AN TOÀN KHU ĐỊNH HOÁ LÀ MỘT TRONG NHỮNG NƠI XÁC LẬP CÁC MỐI QUAN HỆ NGOẠI GIAO

Một phần của tài liệu Luận văn: AN TOÀN KHU ĐỊNH HOÁ TRONG CĂN CỨ ĐỊA KHÁNG CHIẾN VIỆT BẮC pptx (Trang 75 - 80)

XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ AN TOÀN KHU ĐỊNH HOÁ TRONG CĂN CỨ ĐỊA KHÁNG CHIẾN VIỆT BẮC

3.3.AN TOÀN KHU ĐỊNH HOÁ LÀ MỘT TRONG NHỮNG NƠI XÁC LẬP CÁC MỐI QUAN HỆ NGOẠI GIAO

CÁC MỐI QUAN HỆ NGOẠI GIAO

Trong giai đoạn từ cuối năm 1945 đến đầu năm 1950, trước khi nhận được sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, nhân dân Việt Nam đã kiên cường chiến đấu trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc và đã giành được những thắng lợi quan trọng. Trước Chiến dịch Biên giới, Việt Nam đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất, đánh bại âm mưu chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp; công cuộc kháng chiến, kiến quốc từng bước phát triển toàn diện và vững chắc.

Cũng cần phải thấy rằng, trong bốn năm đầu toàn quốc kháng chiến (1946 - 1949) chúng ta ở một vị trí địa - chính trị cực kỳ bất lợi. Phía Bắc, Trung Hoa dân quốc do Quốc dân đảng kiểm soát. Đến năm 1946, Đảng cộng sản Trung Quốc đã có các vùng giải phóng rộng lớn nhưng đang phải chống lại cuộc tiến công trên qui mô toàn quốc của quân Tưởng. Ở phía Tây và Tây Nam, Chính phủ Hoàng gia của cả hai vương quốc Lào và Campuchia đều theo Pháp. Về phía đông là biển và ta cũng không thể kiểm soát được cảng nào trong số ba cảng lớn: Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Nẵng. Chúng ta hoàn toàn ở thế bị bao vây tứ phía, không liên lạc được với lực lượng hoà bình, dân chủ thế giới. Bên ngoài chỉ hiểu cuộc kháng chiến của ta do những tin Việt Nam thông tấn xã và Đài Tiếng nói Việt Nam phát bằng những phương tiện viễn thông cũ của Pháp để lại.

Do đó, phá vòng vây để mở rộng quan hệ, tranh thủ thêm bạn bè, nêu rõ lập trường chính nghĩa của nhân dân ta và tố cáo tội ác của thực dân Pháp là một vấn đề chiến lược về mặt quân sự, chính trị và ngoại giao.

Ngay từ những năm đầu kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam đã hết sức tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, nhằm sớm đưa cuộc kháng chiến của dân tộc thoát ra khỏi thế bị bao vây, phong toả.

Là trung tâm của ATK Trung ương trong căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc, tại ATK Định Hoá đã diễn ra nhiều hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Sau cuộc gặp gỡ, trao đổi với Pôn Muýt, đại diện Cao uỷ Pháp ở Đông Dương tại thị xã Thái Nguyên, từ ngày 20 - 5 - 1947, Hồ Chủ tịch đã đến ở và làm việc tại ATK Định Hoá.

Ngày 21 - 5 - 1947, tại ATK Định Hoá, Hồ Chủ tịch đã tuyên bố: “Chỉ cần Chính phủ Pháp công nhận độc lập và thống nhất của nước Việt Nam thì chiến sự sẽ chấm dứt tức khắc và tất cả các vấn đề khác sẽ giải quyết dễ dàng. Các quyền lợi kinh tế và văn hoá của Pháp ở Việt Nam sẽ được tôn trọng.”

Ngày 25 - 5 - 1947, Hồ Chủ tịch gửi thư đến nhân dân Pháp, thông báo cho họ biết về cuộc hội kiến với Pôn Muýt, chỉ ra rằng bọn quân phiệt thực dân Pháp mù quáng trước những thắng lợi tạm thời đã ngăn cản Việt Nam và Pháp gần gũi nhau, chúng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc chiến tranh tiếp diễn. Chúng “đã buộc chúng tôi phải tiếp tục chiến đấu, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng”. Người kêu gọi nhân dân Pháp “Hãy giúp chúng tôi cứu lấy tính mạng bao nhiêu thanh niên Pháp và Việt, cứu lấy tình thân thiện giữa hai dân tộc và cứu lấy khối liên hiệp Pháp” [43, tr.358-362].

Trong năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng tiếp phái viên của Chu Ân Lai, tại xã Phú Đình (Định Hoá) bàn về sự phối hợp chiến đấu giúp đỡ lẫn nhau giữa Quân đội cách mạng hai nước. Sau đó, vào tháng 4 - 1949, lãnh đạo phong trào du kích Quảng Tây (Trung Quốc) đề nghị Quân đội Việt Nam phối hợp chiến đấu, giúp đỡ quân Giải phóng

Trung Quốc đánh quân Tưởng để xây dựng một khu giải phóng ở vùng Ung - Long - Khâm liền với biên giới Đông - Bắc của nước ta.

Được sự đồng ý của Trung ương Đảng, ngày 23 - 4 - 1949, Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Liên khu I giúp Quân Giải phóng Trung Quốc xây dựng một khu giải phóng ở vùng Ung - Long - Khâm. Bộ chỉ huy chiến dịch được thành lập, lấy danh hiệu là Bộ Tư lệnh khu Thập Vạn Đại Sơn. Suốt năm tháng trời chiến đấu trên đất bạn, trong điều kiện vô cùng gian khổ, thiếu thốn, bộ đội Việt Nam đã cùng Quân Giải phóng và du kích khu Thập Vạn Đại Sơn tiêu diệt nhiều sinh lực địch, mở rộng và củng cố vững chắc vùng căn cứ. Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn kết thúc thắng lợi, bộ đội Việt Nam được lệnh rút về nước “Để lại ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân địa phương về tinh thần quốc tế của một quân đội cách mạng” [30, tr.349].

Sau ngày cách mạng Trung Quốc thành công, trong bối cảnh tình hình quốc tế có những chuyển biến thuận lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa công tác ngoại giao và tuyên truyền quốc tế, nhằm làm cho nhân dân thế giới, trước hết là nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa hiểu rõ, ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam toàn diện hơn.

Ngày 14 tháng 1 năm 1950, từ ATK, thay mặt Chính phủ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố Tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gửi Chính phủ các nước trên thế giới. Bản Tuyên bố nêu rõ: “Trải qua mấy năm kháng chiến, nước Việt Nam từng được nhân dân toàn thế giới đồng tình ủng hộ. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyên bố với Chính phủ các nước trên thế giới rằng: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là Chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam. Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào tôn trọng quyền bình đẳng, chủ

quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hoà bình và xây đắp dân chủ thế giới”. [44, tr.334-335].

Đầu năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời ATK Định Hoá, lên đường đi thăm Trung Quốc và Liên Xô, hội đàm với các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc và Liên Xô. Tại Mátxcơva, Người còn gặp gỡ đại diện Đảng cộng sản Pháp và nhiều tổ chức quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới đối với cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến đi này đã tăng thêm sự hiểu biết của các nước anh em với Việt Nam, thắt chặt tình đoàn kết chiến đấu tranh thủ sự chi viện quốc tế, tạo thêm thuận lợi cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Từ đó, cuộc kháng chiến của nhân dân ta tiếp nhận được sự chi viện ngày càng lớn của lực lượng cách mạng thế giới, nhất là của nhân dân Trung Quốc.

Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã cử một số cố vấn sang Việt Nam, thường xuyên làm việc tại ATK, giúp đỡ Chính phủ ta về các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính.

Sau chuyến thăm hữu nghị Trung Quốc và Liên Xô, tháng 4 - 1950, tại ATK Định Hoá, Chủ tịch Hồ Chí Minh đón tiếp đồng chí Lêôphighe, Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, đại biểu Quốc hội, Thư ký Đoàn Thanh niên Cộng sản Pháp sang thăm Việt Nam để tìm hiểu cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam và thắt chặt tình đoàn kết chiến đấu, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Trong cuộc tiếp xúc với đồng chí Lêôphighe, Hồ Chủ tịch đã tỏ rõ lời hoan nghênh phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam của nhân dân Pháp.

Được trực tiếp trao đổi với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hoá và hiểu rõ hơn về cuộc chiến tranh của Pháp ở Việt Nam, khi trở về Pháp, đồng chí Lêôphighe đã viết cuốn: “Tôi từ Việt Nam tự do về”. Cuốn sách đã làm cho nhân dân Pháp hiểu rõ thêm về cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam và tăng thêm sự đồng tình, ủng hộ với Việt Nam. Đó là sự cống hiến quý báu vào việc tuyên truyền quốc tế, giành sự hiểu biết và đồng tình ủng hộ của các lực lượng hoà bình thế giới đối với cuộc kháng chiến của ta.

Từ sau khi đồng chí Lêôphighe sang thăm Việt Nam và sau khi các đoàn thể dân chủ Pháp tuyên bố ý định đứng ra làm trung gian giải quyết hoà bình cuộc chiến tranh Pháp - Việt, ta đã tăng cường phối hợp đấu tranh mạnh hơn giữa chiến trường Việt Nam và dư luận Pháp.

Mùa hè năm 1950, tại nơi ở và làm việc trong ATK Định Hoá, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp cố vấn công an Trung Quốc được cử sang giúp đỡ và trao đổi kinh nghiệm với công an Việt Nam về công tác bảo vệ căn cứ địa, bảo vệ An toàn khu, bảo vệ Trung ương Đảng và lãnh tụ. Sau đó, Người còn tiếp đại diện các đoàn cố vấn Trung Quốc, đặc biệt là đoàn cố vấn quân sự sang giúp cách mạng Việt Nam theo đề nghị của Hồ Chủ tịch trong chuyến thăm Trung Quốc đầu năm 1950.

Tháng 6 - 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón tiếp Chủ tịch Xu - va- nu - vông tại ATK Định Hoá, tăng cường tình đoàn kết và phối hợp chiến đấu chống kẻ thù chung giữa nhân dân Việt Nam, Lào nói riêng và nhân dân ba nước Đông Dương nói chung.

Cũng từ ATK Định Hoá, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí của Người đã viết nhiều bài báo gửi đăng trên các tạp chí nước ngoài. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện mừng Ấn Độ và Pakixtan tuyên bố độc lập; gửi điện tỏ

rõ sự đồng tình và ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Inđônêxia; điện trả lời Chi bộ Đảng Xã hội Pháp ở Sài Gòn và báo Mỹ International News service về những vấn đề liên quan đến Việt Nam.

Trong thời gian ở ATK Định Hoá, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp đoàn điện ảnh Liên Xô và nhà đạo diễn nổi tiếng Cácmen, nhiều nhà ngoại giao, nhà báo quốc tế và bày tỏ khát vọng hoà bình, quyết tâm chiến đấu đến thắng lợi của nhân dân Việt Nam. Qua đó, báo chí và dư luận các nước ngày càng quan tâm ủng hộ mạnh mẽ cuộc kháng chiến của ta, tố cáo sự xâm lược và gây chiến của các đế quốc Pháp, Mỹ.

Những hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Trung ương Đảng và Chính phủ tại ATK Định Hoá - Trung tâm thủ đô kháng chiến trong căn cứ địa Việt Bắc đã làm cho nhân dân thế giới ngày càng hiểu rõ sự nghiệp kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta; tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ về tinh thần ,vật chất cho cuộc kháng chiến, nâng cao địa vị quốc tế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Một phần của tài liệu Luận văn: AN TOÀN KHU ĐỊNH HOÁ TRONG CĂN CỨ ĐỊA KHÁNG CHIẾN VIỆT BẮC pptx (Trang 75 - 80)