Như đã trình bày ở trên, kĩ thuật lưu lượng có thể được xây dựng theo hai xu hướng, chồng lấn và tích hợp. Mặc dù các thành phần chức năng cơ bản của chúng là giống nhau nhưng kiến trúc phần mềm của chúng là khác nhau đôi chút. Xu hướng chống lấn có đặc điểm của mối quan hệ khách – chủ, cấu hình trong đó tầng IP đòi hỏi các dịch vụ truyền dẫn từ tầng WDM. Kết quả là kĩ thuật lưu lượng được thực hiện ở mỗi tầng một cách riêng rẽ. Do đó, tại mỗi tầng cũng có các thành phần điều khiển mạng và kĩ thuật lưu lượng riêng. Hai khối chức năng kĩ thuật lưu lượng tại tầng IP và tầng WDM được kết nối thông qua một giao diện đặc biệt để trao đổi thông tin cần thiết. Xu hướng tích hợp hình thành mối quan hệ ngang hàng trong đó mỗi node mạng bao gồm một bộ định tuyến IP và một ma trận chuyển mạch. Xu hướng này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và phát triển. Trong một ví dụ, bộ định tuyến IP (hay chức năng điều khiển IP) chỉ cung cấp mặt phẳng điều khiển và các dòng lưu lượng dữ liệu đi qua các ma trận chuyển mạch toàn quang trực tiếp. Trong một ví dụ khác, bộ định tuyến IP được mở rộng với ma trận chuyển mạch WDM (thường sử dụng ma trận chuyển mạch O-E-O) do đó bộ định tuyến IP có giao diện nhiều bước sóng. Cuối cùng, cũng có các nhóm nghiên cứu làm việc với các bộ định tuyến gói tin toàn quang, trong đó họ cố gắng triển khai các chức năng điều khiển IP (ví dụ như xử lí mào đầu) trong miền toàn quang. Trong kĩ thuật lưu lượng tích hợp, mỗi bộ định tuyến/chuyển mạch WDM là một thiết bị có thể đánh địa chỉ IP và mỗi node mạng cần được trang bị một thực thể kĩ thuật lưu lượng.