QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH AN TOÀN KHU ĐỊNH HOÁ

Một phần của tài liệu Luận văn: AN TOÀN KHU ĐỊNH HOÁ TRONG CĂN CỨ ĐỊA KHÁNG CHIẾN VIỆT BẮC pptx (Trang 33 - 38)

Trong những tháng đầu sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, tình hình mọi mặt ở nước ta hết sức phức tạp. Không những phải lo giải quyết muôn vàn khó khăn về kinh tế, văn hoá…, nhân dân ta còn phải đối phó với mọi hành động chống phá quyết liệt của các thế lực ngoại xâm và nội phản. Thực dân Pháp đã bám theo gót quân Anh trở lại Nam Bộ với ý đồ đặt lại nền thống trị thực dân kiểu cũ trên toàn bộ bán đảo Đông Dương. Ở chiến trường Nam Bộ, Nam Trung Bộ, quân Pháp liên tục tiến công chiếm đóng vùng giải phóng.

Ngay sau ngày kí Hiệp định sơ bộ (6- 3) và Tạm ước (14- 9- 1946), với bản chất phản động, hiếu chiến, thực dân Pháp đẩy mạnh các hoạt động khiêu khích, xâm lược. Trước tình hình đó, ngày 19- 10- 1946, Hội nghị quân sự toàn quốc được triệu tập dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Đảng Trường Chinh. Hội nghị nhận định: “Không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định đánh Pháp” [55, tr.64]. Ban Thường vụ Trung ương Đảng tập trung chỉ đạo cả nước chuẩn bị bước vào chiến tranh. Ngày 19 - 12 - 1946, hưởng ứng Lời kêu gọi của Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh quân và dân cả nước đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Đối tượng tác chiến của quân và dân ta là một đội quân viễn chinh nhà nghề giàu kinh nghiệm đi xâm lược, được trang bị vũ khí hiện đại. Nước Pháp là một cường quốc tư bản, có nền công nghiệp phát triển, nên tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh hơn ta gấp nhiều lần. Ngược lại, nước ta là một nước nông nghiệp lạc hậu, tiềm lực kinh tế và quân sự còn nhỏ yếu, sức dự trự kháng chiến rất mỏng manh; lực lượng vũ trang chưa được rèn luyện trong chiến đấu nên trình độ kĩ thuật, chiến thuật thấp kém, trang bị vũ khí rất thô sơ và thiếu thốn… Trong điều kiện so sánh lực lượng vật chất hết sức chênh lệch giữa ta và địch, muốn đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi, chúng ta không thể “đem

toàn lực dốc vào một vài trận hòng phân thắng bại” [59, tr.293], mà phải có thời gian để chuyển hoá lực lượng, tức là phải kháng chiến lâu dài.

Điều kiện cơ bản để kháng chiến lâu dài là phải bảo toàn và phát triển lực lượng kháng chiến, đồng thời phải xây dựng được những khu căn cứ vững chắc, an toàn, không chỉ có địa hình thuận lợi, mà phải có cơ sở và phong trào quần chúng vững mạnh. Vùng núi rừng Việt Bắc nói chung và huyện Định Hoá nói riêng là nơi có đầy đủ các yếu tố " địa lợi" và " nhân hoà", đảm bảo cho việc đặt các cơ quan đầu não để lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn quốc đi tới thắng lợi.

Vì vậy, ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, trên cơ sở dự đoán chính xác chiều hướng phát triển của tình hình và khẳng định sớm hay muộn thực dân Pháp sẽ quay lại đánh chiếm nước ta một lần nữa, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề cần phải củng cố cái nôi của cách mạng là căn cứ địa Việt Bắc.Đồng chí Phạm Văn Đồng và một số cán bộ khác được phân công ở lại Việt Bắc một thời gian để củng cố căn cứ địa. Đến cuối tháng 10- 1946, khi nguy cơ chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ngày càng tới gần, Trưởng ban Tài chính Trung ương Đảng Nguyễn Lương Bằng được giao nhiệm vụ trở lại Việt Bắc để chuẩn bị địa điểm xây dựng căn cứ địa kháng chiến. Một số địa điểm thuộc huyện Định Hoá (Thái Nguyên), Nam Chợ Đồn (Bắc Kạn) được chọn làm nơi ở và làm việc của các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ trong trường hợp phải rút khỏi Hà Nội.

Đầu tháng 11 - 1946, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đội công tác đặc biệt gồm đại biểu các ngành quân sự, an ninh, chính quyền, đoàn thể…. do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách để làm nhiệm vụ nghiên cứu đường di chuyển và chọn địa điểm an toàn đặt các cơ quan Trung ương trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Giữa tháng 12 - 1946, một số cán bộ trong Đội công tác đặc biệt lần lượt lên vùng Việt Bắc làm nhiệm vụ. Sau một thời gian nghiên cứu tình hình cụ

thể, cân nhắc kỹ lưỡng về mọi mặt, Đội công tác đặc biệt đã chọn địa bàn giáp ranh ba tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn làm nơi xây dựng An toàn khu (ATK) của Trung ương. An toàn khu trong căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc là nơi ở và làm việc của các cơ quan đầu não kháng chiến, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Chính phủ, Mặt trận và Quân đội. Định Hoá là một trong những địa phương được đảm nhận nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang này.

Nhận được chỉ thị của Trung ương, Tỉnh uỷ Thái Nguyên cử nhiều cán bộ về huyện Định Hoá, cùng với cán bộ địa phương xuống các xã động viên, tổ chức toàn dân trong huyện quán triệt đường lối kháng chiến của Đảng. Các đội công tác của Trung ương, của tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục, bồi dưỡng tình cảm tốt đẹp trong nhân dân để xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa nhân dân với cán bộ, bộ đội như cá với nước, giáo dục nhân dân địa phương nêu cao cảnh giác, giữ gìn bí mật, kịp thời phát hiện bọn gián điệp lọt vào căn cứ.

Trong khi các đội xây dựng ATK và các tổ công tác của tỉnh triển khai công tác vận động quần chúng thì một bộ phận được tăng cường về các xã phía Nam và Tây Nam huyện: Trung Lương, Sơn Phú, Bình Thành, Phú Đình, Điềm Mặc, Đồng Thịnh, Định Biên, Bảo Linh xây dựng đại bản doanh.

Cuối năm 1946, đầu năm 1947, các cơ quan Trung ương rời khỏi Hà Nội, chuyển dần về phía Tây Nam, thuộc địa phận tỉnh Hà Đông, Sơn Tây. Phần lớn các cơ quan, cơ sở hậu cần quân đội được chuyển ra vùng ven các thành phố, thị xã rồi chuyển dần lên Việt Bắc.

Các cán bộ cao cấp của Đảng, Chính phủ, quân đội: Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp... lần lượt lên ATK. Nhiều nhân sĩ, trí thức, các đại biểu Quốc hội,

thành viên của Chính phủ, các nhà khoa học… theo lời kêu gọi cứu nước thiêng liêng của Hồ Chủ tịch, vượt núi, trèo đèo lên căn cứ phục vụ kháng chiến.

Đầu năm 1947, hầu hết các cơ quan Trung ương, Chính phủ, Mặt trận, Bộ Quốc phòng, các cơ quan kinh tế, văn hoá, giáo dục… đều có mặt tại căn cứ địa Việt Bắc - ATK.

Nà Mọn (Phú Đình), Phụng Hiển (Điểm Mặc)…. là những nơi ở và làm việc của các cơ quan Trung ương Đảng và Tổng Bí thư Trường Chinh. Thẩm Khảm, Thẩm Giạc (Phú Đình) là nơi ở và làm việc của Chính phủ và Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Bộ Quốc Phòng- Tổng chỉ huy và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng ở và làm việc tại xóm Bảo Biên (Bảo Linh), Bản Piềng (Yên Thông), Phú Đình, Quy Kỳ, Bình Yên, Quảng Nạp. Bộ Tổng tham mưu đóng tại Đồng Đau (Định Biên), bản Quyên (Điềm Mặc), Yên Thông, Phú Đình, Thanh Định. Ban Kiểm tra Trung ương đặt tại Phụng Hiển (Thanh Định)… Xưởng Quân giới được xây dựng ở Trung Lương, Định Biên, Đồng Thịnh. Trường Nguyễn Ái Quốc ở Bình Thành, Báo Sự Thật ở Bảo Cường. Tất cả 24 xã của huyện Định Hoá đều có các cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, cơ quan báo chí, ngoại giao đoàn, các xưởng chế tạo vũ khí, nhà máy in tiền, các kho dự trữ vật tư chiến lược…

Ngay từ những ngày đầu kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển về phía Tây Nam Hà Nội. Trên đường di chuyển lên ATK, mờ sáng ngày 4 - 3 - 1947, Người rời Sơn Tây, qua bến đò Trung Hà sang đất Phú Thọ. Cùng đi với Người có 8 cán bộ, vừa làm cảnh vệ, vừa làm liên lạc và cấp dưỡng. Từ ngày 2 - 4 - 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tại làng Xảo (xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). Đêm ngày 11 - 5 - 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh có cuộc tiếp xúc với Pôn Muýt - đặc phái viên của Cao uỷ Bôlae tại một địa điểm trong thị xã Thái Nguyên.

Sau cuộc hội kiến với Pôn Muýt tại thị xã Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại Sơn Dương (Tuyên Quang). Một thời gian ngắn sau đó, tối ngày 19 - 5 - 1947 từ làng Xảo (Sơn Dương, Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cán bộ cảnh vệ, giúp việc sang AKT Định Hoá. Ngày 20 - 5 - 1947, Người đến ở và làm việc tại đồi Khau Tý, thôn Điềm Mặc (nay là xã Điềm Mặc). Để giữ bí mật, từ năm 1947 đến 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên thay đổi nơi ở và làm việc trong các ATK Trung ương ở Định Hoá, Sơn Dương, Yên Sơn, Chợ Đồn. Song, phần lớn trong khoảng thời gian ấy Người làm việc tại Định Hoá. Riêng tại Định Hoá, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ở và làm việc tại xã Điềm Mặc từ ngày 20 - 5 đến 11 - 10 - 1947, Khuôn Tát (xã Phú Đình) từ ngày 20 - 11 - 1947 đến 28 - 11 - 1947, Nà Lọm (xã Phú Đình) từ ngày 7 - 3 đến 12 - 9 - 1948 và cuối năm 1951, bản Pèo (xã Phú Đình) từ ngày 12 - 5 đến 1 - 6 - 1949.

Tóm lại, với vị trí chiến lược rất cơ động, có địa thế hiểm yếu, nhân dân giàu truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm, cơ sở cách mạng vững chắc, huyện Định Hoá có đầy đủ các điều kiện chủ quan và khách quan thuận lợi cho các cơ quan chỉ huy tối cao đặt đại bản doanh để lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc trong cả nước.

Từ tháng 3 - 1947, Định Hoá (Thái Nguyên) đã trở thành một trong những ATK Trung ương quan trọng trong căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc, là địa bàn tập trung các cơ quan đầu não quan trọng nhất. Sự hình thành ATK Trung ương ở Việt Bắc nói chung, Định Hoá (Thái Nguyên) nói riêng là một trong những bước chuẩn bị quan trọng có ý nghĩa quyết định cho Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân và toàn dân kiên trì kháng chiến chống thực dân Pháp đi tới thắng lợi.

Chƣơng 2

Một phần của tài liệu Luận văn: AN TOÀN KHU ĐỊNH HOÁ TRONG CĂN CỨ ĐỊA KHÁNG CHIẾN VIỆT BẮC pptx (Trang 33 - 38)