Thu chi ngân sách nhà nước trên địa bàn liên tục tăng với nhịp độ cao, các khoản thu chi được cơ cấu lại theo hướng tích cực và hiệu quả hơn. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách tài chính mới trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh liên tục phát triển, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tổng thu ngân sách năm 2005 đạt 904.626 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 34,7% trong đó, tỷ trọng thu từ thuế và lệ phí tăng nhanh. Tỷ lệ huy động vốn bình quân hàng năm bằng 12,7% GDP. Thu nội địa so với tổng thu ngân sách nhà nước tăng từ 53,2% năm 2001 lên 76,4% năm 2005, trong các khoản thu nội địa thì thu từ khu vực kinh tế nhà nước chiếm gần 27%, khu vực kinh tế ngoài nhà nước 9,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 4,5% [55, tr. 11].
Do hàng năm thu đều vượt dự toán nên đã đáp ứng được nhu cầu chi tốt hơn. Tổng chi ngân sách nhà nước bình quân hàng năm tăng 20,8%, trong đó chi cho đầu tư phát triển tăng bình quân hàng năm là 31.6%, chiếm khoảng 43,1% tổng chi ngân sách.
Trong nhiều năm qua, Bắc Ninh đã động viên, phát huy nhiều nguồn lực của các thành phần kinh tế trong việc huy động vốn đầu tư phát triển, nhất là nguồn vốn trong nước. Số công trình mới được đưa vào sử dụng nhiều hơn bất kỳ thời gian nào trước đây, năng lực của hầu hết các ngành sản xuất, dịch vụ và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được nâng lên rõ rệt. Tổng mức đầu tư thực hiện trên địa bản trong 5 năm (2001 - 2005) khoảng 12 ngàn tỷ đồng, bình quân hàng năm tăng 21,2%, trong đó vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước giảm từ 44,8% năm 2000 xuống còn 21,4% năm 2005, nguồn vốn ngoài nhà nước và dân cư tăng từ 46,8% lên 71,6% năm 2005. Nguồn vốn đầu tư trong
tỉnh tập trung vào mục tiêu phát triển các ngành kinh tế then chốt, mũi nhọn trong tỉnh; đầu tư vào sự nghiệp phát triển con người - nguồn nhân lực và đặc biệt là xây dựng kết cấu hạ tầng. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn năm 1997 là 774.316 triệu đồng, năm 2000 là 1.183.512 triệu đồng và đến năm 2005 là 2.279.100 triệu đồng (tăng gấp hơn 3 lần). Số điểm bưu điện văn hóa xã cũng tăng mạnh từ 90 điểm (năm 1996) lên 99 điểm (năm 2000) và 125 điểm (năm 2005), đến nay cứ bình quân 5,2 người dân có 1 máy điện thoại. Bên cạnh đó, tỉnh còn rất nỗ lực trong việc xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống đường giao thông liên tỉnh, liên huyện và đặc biệt là giao thông nông thôn. Nhiều con đường được cải tạo, nâng cấp và làm mới như đường 18, đường 38, đường 182, đường 20... Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", huy động nguồn trong nhân dân đến nay trên 80% hệ thống đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa hoặc lát gạch kiên cố, góp phần tạo cho nông thôn một bộ mặt mới. Đặc biệt với sự hỗ trợ kinh phí của trung ương và vốn đầu tư của địa phương, Cầu Hồ bắc qua sông Đuống đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2001 tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội của ba huyện phía nam "bên kia sông Đuống" là Thuận Thành, Lương Tài, Gia Bình. Hai năm trở lại đây, thực hiện chủ trương xã hội hóa các phương tiện phục vụ giao thông, các chuyến xe buýt Hà Nội - Bắc Ninh, Hà Nội - Thuận Thành (Bắc Ninh), Bắc Ninh - Bắc Giang, Bắc Ninh đi Chí Linh (Hải Dương), Yên Phong, Lương Tài đã khai trương và đi vào hoạt động tạo rất nhiều thuận lợi cho sự giao lưu giữa các huyện và thành phố trong tỉnh với các địa phương khác đặc biệt là Nội Nội trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa [53].