ĐỐI TƢỢNG CỦA PHẢN ÁNH NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN THẠCH LAM

Một phần của tài liệu Luận văn: ĐẶC TRƯNG PHẢN ÁNH NGHỆ THUẬT CỦA TRUYỆN NGẮN THẠCH LAM potx (Trang 39 - 42)

TRONG TRUYỆN NGẮN THẠCH LAM

“Hiện thực đời sống xã hội không chỉ là đối tượng phản ánh của một nền văn học nhất định mà còn là nhân tố nảy sinh chính nền văn học ấy” [ 20; 207]. Trong mối quan hệ này, văn học trung đại thường hướng tới mục đích giáo huấn. Quan niệm “Văn dĩ tải đạo” (Văn là để chở đạo lí), “Thi dĩ ngôn chí” (Thơ là để nói chí) đã chi phối mạnh mẽ tới sáng tác văn học Việt Nam trước thế kỷ XX. Do đó, hiện thực được nói tới trong văn chương trung đại không phải là chất sống tươi nguyên của cuộc đời mà chính là các mảng hiện thực được khúc xạ qua lăng kính đạo lí.Trong văn học trung đại, cái mà các nhà văn, nhà thơ quan tâm đến không phải là những nghiền ngẫm và tư tưởng cá nhân của nhà văn mà là tâm, chí, đạo. Với ý nghĩa đó ngay cả những cảm xúc được nảy sinh trước cảnh trước tìnhcũng đều phải lọc qua tấm sàng đạo lí. Chính thế giới quan, quan niệm văn học, tư tưởng Nho gia đã không cho phép các nhà văn trung đại nhìn nhận và khám phá một hiện thực có tính khách quan, hiểu một cuộc sống có tính bình thường và cũng không cho phép họ nhìn ra chức năng phản ánh của văn học.

Đến đầu thế kỉ XX, sự thay đổi thị hiếu thẩm mĩ và sự xuất hiện của tầng lớp công chúng văn học mới đã dẫn đến những đổi khác trong quan niệm văn học và tư tưởng thẩm mĩ của người nghệ sĩ. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp làm nên sự chuyển mình của văn học từ trung đại sang phạm trù hiện đại . Đó là nền văn học lấy hiện thực khách quan làm đối tượng phản ánh. Dĩ nhiên, không phải ngay từ đầu người nghệ sĩ đã nghĩ đến những vấn đề phản ánh hiện thực khách quan. Nhưng trên mỗi chặng đường của công cuộc hiện

đại hóa, văn học đã phát triển theo chiều hướng chú trọng đến việc phản ánh hiện thực, miêu tả hiện thực “dưới hình thức của bản thân đời sống”.

Có thể nói công cuộc hiện đại hóa văn học đã đem đến một hơi thở mới, hơi thở của chất sống thực trong từng trang viết. Những cảnh kiều sương, điếm nguyệt, tùng, cúc, trúc, mai... đã phải lùi bước trước cành củi khô trôi nổi, cánh buồm giương to như mảnh hồn làng, mùi vị nồng mặn của biển khơi, cánh diều trong mây đứng lặng, mùi thuốc pháo, vị mứt gừng quyến rũ đến say người ... Rồi mục thụ, tiều phu và con người bước ra từ sách vở, điển cố cũng vắng bóng để nhường chỗ cho người dân chài lưới với làn da ngăm rám nắng, cô hàng xén trong chiếc áo nâu bạc màu... Đó là những nét dáng cụ thể mà đầy ám ảnh của đời vốn rất hiếm hoi trong thơ văn trung đại nhưng lại ngập tràn trong thơ văn hiện đại. Từ văn chương luân lí đến văn chương thật như cuộc đời, như những gương mặt con người là cả một sự thay đổi lớn lao trong văn học.

Đặc biệt, sự thay đổi về đối tượng phản ánh của văn học được thể hiện khá rõ từ năm 1930 trở đi. Lần đầu tiên, cái không khí căng thẳng, ngột ngạt như đứng trước cơn giông bão của làng quê Việt Nam trong mùa sưu thuế được hiện hình sắc nét trong tiểu thuyết Tắt đèn. Điều đó nói lên rằng những xung đột gay gắt đang diễn ra ở nông thôn trên nhiều bình diện là phạm vi hiện thực được phản ánh khá thành công trong sáng tác của Ngô Tất Tố. Còn hiện tượng một bộ phận nông dân bị xã hội thực dân phong kiến xô đẩy vào con đường tha hoá, lưu manh hoá đã trở thành phổ biến lại là đối tượng phản ánh trong hàng loạt truyện ngắn viết về đề tài người nông dân của Nam Cao. Có thể nói, mảng hiện thực được các nhà văn “tả chân” quan tâm chính là cuộc sống đen tối, đầy bất công trong xã hội thực dân phong kiến và thân phận khổ đau bế tắc của những người trí thức tiểu tư sản, người nông dân nghèo. Đi sâu mô tả những “sự thực ở đời” (chữ dùng của Vũ Trọng Phụng),

qua đó gửi gắm những thông điệp giàu ý nghĩa nhân sinh chính là một bứt phá của văn học trên con đường hiện đại.

Trong khi các cây bút hiện thực chú tâm tới việc xây dựng những tính cách điển hình và khái quát từng mảng lớn của hiện thực đời sống thì các nhà văn Tự Lực lại tìm đến một xu hướng sáng tác mới. Gây được ấn tượng cho độc giả đương thời là những tiểu thuyết và truyện ngắn của Nhất Linh, Khái Hưng. Ở đó, các nhà văn đã khám phá và biểu đạt những cung bậc cảm xúc tinh tế trong tâm hồn của lớp thanh niên nam nữ thế hệ mới. Nắm bắt và diễn tả cái tôi cá nhân cùng thế giới tâm lí phong phú, phức tạp của con người là đóng góp nổi bật trong sáng tác của các nhà văn Tự Lực. Cùng chung ý hướng này nhưng Thạch Lam không đề cao cái tôi hưởng thụ cá nhân, không nghiêng về thể hiện con người xã hội mà thiên về miêu tả và biểu đạt những cảm xúc, cảm giác, những tâm tư khuất lấp phức tạp, phong phú của cái tôi lãng mạn. Nếu đối tượng phản ánh trong sáng tác của Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo là những vấn đề có tính thời sự trong một giai đoạn lịch sử nhất định thì đối tượng phản ánh trong truyện ngắn Thạch Lam lại là những trạng thái tâm hồn của con người. Có lẽ vì thế mà nhiều tác phẩm của Nhất Linh, Khái Hưng không chịu được sự đọc lại nhưng truyện ngắn Thạch Lam vẫn giữ nguyên giá trị trước sự sàng lọc của thời gian.

Bằng cách nhìn và cách chiếm lĩnh hiện thực độc đáo, Thạch Lam đã sáng tạo nên nhiều truyện ngắn mang vẻ đẹp riêng không dễ lẫn. Những truyện ngắn của Thạch Lam là sự khẳng định một khuynh hướng tìm tòi, sáng tạo, khả năng đi sâu thăm dò, nắm bắt và khám phá những cảm xúc, cảm giác tinh vi, sâu lắng trong tâm hồn con người. Nghĩa là, cái hiện thực mà Thạch Lam quan tâm và đặt lên hàng đầu không phải là hiện thực bên ngoài mà là hiện thực bên trong, là ảo ảnh của hiện thực. Chính việc đào sâu vào thế giới

nội tâm bí ẩn, khuất lấp của con người đã làm nên nét riêng biệt trong cách phản ánh, khái quát hiện thực của truyện ngắn Thạch Lam.

Một phần của tài liệu Luận văn: ĐẶC TRƯNG PHẢN ÁNH NGHỆ THUẬT CỦA TRUYỆN NGẮN THẠCH LAM potx (Trang 39 - 42)