Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nguồn nhân lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh Bắc Ninh doc (Trang 54 - 59)

Thứ nhất, bên cạnh những kết quả đã đạt được ở trên, việc sử dụng nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Bắc Ninh trong thời gian qua còn bộc lộ những hạn chế nhất định, đó là:

- Cơ cấu lao động chuyển dịch chậm so với sự chuyển biến của cơ cấu GDP theo ngành kinh tế quốc dân trong tỉnh. Từ năm 1997 đến nay GDP của khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 24,8%, trong khi đó lao động nông nghiệp chỉ giảm 6,65%. Trong khu vực nông thôn lao động vẫn tập trung chủ yếu trong ngành nông nghiệp (trên 70%), trong nội tại lĩnh vực nông nghiệp, lao động vẫn tập trung chủ yếu trong ngành trồng trọt với cây lúa là cây trồng chính.

- Thực trạng sử dụng nguồn lao động nông nghiệp, nông thôn trong tỉnh trong thời gian qua cho thấy tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm của lao động trong khu vực này còn lớn và chưa có xu hướng giảm. Mức độ thiếu việc làm của người lao động càng trầm trọng hơn ở những vùng thiếu điều kiện về nguồn lực sản xuất đặc biệt là vốn như các xã vùng xa, vùng chiêm trũng của huyện Lương Tài, Gia Bình, Quế Võ. Đây là một trong những vấn đề bức xúc trong các vùng quê trong tỉnh hiện nay vì nó không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn mang tính xã hội sâu sắc và lời giải cho bài toán này quả là không đơn giản. áp lực này còn ảnh hưởng làm chậm quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế vì quá trình thu hút lao động của các ngành này không theo kịp nạn dư thừa lao động trong nông nghiệp.

- Thực trạng sử dụng lao động nông thôn trong tỉnh từ năm 1997 nay còn bộc lộ sự yếu kém trong hoạt động của thị trường lao động, thể hiện sự mất cân đối trong quan hệ cung - cầu lao động không chỉ về mặt số lượng mà cả về mặt chất lượng với sự thiếu hụt của lực lượng lao động đã qua đào tạo về chuyên môn kỹ thuật.

- Trong thời gian qua năng suất lúa và hoa màu của tỉnh đều tăng cùng với sự nỗ lực của người dân, nhưng năng suất lao động nông nghiệp lại tăng chậm. Bắc Ninh đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhưng bình quân 1 ha ruộng đất mới

làm ra trên dưới 20 triệu 1 năm,... Điều này là nguyên nhân cơ bản dẫn đến thu nhập của nông dân thấp, tình trạng nghèo đói tuy giảm nhiều nhưng vẫn còn hiện diện ở nhiều vùng nông thôn trong tỉnh, điều này cũng làm ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thứ hai, nguyên nhân và những vấn đề đặt ra:

* Nguyên nhân nằm trong mối quan hệ lao động - đất đai. Đó là mâu thuẫn giữa sự tăng nhanh của nguồn nhân lực với quỹ đất quá hạn hẹp (bình quân 520m2/1 nhân khẩu). Trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa của tỉnh, diện tích đất nông nghiệp hàng năm giảm dần (hiện nay Bắc Ninh có 3 khu công nghiệp tập trung là: Tiên Sơn, Quế Võ và Đại đồng - Hoàn Sơn chiếm tổng diện tích 1305 ha; 25 khu công nghiệp làng nghề, cụm công nghiệp vừa và nhỏ chiếm chiến tích 646,4 ha) và một số khu công nghiệp nữa đang hình thành như Tiên Sơn I, Yên Phong … Với xu hướng và tốc độ giảm quỹ đất như hiện nay thì dù có thâm canh, tăng vụ, đa dạng hóa cây trồng đến mức nào thì cũng không tránh khỏi sự mất cân đối lớn giữa đất đai và lao động trồng trọt. Như vậy, sự hạn hẹp về đất đai là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng dư thừa nhiều lao động trong khu vực nông nghiệp. Trong nền kinh tế thị trường, các yếu tố sản xuất mà trước hết là đất đai phải được biến thành hàng hóa, và trong cơ chế cạnh tranh, đất đai mới được những người nông dân sản xuất giỏi canh tác bằng những phương thức sử dụng đất có lợi nhất. Cơ chế thị trường trong lĩnh vực đất đai sẽ tạo ra và thúc đẩy quá trình chuyên môn hóa theo hộ, thúc đẩy phân công lao động và đa dạng hóa kinh tế nông thôn, góp phần giải quyết tình trạng lao động dư thừa như hiện nay. Mặc dù vậy, ở Bắc Ninh số hộ nông dân tham gia vào thị trường đất đai chưa nhiều, việc mua bán quyền sử dụng đất để canh tác, sản xuất diễn ra nhỏ lẻ (số hộ mua chiếm 2,61% số hộ nông nghiệp, hộ bán chiếm 11,22%) đa số là các hình thức thuê đất, mượn đất và đấu thầu đất trong thời gian từ 10 đến 30 năm. Tuy nhiên thị trường bất động sản ở một số vùng quy hoạch khu du lịch, quy hoạch khu đô thị và khu công nghiệp một số năm trở lại đây (2000 - 2004) còn diễn ra sôi động với việc cư dân từ các nơi khác (Hà Nội, thành phố Bắc Ninh) và những người giàu có đem tiền về đầu tư đất để trục lợi và người nông dân bán đi những thửa ruộng mảnh vườn của mình lấy một số tiền xây nhà, mua xe máy tưởng là đổi đời, thoát nghèo nhưng lại càng nghèo thêm

vì quỹ đất sản xuất đã hạn hẹp nay lại càng hạn hẹp hơn và con đường tất yếu là tham gia vào đội quân làm thuê hoặc thất nghiệp...

* Là sự chuyển biến chậm chạp của cơ cấu kinh tế nông thôn thể hiện ở chỗ: - Cơ cấu nông nghiệp ở đa số các huyện trong tỉnh vẫn chưa thoát khỏi tình trạng độc canh, tự cấp, tự túc và trong đó sản xuất hàng hóa nhỏ, lẻ là chủ yếu. Các bộ phận hợp thành sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, ngư nghiệp) chưa gắn bó chặt chẽ trong cơ cấu.

- Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ phi nông nghiệp khác tuy có khởi sắc, ngành nghề truyền thống được khôi phục và mở rộng nhưng phát triển không đều, chỉ tập trung vào những vùng nông thôn ven đô thị, gần đường giao thông, gần thị trường còn các vùng xa huyện lỵ, thuần nông thì hầu như chưa chuyển đổi.

- Các thành phần kinh tế ở nông thôn tuy được pháp luật thừa nhận xong vẫn còn nhiều ràng buộc, kinh tế hộ tự chủ đã có bước phát triển cao nhưng nội lực của kinh tế hộ chưa đủ vươn lên để tự phát triển thành những hộ sản xuất hàng hóa làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

* Mặc dù đã có sự quan tâm đáng kể nhưng đầu tư của Nhà nước (bao gồm ngân sách, tín dụng...) cho nông dân và kinh tế nông thôn còn thấp chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư thực tế để phát triển sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa ngành nghề và tạo việc làm trong nông thôn và cho nông dân.

* Một mâu thuẫn lớn trong việc sử dụng nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn nằm ngay trong yếu tố con người. Tuy nông thôn Bắc Ninh có nguồn lao động dồi dào, nhưng phần lớn lực lượng này là lao động thủ công, chưa được đào tạo nhiều về nghề nghiệp, thiếu hiểu biết kỹ thuật, chưa có kinh nghiệm và ít năng lực hoạt động trong cơ chế thị trường. Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong bước chuyển sang cơ chế thị trường sẽ tạo ra sức hút đối với người lao động và việc làm nhưng lại đòi hỏi một lực lượng lao động có kỹ thuật và tay nghề cao. Chính sự bất cập này sẽ là một trở ngại lớn đối với tiến hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nước ta nói chung và tỉnh Bắc Ninh nói riêng.

* Một vấn đề nữa đang đặt ra đó là năng suất lao động trong nông nghiệp của tỉnh Bắc Ninh còn thấp, điều này dẫn đến thu nhập của nông dân thấp kém làm cho khả năng tích lũy (đặc biệt là vốn) rất ít ỏi đã hạn chế nhiều đến khả năng tạo việc làm cho nông thôn. Với tư cách là lao động tất yếu, lao động trong nông nghiệp sẽ ngày càng phải thu hẹp để tăng lao động thặng dư, làm tiền đề cho sự phân công lại lao động trong khu vực này. Như vậy, chỉ có thể chuyển sản xuất nông nghiệp sang nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa trên cơ sở tăng năng suất lao động mới có thể chuyển dịch được một bộ phận lao động từ nông nghiệp sang các hoạt động công nghiệp, dịch vụ và các hoạt động phi sản xuất nông nghiệp khác, vấn đề này đã và đang thực hiện trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Bắc Ninh nói chung và nông nghiệp nông thôn của tỉnh nói riêng.

* Mặc dù tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, bộ mặt nông thôn đã được cải thiện với điện lưới quốc gia về 100% xã, hệ thống đường liên xã, huyện, tỉnh được nâng cấp bê tông hoặc nhựa hóa, trường học, trạm y tế được kiên cố hóa và tăng cường cơ sở vật chất nhưng nhìn chung sự phát triển của cơ cấu hạ tầng của nông thôn Bắc Ninh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cho sự giao lưu kinh tế và thực hiện việc chuyển nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa các hoạt động kinh tế, nâng cao thu nhập và hiệu quả kinh tế của lao động nông thôn. Đây cũng là một thách thức không nhỏ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nông thôn trong tỉnh, trong đó bao hàm cả việc tăng cường mức nhân dụng trong khu vực này.

kết luận chương 2

Từ khi tái lập tỉnh đến nay, kinh tế xã hội có những bước phát triển đáng kể, tạo thêm thế và lực cho tỉnh đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bộ mặt đô thị và nông thôn Bắc Ninh đang ngày càng khởi sắc. Để đạt được mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp thì vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn cần phải được chỉ đạo thực hiện kiên quyết, mạnh mẽ. Với những thế mạnh về điều kiện tự nhiên, văn hóa xã hội, về truyền thống ngàn năm văn hiến, về con người Bắc Ninh năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm cần được phát huy, khai thác một cách triệt để. Mặt khác, cần phải khắc phục những yếu kém, khó khăn, trở ngại trong quá trình chậm chuyển dịch cơ cấu kinh tế làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển dịch cơ cấu lao

động trong nông nghiệp, nông thôn và tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, nhất là sự mất cân đối trong quan hệ cung - cầu lao động, để tiến tới sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực đáp ứng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chương 3

Những giải pháp chủ yếu nhằm phát triển và sử dụng nguồn nhân lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn tỉnh bắc ninh

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nguồn nhân lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh Bắc Ninh doc (Trang 54 - 59)