Các giải pháp về phía chính phủ

Một phần của tài liệu Thực trạng nhập khẩu thủy sản của Hoa Kỳ từ Việt Nam. (Trang 51 - 55)

Hội nhập kinh tế, các rào cản về thuế được loại bỏ nhưng những rào cản về kỹ thuật mà cụ thể là hàng loạt quy định về tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn môi trường… sẽ được các nước "dựng lên" để bảo hộ nền sản xuất trong nước. Trong khi đó, các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) vẫn còn lạc lậu, chưa hài hoà với khu vực và quốc tế và thường không được đối tác công nhận sẽ gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản chính phủ cần thực hiện các công tác sau:

Thứ nhất: Chính phủ cần lên kế hoạch để tiến hành ký kết một hiệp định cấp chính phủ với Hoa Kỳ để công nhận lẫn nhau kết quả xét nghiệm của cơ quan có thẩm quyền đối với các sản phẩm thuỷ sản. Việc này tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam khi đưa thủy sản sang thị trường nước ngoài, hạn chế tối đa rủi ro do sản phẩm đem xuất khẩu không đáp ứng được các yêu cầu của nước nhập khẩu dẫn đến sản phẩm không được đem vào tiêu thụ, phải tái xuất sang nước khác hoặc phải mang về gây tổn thất cho doanh nghiệp.

Để hỗ trợ cho các nhà sản xuất trong nước đảm bảo an toàn thuỷ sản khi đưa vào thị trường Hoa Kỳ, Chính phủ Việt Nam cần có định hướng và xúc tiến đàm phán với FDA Hoa Kỳ nhằm tranh thủ sự trợ giúp trong việc phổ biến và ứng dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ cho các đối tượng có liên quan của Việt Nam. Việc các doanh nghiệp và đối tượng liên quan được phổ biến và áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Mỹ sẽ giúp các đối tượng này đáp ứng đúng các tiêu chuẩn mà thị trường nhập khẩu đưa ra, hạn chế tối đa rủi có thể gặp phải.

Do các nguồn lực của Việt Nam hiện còn có những hạn chế, sự hỗ trợ trước tiên cần tập trung vào việc đào tạo các kỹ thuật viên giám định thuỷ sản. Cần có các khoá đào tạo ngắn hạn về chế biến thuỷ sản, giám định, xuất khẩu, thu mua và chứng nhận chất lượng sản phẩm. Sự hỗ trợ này bao gồm cả việc mời FDA của Hoa Kỳ và các chuyên gia về thuỷ sản tiến hành các khoá đào tạo thường xuyên tại Việt Nam như họ đã tiến hành đối với các đối tác thương mại chủ yếu xuất khẩu thuỷ sản vào Hoa Kỳ.

Thứ hai: Đối với Chính phủ, điều cần làm thường xuyên là có kế hoạch và ngân sách để tuyên truyền rộng rãi tại cấp cơ sở, triển khai các lớp tập huấn cho ngư dân và các nhà sản xuất, khuyến cáo họ không sử dụng các chất kháng sinh và các hoá chất độc hại nhằm tạo dựng một môi trường thuỷ hải sản sạch. Những chiến dịch như thế sẽ đem lại lợi ích cho cả các ngư dân và các nhà xuất khẩu thuỷ hải sản, đảm bảo các lô hàng xuất khẩu sau khi rời Việt Nam sẽ không bị là nạn nhân của các tiêu chuẩn khắt khe và có thể là các rào cản đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt nam khi nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Chính phủ đưa ra các tiêu chuẩn kiểm soát chặt chẽ chất lượng, dư lượng thuốc kháng sinh và những yêu cầu khác phù hợp với những quy định về chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường của Hoa Kỳ.

Đối với Bộ Thuỷ sản, cơ quan quản lý trực tiếp về các lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt, chế biến và tiêu thụ thuỷ hải sản, cần nhanh chóng soạn thảo và ban hành Quy chế truy xuất nguồn gốc sản phẩm thuỷ sản, nhằm quy định trách nhiệm và quyền hạn của các đơn vị liên quan tới hoạt động mã hóa và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản. Đối tượng áp dụng bao gồm các cơ quan quản lý Nhà nước, vùng nuôi thủy sản, các cơ sở sản xuất/kinh doanh thủy sản. Quy chế Truy xuất nguồn gốc sản phẩm thuỷ sản giúp các cơ quan có thẩm quyền có khả năng nhận diện một thực phẩm, sẵn sàng loại bỏ sản phẩm thuỷ sản không an toàn thực phẩm từ thị trường và cơ sở phân phối để đảm

bảo sức khỏe người tiêu dùng và chính lợi ích của những người xuất khẩu thuỷ sản.

Các bộ tập dượt cho các doanh nghiệp bằng cách kiểm tra ngẫu nhiên và gắt gao hơn cả các đoàn kiểm tra nước ngoài nhằm giúp các doanh nghiệp nhìn lại chính mình để khắc phúc các thiếu sót một cách nhanh chóng. Bộ cũng mạnh tay với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng tới uy tín chung cho cả ngành

Thứ ba: Nhà nước cần xây dựng quy hoạch cụ thể vùng nuôi thủy sản tập trung với quy mô lớn, có đầu tư thủy lợi hoàn chỉnh để tránh tình trạng nuôi tự phát, thả tràn lan, ảnh hưởng tới nguồn nước, gây dịch bệnh và khó kiểm soát nếu dịch bệnh xảy ra. Chọn lựa và có chính sách cụ thể khuyến khích đầu tư vốn, tạo ra các vùng sản xuất chuyên canh ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ sau thu hoạch, đánh bắt để bảo đảm sản phẩm có năng suất cao, chất lượng tốt, đồng đều, giá thành hạ và khối lượng lớn. Cần có chính sách phát triển nguồn giống chất lượng cao và đủ khả năng cung cấp cho ngành nuôi trồng. Phát triển các ngành trồng trọt chế biến nguyên liệu làm thức ăn cho ngành nuôi trồng, hạn chế nhập khẩu để làm giảm giá thành.

Thứ tư: Nhà nước tạo cơ hội để các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ đưa sản phẩm tiếp cận thị trường: nắm bắt tập quán và thị hiếu của người tiêu dùng ở từng nơi từng lúc, thông tin phản hồi cho sản xuất để nâng chất lượng sản phẩm sát nhu cầu thị trường.

Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ việc làm hoặc hội thảo chuyên đề thị trường giúp các doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp thị trường, trực tiếp tìm hiểu nhu cầu thị trường và trực tiếp giao dịch với các nhà nhập khẩu chính của thị trường.

Thứ năm: Phát triển nguồn nhân lực cho việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Con người là yếu tố quan trọng trong quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao và đáp ứng tốt nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng. Ngoài

việc trang bị máy móc thiết bị hiện đại phải có những cán bộ kỹ thuật giỏi và công nhân lành nghề. Hiện nay, nước ta rất thiếu cán bộ kỹ thuật và công nhân kỹ thuật có tay nghề cao. Do đó khả năng cạnh tranh quốc tế của hàng hóa rất thấp. Bởi vậy để khắc phục tình trạng này Chính phủ Việt Nam cần tổ chức nhiều chương trình đào tạo chuyên sâu cho các cán bộ kỹ thuật và công nhân kỹ thuật thuộc các lĩnh vực để tạo ra đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật lành nghề, mở các trung tâm đào tạo công nhân cho các khu chế biến, tránh tình trạng nhận các công nhân phổ thông không qua đào tạo. Đồng thời Việt Nam nên phối hợp với các nước để gửi cán bộ kỹ thuật và công nhân kỹ thuật trẻ, còn triển vọng ra đào tạo ở nước ngoài. Ngoài vấn đề chú trọng đào tạo cán bộ kỹ thuật và công nhân kỹ thuật, Viêt Nam cần phải quan tâm đào tạo để đội ngũ cán bộ thương mại giỏi thì mới có thể đưa sản phẩm có chất lượng cao tới được thị trường. Thị trường Hoa Kỳ với nhiều luật pháp, không chỉ luật pháp của liên bang mà còn luật pháp của riêng từng bang. Ngay cả người dân Hoa Kỳ cũng không thể sống yên ổn nếu không có luật sư, cho nên hoạt động thương mại tại thị trường này không thể thiếu các cán bộ xuất nhập khẩu có trình độ và hiểu sâu sắc các vấn đề liên quan tới luật pháp. Có như vậy doanh nghiệp mới không bị thua thiệt khi tham gia kinh doanh tại thị trường này.

Thứ sáu: Chính phủ cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cải tạo và xây dựng mới hệ thống nhà kho bảo quản hợp lý với kỹ thuật, công nghệ bảo quản phù hơp. Tạo điều kiện hơn nữa trong việc vay vốn cho sản xuất và đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng. Chính phủ đưa ra các chính sách định hướng và thúc đẩy việc phát triển đánh bắt thủy sản xa bờ, hạn chế phát triển đánh bắt ven bờ. Như vậy mới đánh bắt được với số lượng lớn, chất lượng cao.

Thứ bẩy: Chính phủ sửa đổi lại các thủ tục hành chính, thủ tục hải quan, giảm bớt các thủ tục nhưng vẫn chặt chẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện công tác xuất khẩu. Hoàn chỉnh hệ thống pháp luật trong nước để được

công nhận trên trường quốc tế, đủ khả năng bảo vệ doanh nghiệp khi xảy ra tranh chấp bất đồng thương mại.

Thứ tám: Chính phủ nâng cao chức năng của hiệp hội ngành hàng trong việc cung cấp thông tin thị trường, doanh nghiệp vì chính hiệp hội ngành hàng là sợi dây kết nối giữa chính phủ và doanh nghiệp, là pháp nhân thay mặt nhà nước đại diện cho doanh nghiệp đồng thời chính phủ phải tìm các cơ chế can thiệp kịp thời khi có biến động mạnh về giá cả và thị trường tiêu thụ nhằm bảo đảm quyền lợi của người sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu, cũng như duy trì chiến lược phát triển lâu dài cho sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này.

Một phần của tài liệu Thực trạng nhập khẩu thủy sản của Hoa Kỳ từ Việt Nam. (Trang 51 - 55)