Tại sao các vấn đề mô hình nội dung khóa học, mô hình người học, cơ chế thích nghi được xem là các vấn đề cơ bản cần nghiên cứu trong lĩnh vực học thích nghi?. Chúng tôi xem xét mô hình người học, nội hàm của định nghĩa học thích nghi chỉ ra quá trình thích nghi dựa trên một số đặc trưng của mô hình người học. Vì thế xây dựng mô hình người học không thể thiếu trong xây dựng hệ thống học thích nghi. Mục tiêu của khóa học thích nghi không những lựa chọn nội dung, tiến trình phù hợp với từng người học khi bắt đầu tham gia khóa học mà còn lựa chọn nội dung, tiến trình phù hợp với họ trong cả quá trình học. Vì vậy, việc cập nhật mô hình người học đóng vai trò quan trọng và có ảnh hưởng đến kết quả lựa chọn nội dung cũng như tiến trình học.
Mô hình hóa nội dung của khóa học là một bước quan trọng trong qui trình xây dựng hệ thống học thích nghi. Lựa chọn giải pháp để mô hình nội dung học đóng vai trò quyết định trong việc lựa chọn phương pháp xây dựng mô hình người học và cơ chế thích nghi. Ngoài ra căn cứ vào mục tiêu của khóa học, lựa chọn các thành phần: khái niệm, đơn vị kiến thức, mục tiêu học tập,... để xây dựng mô hình nội dung học là vấn đề cần phải được nghiên cứu. Nghiên cứu cơ chế thích nghi nhằm mục tiêu làm thế nào kết hợp các phương pháp và kỹ thuật để xây dựng khóa học thích nghi phù hợp được với mục tiêu đã đề ra. Khi xây dựng cơ chế thích nghi, cần phải tìm được câu trả lời cho các câu hỏi sau đây: khóa học thích nghi nhằm đáp ứng đặc trưng nào của người học?, Quá trình thích nghi được thực hiện từng giai đoạn, hay trong suốt quá trình tham gia học tập?,...
Mô hình người học, mô hình nội dung học và cơ chế thích nghi có mối liên hệ tổng thể, phụ thuộc lẫn nhau, là những thành phần không thể thiếu trong một hệ thống học thích nghi. Vì vậy, khi nghiên cứu học thích nghi cần thiết phải có nghiên cứu các vấn đề này.