Hiện tượng “mãn kinh”, còn gọi là “tắt kinh”, hay là “tuyệt kinh”, thường xảy ra trong giai đoạn khoảng từ 45-55 tuổi, có thể sớm hơn hay muộn hơn, tùy thuộc vào đặc điểm thể chất và tình trạng sức khỏe.
'Hội chứng thời kỳ mãn kinh' (Climacteric syndrome) là tập hợp các triệu chứng đặc biệt, xuất hiện trong giai đoạn mãn kinh ở phụ nữ - do chức năng của buồng trứng suy thoái, và hàm lượng hormone sinh dục nữ (estrogen) trong cơ thể hạ thấp gây nên.
Một số phụ nữ mới khoảng 40 tuổi đã tắt kinh, đó là hiện tượng “mãn kinh sớm”, nhưng cũng có khá nhiều phụ nữ phải tới ngoài 55 mới bắt đầu tắt kinh, đó là trường hợp “mãn kinh muộn”.
Còn “Thời kỳ mãn kinh” (climacteric), được tính từ khi kinh nguyệt sắp tắt, cho đến vài năm đầu, sau khi tắt kinh; thường kéo dài từ 3 - 5 năm. Đó là giai đoạn “quá độ”, khi người phụ nữ chuyển từ “tuổi sinh sản” sang “tuổi già” - không còn hành kinh và cũng hết khả năng sinh sản.
Trong giai đoạn này, thường xuất hiện những rối loạn về nội tiết, tim mạch, thần kinh, chuyển hóa... dẫn đến hàng loạt những chứng trạng như bốc nóng (bốc hỏa), mặt bừng đỏ, người lúc nóng lúc lạnh, vã mồ hôi, ớn lạnh, chóng mặt, hoa mắt, ù tai, dễ gắt gỏng, bồn chồn, lo hãi vô cớ, mất ngủ, tăng huyết áp, rối loạn kinh nguyệt, mất hứng thú trong quan hệ vợ chồng, són tiểu... gọi chung là “Hội chứng thời kỳ mãn kinh”.
Tần suất xuất hiện, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng trên, nói chung có quan hệ mật thiết tới tình trạng sức khỏe, đặc điểm thể chất và tâm lý, môi trường sống, cũng như tố chất văn hóa ở từng người. Tuy nhiên, không hiếm phụ nữ lại trải qua thời kỳ mãn kinh, mà không thấy có triệu chứng gì khác thường.
Hiện tượng mãn kinh ở phụ nữ đã được Đông y biết đến từ rất sớm. Trên 2.000 năm trước, Nội Kinh - bộ sách lý luận kinh điển của Đông y, đã đề cập tới quá trình biến đổi sinh lý và hiện tượng mãn kinh ở phụ nữ như sau:
“ ... Con gái 7 tuổi thận khí bắt đầu thịnh, răng thay, tóc mọc dài; 14 tuổi (2x7=14), thiên quý phát dục thành thục, mạch nhâm thông suốt, mạch thái xung thịnh vượng, hàng tháng có kinh nguyệt... Tới 49 tuổi (7x7=49), mạch nhâm trống rỗng, mạch thái xung suy vi, thiên quý kiệt, kinh nguyệt tắt, hình thể lão hóa, hết khả năng sinh con...”.
Đoạn văn trình bày một cách khái quát quá trình sinh trưởng, phát dục, thành thục và thoái hóa chức năng sinh sản ở nữ giới. Nhấn mạnh mối quan hệ giữa quá trình đó, với tạng thận, thiên quý và hai mạch xung, nhâm.
Trong Đông y không có tên bệnh “Hội chứng thời kỳ mãn kinh”, nhưng các chứng trạng của bệnh và cách chữa trị đã được đề cập trong phạm vi của các chứng, như “Tuyệt kinh tiền hậu chư chứng”, “Tâm quý”, Huyễn vậng”, “Tạng táo”, “Uất chứng”, “Nguyệt kinh quá đa”...
Theo Đông y, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới “Hội chứng mãn kinh” là do thận khí suy kiệt, chức năng của 2 mạch xung và nhâm (gắn liền với chức năng sinh sản ở nữ giới) đã suy thoái, khiến Âm Dương mất cân bằng, Khí huyết không điều hòa, chức năng Tạng phủ Kinh lạc bị rối loạn gây nên.
Để dùng thuốc chữa trị, có thể căn cứ vào những biểu hiện cụ thể ở từng người, mà chọn dùng những bài thuốc thích ứng, theo nguyên tắc “Biện chứng luận trị” như sau: