đến những lợi ích chính đáng của tuổi trẻ.
Sự chỉ đạo đổi mới nội dung và phương pháp công tác của Đoàn đã tác động tích cực đến công tác Đội và phong trào thiếu nhi cả nước. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (từ ngày 27 đến ngày 30 tháng 11 năm
1987) đánh giá cao những thành tích của công tác Đội và phong trào thiếu nhi đã
đạt được, đồng thời cũng chỉ rõ những thiếu sót cần phải khắc phục.
Báo cáo tại Đại hội khẳng định tổ chức Đoàn các cấp đã có nhiều chủ trương bám sát mục tiêu và nguyên lí giáo dục theo hướng đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của các em. Việc ban hành và chỉ đạo thực hiện chương trình hoạt động ngoài giờ lên lớp, làm cho hoạt động Đội đi dần vào nền nếp và ngày càng có chiều sâu. Nghị quyết 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn (khóa IV) đã được triển khai, mở ra nhiều hình thức tập hợp thiếu nhi trên địa bàn dân cư, xuất hiện nhiều mô hình tốt như các xã Thái Thịnh (Thái Bình), Mỹ Thành (Nghệ An)... Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V đề ra chủ trương: "Toàn Đoàn chăm lo xây dựng Đội và chăm sóc giáo dục thiếu niên, nhi đồng".
Cuộc "Hành quân theo bước chân những người anh hùng" do Đoàn phát động được các tổ chức Đội ở cơ sở nhiệt liệt hưởng ứng. Đỉnh cao của cuộc hành quân là các cuộc gặp gỡ "Cháu ngoan Bác Hồ, Chiến sĩ nhỏ Điện Biên" năm 1984; "Chiến sĩ nhỏ giải phóng quân" năm 1985; Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ II năm 1986.
Các phong trào đã trở thành truyền thống như "Công tác Trần Quốc Toản, "Kế hoạch nhỏ", "Tiến bước lên Đoàn" v. v... ngày càng được phát triển. Thành phố Hồ Chí Minh, Sông Bé có phong trào "Tìm địa chỉ đỏ" "Lớp học tình thương"; Hà Nội và Hải Phòng có "Sưu tầm truyền thống cách mạng"; Đồng Tháp có "Theo dấu vết son"... Hoạt động học tập, hướng nghiệp và vui chơi phát triển thêm nhiều hình thức mới. Đội còn tổ chức nhiều hoạt động xã hội như "Vì điểm tựa tiền tiêu", "Sao đỏ an ninh", "Câu lạc bộ phòng cháy, chữa cháy trẻ"; "Chữ thập đỏ trẻ" v. v... Hoạt động đoàn kết quốc tế được đẩy mạnh. Nhân năm "Quốc tế hòa bình" phong trào "Triệu lá thư, triệu việc làm vì hòa bình" từ Thủ đô lan nhanh ra nhiều tỉnh, thành phố. Báo Thiếu niên Tiền phong mở cuộc thi tranh vẽ quốc tế "Để mãi mãi xanh" được đông đảo thiếu nhi trong nước và quốc tế hưởng ứng, nay đã trở thành cuộc thi truyền thống hàng năm.
Ngoài việc biểu dương những chuyển biến đáng kể như đã nêu trên, báo cáo của Đại hội còn chỉ rõ: Toàn Đoàn chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về công tác thiếu nhi và vai trò, vị trí của tổ chức Đội. Nhiều cấp bộ Đoàn còn buông lỏng chỉ đạo, nhiều chủ trương, nghị quyết về công tác thiếu nhi không được triển khai, có nơi còn khoán trắng cho cán bộ phụ trách.
Với tinh thần xây dựng Đoàn bắt đầu từ xây dựng Đội để thực hiện chương trình: "Toàn Đoàn chăm sóc giáo dục thiếu nhi, toàn Đoàn chăm lo xây dựng Đội" cần tăng cường xây dựng và phát triển tổ chức Đội, mở rộng các hình thức hoạt động Đội trong nhà trường và trên địa bàn dân cư được mở rộng để thu hút tất cả thiếu nhi đi học và không đi học vào tổ chức Đội. Tiếp tục giáo dục theo 5 điều Bác Hồ dạy, hình thành trong thiếu nhi tính tích cực chính trị, xã hội, tình yêu lao động, sáng tạo, nếp sống, đạo đức lành mạnh. Bồi dưỡng và tạo mọi điều kiện để đội viên phát huy vai trò tự quản, xây dựng nhiều chi đội mạnh, liên đội mạnh, Sao nhi đồng tự quản. Qua hoạt động Đội, thiếu niên nhi đồng phấn đấu trở thành Cháu ngoan Bác Hồ, thành đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu, Đội TNTP Hồ Chí Minh đã phát động trong thiếu niên, nhi đồng cả nước phong trào "Nói lời hay, làm việc tốt, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ".
Đại hội cũng đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể như tập trung phát triển các nhà thiếu nhi, câu lạc bộ thiếu nhi, điểm vui chơi, hợp tác xã Măng non; các hình thức hoạt động văn nghệ, thể thao, tham quan du lịch... nhằm tập hợp đông đảo thiếu nhi hoạt động theo sở thích.
Tập trung xây dựng Hội đồng Đội các cấp đủ sức tham mưu cho Đoàn và chỉ đạo công tác thiếu nhi, phối hợp với các ngành, đặc biệt là giáo dục để nhanh chóng có quy hoạch xây dựng, bồi dưỡng, đào tạo hệ thống cán bộ phụ trách Đội, từng bước hình thành đội ngũ chuyên gia giỏi về công tác thiếu nhi.
Xây dựng trường Đội ở Trung ương, củng cố khoa thiếu nhi của Trường Đoàn các tỉnh, thành phố. Khuyến khích các địa phương xây dựng Trường Đoàn, trường cán bộ Đội để bồi dưỡng cán bộ ban chỉ huy, phụ trách chi đội, cộng tác viên cả trong và ngoài nhà trường. Liên các lực lượng xã hội để bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Cũng ở thời điểm này, cùng với phong trào "Ngày lao động vì tương lai con em chúng ta" do ủy ban thiếu niên, nhi đồng phát động, Đoàn đã tích cực thực hiện và đề xuất với Đảng, chính quyền các cấp xây dựng cơ sở vật chất cho công tác giáo dục thiếu nhi. Đồng thời tổ chức Đoàn kiến nghị với các lực lượng xã hội có sự phân công, phối hợp trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu nhi để mỗi ngành, mỗi cấp có kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện một cách thiết thực và có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục thiếu nhi với khẩu hiệu "Tất cả vì hạnh phúc con em chúng ta".
Với quan điểm xây dựng Đoàn bắt đầu từ xây dựng Đội, Đại hội Đoàn lần thứ V một lần nữa khẳng định Đội TNTP Hồ Chí Minh là "Tổ chức quần chúng cộng sản của thiếu nhi Việt Nam" là "lực lượng dự bị của Đoàn". Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V cũng chỉ rõ cần "Tích cực mở rộng các hình thức hoạt động Đội ở nhà trường và ở địa bàn dân cư, thu hút tất cả các em đi học và không đi học vào tổ chức Đội", với quan điểm, nhận thức đó Đại hội khẳng định sự thống nhất Đội Nhi đồng Hồ Chí Minh với Đội TNTP Hồ Chí Minh. Việc thống nhất này đã góp phần tăng cường vị trí, vai trò của Đội TNTP Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới và xác định rõ nhi đồng là lực lượng dự bị của Đội TNTP Hồ Chí Minh. Các em sinh hoạt theo các Sao nhi đồng, mỗi sao 5 đến 7 em, phụ trách sao là các anh, chị đội viên TNTP; mục tiêu phấn đấu của nhi đồng là trở thành đội viên Đội TNTP Hồ Chí Minh. Đại hội quyết định hoàn thiện Hội đồng Đội Trung ương trên cơ sở Nghị quyết 46 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn khóa IV. Hội đồng Đội được thành lập từ Trung ương đến cơ sở (gọi tắt là Hội đồng Đội). Hội đồng Đội vừa thay mặt cho Đoàn, vừa đại diện cho Đội TNTP Hồ Chí Minh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động của Đội và phong trào thiếu nhi ở trong nước cũng như trong quan hệ đối ngoại. Sau Đại hội Đoàn toàn quốc, ngày 6 tháng 3 năm 1988 Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã quyết định thành lập Hội đồng Trung ương Đội TNTP Hồ Chí Minh khóa II (gọi tắt là Hội đồng Đội Trung ương) gồm 21 đồng chí đại diện cho các Ban của Trung ương Đoàn và lãnh đạo Bộ Giáo dục tham gia do anh Phùng Ngọc Hùng, Bí thư Trung ương Đoàn làm Chủ tịch.
Ngày 23 tháng 9 năm 1988 Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đoàn khóa V đã họp và kết luận về "Một số vấn đề tổ chức hoạt động của Đội TNTP Hồ Chí Minh". Nội dung các kết luận của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn nêu rõ: