Trong dòng văn học 1930-1945, Thạch Lam nổi lên như một nhà văn

Một phần của tài liệu Luận văn: ĐẶC TRƯNG PHẢN ÁNH NGHỆ THUẬT CỦA TRUYỆN NGẮN THẠCH LAM potx (Trang 99 - 101)

có cốt cách trí thức, lịch lãm và sâu sắc trong những cảm nhận về thế giới nội tâm của con người. Lấy chính thế giới cái tôi để làm đối tượng phản ánh nghệ thuật, kiểu tư duy nghệ thuật của Thạch Lam đã minh chứng sinh động nhất cho quan điểm của Ch.Caudwell về đặc trưng của phản ánh nghệ thuật. Đối tượng phản ánh nghệ thuật của Thạch Lam là thế giới cái đẹp được toát lên từ tâm hồn sâu kín và phong phú của con người bình dân. Hướng ngòi bút vào việc khám phá thế giới bên trong, Thạch Lam đã phơi trải những rung động thuần khiết, tinh khôi của tâm hồn trẻ thơ, những cung bậc cảm xúc đa dạng, đa chiều trong thế giới nội tâm của người dân nghèo với bao cảm nhận, suy

ngẫm sâu sa về thân phận, về kiếp người, những cảm giác chân thực cùng những trạng thái tâm lí rất đặc trưng của người trí thức tiểu tư sản. Từ đó, vẻ đẹp trong thế giới nội tâm chìm khuất của người bình dân cứ phát lộ lặng lẽ trong thế giới nghệ thuật của Thạch Lam. Lựa chọn thế giới bên trong làm đối tượng phản ánh cùng nỗ lực khám phá vẻ đẹp và diễn tả các dạng tiềm tàng ẩn giấu trong thế giới nội tâm sâu khuất của con người chính là một phương thức tư duy nghệ thuật độc đáo góp phần thể hiện đặc trưng phản ánh nghệ thuật của truyện ngắn Thạch Lam.

Đi sâu vào việc miêu tả thế giới tâm hồn vô biên của con người, Thạch Lam đã “bắt mạch” những khoảnh khắc sống chất chứa bao cảm xúc riêng tư. Nhà văn đã lắng nghe dòng cảm giác trôi chảy trong thế giới bí ẩn của tâm linh, khám phá được những khoảng sáng tối riêng trong nội tâm, đó chính là những trạng thái sống mơ hồ của con người. Các trạng thái tâm lí phong phú, phức tạp, thậm chí ngẫu nhiên, đầy bất trắc đã gắn kết, thăng hoa, trở thành điểm sáng thẩm mĩ mang lại giá trị độc đáo cho truyện ngắn Thạch Lam. Cách thức phản ánh này làm nên một dấu ấn Thạch Lam, đồng thời thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, vốn sống phong phú, tấm lòng tha thiết với cuộc đời và tài năng sáng tạo của nhà văn.

Là một nghệ sĩ luôn có ý thức kiếm tìm và lưu giữ cái đẹp nhiều khi tiềm tàng, khuất lấp, mơ hồ ở thế giới bên trong của con người, Thạch Lam còn mở ra một chân trời kí ức về thời thơ ấu. Thế giới dĩ vãng, kỉ niệm ấy kết tinh tất cả những gì đẹp đẽ của một thời xa vắng liên quan đến những giá trị tinh thần đã đựơc gạn lọc, phát triển qua nhiều nghìn năm của dân tộc. Không gian nghệ thuât, thời gian nghệ thuật mang nét văn hoá đặc trưng, ngỡ như đã xa mà lại hiện hữu, chi phối nét đẹp trong tâm hồn mỗi con người được sử dụng như một phương thức nghệ thuật đặc sắc để thể hiện ý đồ sáng tạo. Qua các chất liệu hiện thực trên, nhà văn đã biểu đạt thành công những bức xúc

của bản thân đời sống và những gì thuộc về bản ngã, cá nhân. Thời gian nghệ thuật cũng là một phương tiện hữu hiệu chuyên chở trạng thái tâm hồn con người. Đặc biệt, sự tương ứng giữa không gian tâm tưởng, riêng tư, được giới hạn và có màu xám xịt với thời gian đặc trưng mờ ảo, ảm đạm đã tạo nên một thế giới nghệ thuật thơ mộng, thấm đẫm chất men cảm giác trong truyện ngắn Thạch Lam.

Một phần của tài liệu Luận văn: ĐẶC TRƯNG PHẢN ÁNH NGHỆ THUẬT CỦA TRUYỆN NGẮN THẠCH LAM potx (Trang 99 - 101)