V. NỮ OA VỚI BỐN CHÂN RÙA 1 KHI RÙA BỊ CHẶT CHÂN
7. NỢ TANG BỒNG TRONG TRẮNG VỖ TAY THEO.
Câu thơ trên của Nguyễn Công Trứ lấy hứng từ một trong các thể chế lập ra giúp mỗi người biết hướng sống. Đó là nghi tiết bắn 4 phát tên bằng cây dâu (tang bồng) ra 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc mà ngụ ý minh triết là sau này đứa bé phải biết "tuyệt tứ" tức vượt vòng tứ địa để đạt đợt tham thiên. Đó là ý 4 chữ "thiên viên địa phương" (vượt địa lên 3 trời). Đấy là một nghi lễ nhằm phát triển Nhân chủ tính của con người ngay từ lúc lọt lòng mẹ.
Về sau ý nghĩa này sẽ được nhắc lại long trọng trong Lễ Gia Quan, mục đích là nhắc nhở cho người bước vào tuổi "thành nhân" cái nợ "tuyệt tứ" đặng vãn hồi nhân chủ. Vì ý nghĩa sâu xa như vậy nên cần được sửa soạn chu đáo bằng những cuộc "trai ngoại" là "tẩy rửa trong nước sông Nghi", và "trai nội" bằng lên núi Vũ Vu đón nhận "gió trời" (1)
(1) Theo nghĩa thông thường thì bắn 4 phát tên chỉ cái chí làm trai phải tung hoành dọc ngang. Đó là ý nghĩa thường, còn trong bài này dùng theo nghĩa uyên nguyên, và có thế thì hai chữ tung hoành mới đầy đủ. Vì theo nghĩa thường của Văn học thì thực ra mới có hoành chưa có tung là chiều kích tâm linh, và nếu thế thì bắn tên bằng chi cũng được khỏi cần tên bằng cây dâu, đúng ra phải là "không tang" cây dâu rỗng thì bắn ra 4 mới lấy lại được 16 (4*4=16).
Cuộc lễ tuy đã sửa soạn cẩn trọng và thi hành cách nghiêm chỉnh, nhưng công hiệu cần phải duy trì trong suốt đời, nên lập thêm thể chế "tứ quý" là 4 cuộc "tĩnh tâm" vào cuối 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông đặng tuyệt tứ liên tục. Liên tục trút bỏ cáu bụi do mỗi mùa đã rắc vào tâm hồn để chặt lấy cái tinh túy tế vi. Có tuân theo được ý nghĩa sâu xa đó thì lúc cuối đời mới trong hát được câu "nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo". Bởi chưng ngoại trừ những bậc siêu quần như Phật Tổ mà ẩn dụ nói khi mới sinh đã bước được xong 7 bước về 4 hướng. Cái "ý tại ngôn ngọai" chỉ có nghĩa là bậc "sinh nhi tri chi" nghĩa là vừa lọt lòng mẹ đã vượt qua tứ đại để đạt tam tế, cộng lại là bảy, chỉ bảy nấc thang tiến hóa của con người đã được vượt qua. Nhưng đó là lối tiến giả thiết của Việt nhân lý tưởng. Còn ngoại giả phàm nhân đều phải đi từ thấp tới cao: từ lễ bắn tên đến lễ gia quan để rồi trải qua các thứ quý xuân, quý hạ, quý thu, quý đông trong mỗi năm mới mong lúc 70 tuổi thì có tòng tâm, cũng bất du cử. Cử là thước vuông chỉ tứ địa. Còn chữ "tâm mới bằng ba" thêm vào nữa mới ra số 7 chỉ con người đạt cả nội thánh (3) và ngoại vương (4).
Có vượt được 7 nấc thang tiến hóa đó thì lúc nhắm mắt xuôi tay, việc đưa xác xuống đặt dưới đất mới có ý nghĩa là trở về địa mẫu. Vì Địa mẫu cũng chính là "hoàng thiên hậu thổ". Và hai chữ "thiên viên" số 3 cộng với "địa phương" số 4 lại xuất hiện lần cuối cùng dưới hình thức chùm sao "thất tinh" được khắc trong cái hòm, để làm thành cái xe long mã Hà Đồ chở Người sang cuộc đời sinh sinh bất tuyệt. Và vì thế giờ chết được gọi là lúc "sinh thì", nghĩa là lúc khởi đầu cuộc sinh sinh, tức trở lại với Toàn thể Viên Dung nơi hội thông của Tam tài: Trời Đất, Người tượng bằng Thập tự nhai đặt giữa Lạc thư.
Trên đây là thử nhắc lại bằng mấy nét đơn sơ cái tinh hoa của nền Minh triết Viễn Đông. Và câu "tử tuyệt tứ" không chỉ là câu sách trống rỗng, nhưng là cả một diễn tiến của nế "sống nhân sinh", của cái "đạo làm người" mà bất cứ một ai đã sinh ra trong cõi Viễn Đông cũng được nền văn hóa tùy nghi phương tiện giúp đỡ để đi tới đích của Đạo làm người, làm nhân chủ.
Đó là đại khái cái đạo làm người mà tiên tổ ta đã chấp nhận và muốn cho mọi con dân đều "minh tâm khắc cốt", nên còn gửi vào nhiều cử chỉ thường nhật như câu truyện sau: