đến trung tâm từ 663 xã năm 1997 xuống còn 219 xã năm 2004. Tuy nhiên đến nay, do có sự chia tách xã và nhiều tuyến đường giao thông nông thôn do không được quản lý, bảo trì và thiên tai phá hoại bị hư hỏng, xuống cấp nên số lượng xã chưa có đường về trung tâm tăng lên gần 400 xã.

Trong lĩnh vực vận tải, các dịch vụ vận tải đã và đang đáp ứng kịp thời những yêu cầu hết sức đa dạng của thị trường. Chưa bao giờ người dân lại đi lại dễ dàng và thuận tiện như hiện nay nay với nhiều tuyến vận tải đường bộ đi khắp nơi, tới mọi “hang cùng, ngõ hẻm” với nhiều loại ô tô hiện đại, phục vụ nhiều tiện nghi như điều hoà, tivi... Tàu hoả Bắc-Nam ngày càng nhiều chuyến hơn. Hàng không Việt Nam ngày một có thêm nhiều máy bay đời mới, hiện đại như Boeing B767, B777, Airbus A321... đưa vào khai thác nhiều tuyến bay mới cả trong nước và quốc tế. Các đội tàu biển, tàu sông của Việt Nam cũng vươn tới nhiều điểm đến trên toàn thế giới.

Theo số liệu thống kê thì trong vòng 10 năm qua, hoạt động vận tải bình quân tăng 8,6%/năm về tấn hàng hoá; 9,9% về T.Km; 8% về hành khách và 9,6% về HK.Km cao hơn chỉ tiêu Đại hội IX đặt ra là 9 - 10% T.Km và 5 – 6% HK.Km. Tốc độ tăng trưởng nói trên có thể nói là khá cao so với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế chung 7,5% mà Đảng và Chính phủ đề ra. Điều này cũng có nghĩa là Ngành GTVT đã và đang đóng góp rất tích cực vào tốc độ tăng trưởng của kinh tế đất nước; giúp nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra1.

Chất lượng các dịch vụ vận tải cũng ngày càng được nâng cao với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Vận tải container có bước phát triển mạnh; vận tải đa 1 Website: http://giaothongvantai.com.vn

phương thức đang từng bước được hình thành. Vận tải hành khách công cộng tại các thành phố, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM phát triển mạnh, được xã hội chấp nhận, góp phần quan trọng làm giảm ùn tắc giao thông đô thị.

Ngoài việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, Ngành GTVT còn có những bước tiến rất nhanh trong lĩnh vực công nghiệp cơ khí, đặc biệt là ngành đóng tàu, sản xuất ô tô. Nhiều sản phẩm của các đơn vị công nghiệp trong Ngành GTVT đã nhận được sự tín nhiệm của khách hàng cả trong nước và quốc tế. Thời gian qua, một số sản phẩm xe buýt của VINAMOTOR, tàu thuỷ của VINASHIN đã xuất khẩu được ra nước ngoài, đánh dấu một bước phát triển quan trọng và có ý nghĩa của ngành công nghiệp cơ khí GTVT.

Về công tác an toàn giao thông, trong những năm gần đây, Ngành GTVT đã thực thi một cách mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ nhiều chính sách nhằm góp phần cùng toàn xã hội thực hiện mục tiêu “3 giảm” về tai nạn giao thông mà Quốc hội và Chính phủ đề ra. Đó là giảm về số vụ tai nạn, giảm số người chết và giảm số người bị thương. Để làm được điều này, Ngành GTVT đã tập trung cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông, xoá bỏ các “điểm đen” về tai nạn giao thông; kiểm soát chặt chẽ phương tiện, từng bước loại bỏ các phương tiện cũ nát; tăng cường chất lượng công tác đào tạo, sát hạch và cấp phép người lái… Theo số liệu thống kê thì liên tục trong 3 năm qua, số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương tính trên 10.000 phương tiện đều giảm. Đây là kết quả rất đáng mừng, thể hiện sự nỗ lực không chỉ của Ngành GTVT mà còn của các địa phương và toàn bộ hệ thống chính trị.

Một phần của tài liệu Nâng cao quản lý Nhà nước đối với chất lượng công trình giao thông Việt Nam (Trang 28 - 34)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(69 trang)
w