PHẦN KẾT LUẬN

Một phần của tài liệu KHẢO SÁT CÁC DỮ KIỆN VỀ NHÂN DANH VÀ ĐỊA DANH TRONG “BẮC HÀNH TẠP LỤC” (Trang 100 - 102)

II. VỀ ĐỊA DANH

PHẦN KẾT LUẬN

Nhân danh và địa danh với những hàm lượng nghĩa và ý nghĩa văn hóa - lịch sử đậm đặc ấy là nơi nhạy cảm và chứa đựng nhiều sự kiện mỹ học của tập "Bắc hành tạp lục".

Hầu hết các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng chuyến Bắc sứ này là một cơ hội để Nguyễn Du chiêm nghiệm lại tình hình lịch sử của nước mình và những nhân vật lịch sử Trung Quốc cũng là một phương tiện tác địa để Nguyễn Du “mượn chén rượu người tưới bụi trần trong lòng mình”. Nguyễn Lộc giải thích về “hiện tượng” "Bắc hành tạp lục" đạt được nhiều sự đồng thuận: “viết được nhiều, một phần là vì những vấn đề xã hội trước đây nhà thơ mới cảm biết một cách lờ mờ, thì bây giờ cuộc sống giúp nhà thơ nhận thấy rõ nét. Phần nữa là vì đi ra nước ngoài, nhà thơ có thể mượn nhiều đề tài lấy từ lịch sử và hiện đại của người để nói những điều ông mong muốn nói về nước mình, tránh được sự công kích hay trả thù của triều đình phong kiến lúc ấy” [24, 194- 195]. Hay như cách Hoài Thanh cảm nhận thấy “Nguyễn Du đã mượn những sự tích, những nhân vật của Trung Quốc để phát biểu về cuộc sống theo như Nguyễn Du nhìn thấy và cảm thấy, nghĩa là trước hết về cuộc sống trên đất nước Việt Nam, nhưng lại không tiện nói ra bằng sự tích và nhân vật Việt Nam. Vả chăng trong tình hình hồi bấy giờ có lẽ Nguyễn Du không thấy có gì khác nhau lắm giữa hai nước” [11, ].

Viết "Bắc hành tạp lục" “khi đó đứng tuổi, làm quan đến chức trọng thần, làm chánh sứ sang Trung Quốc, có dịp bình tĩnh hơn để nhìn lại mọi sự”[ 18 ], Nguyễn Du đã khéo léo mượn tên lịch sử để ký thác những tâm sự, những vấn đề của thời đại mình vào thơ. Ta thấy tình thế chính trị đen tối, hổ lốn và bi đát của thời đại Khuất Nguyên, Giả Nghị, Kinh Kha, Tỉ Can,… có cái gì đó gần gũi với cảnh nhốn nháo của việc mua quan bán tước hay sự suy vong của những thang bậc giá trị xã hội thời Nguyễn. Bi kịch của con người có khát vọng vĩ đại nhưng bất thành Khuất Nguyên cũng có nhiều sự tương đồng với hành động tự chôn mình của Lý Trần Quán…..

Bi kịch của những con người tự nhiệm traỉ suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc cũng như phả lại vào những con người Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Danh Phương, Nguyễn Hữu Cầu, Hoàng Công Chất, Cao Bá Quát,… và để lại ít nhiều trong con người Nguyễn Du.

Bi kịch và quan niệm văn chương của những bậc thi nhân nổi danh Trung Quốc như Đỗ Phủ, Lý Bạch, Âu Dương Tu, Khuất Nguyên,… như có sự gần gũi, tương đồng nhiều lắm với con người và cuộc đời nhà thơ Nguyễn Du. Dường như qua những gì mà bậc tiền bối đó trải nghiệm và trả giá, Nguyễn Du tìm thấy nhiều phần của con người mình trong ấy, để rồi tự chiêm nghiệm, đúc rút thành những bài học thấm thía, xót xa. Hẳn khi rút ra những triết luận sắc - tài- mệnh tương đố từ thân phận những danh nữ Trung Quốc, Nguyễn Du cũng đó thấu hiểu nỗi đau khổ, oan ức mà người phụ nữ trên đất nước ông cũng phải gánh chịu từ bao đời. Thế nên triết luận này mới trở đi trở lại trong thơ ông, và được kêu lên thê thiết, đau xót nhất trong “Truyện Kiều”:

“Đau đớn thay phận đàn bà Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”

Và có lẽ điều mà Nguyễn Du “không tiện nói ra bằng sự tích và nhân vật Việt Nam” nhất nằm tập trung ở mảng viết về các nhân danh “phản diện”. Ở đó, ông đã lội ngược dòng so với luồng tư tưởng nho giáo tuy đã rệu rã nhưng vẫn đủ sức để nhấn chìm bất cứ cái g ì dám đối lập lại với nó.

Về tất cả các nhân danh, địa danh được nhắc đến dưới góc nhìn văn hóa - lịch sử, không loại nhân vật nào trả lời được nỗi “hận sự thiên nan vấn”, và dường như ở Nguyễn Du có sự “ nhập” vào, không nhiều thì ít, những nét của cuộc đời của hầu hết các loại nhân vật đó.

Mỗi đời người đều chứa đựng bao nhiêu vấn đề thuộc về đau khổ và hạnh phúc, bao việc và vấn đề của “cõi người ta”. Với Nguyễn Du, một năm đi sứ cũng đã đủ cho ông thấm nỗi đau của bao nhiêu số phận bị nhào nặn bởi bàn tay phàm tục của cái mà người ta vẫn gọi là “mệnh”. Hoàn tất sứ mệnh vào tuổi bốn mươi tám tuổi, nhưng Nguyễn Du đã quá già, quá đủ đau khổ vì dường như ông mang trên vai gia tài đồ sộ của hàng triệu nỗi buồn.

Vầng trán đồ sộ của Nguyễn Du suy ngẫm về thế sự bằng nỗi đau thường trực. Ở đây, nỗi đau ấy được thể hiện bằng nhu cầu triết luận về các vấn đề chính trị và về tâm hồn con người qua các địa văn hóa - lịch sử : tên đất, tên người. Xin mượn câu nói nổi tiếng của nhà văn A.de Mussé để diễn tả tâm trạng của Nguyễn Du trong tình cảnh lịch sử, chính trị thời bấy giờ: “Thời gian vô thủy vô chung là cái tổ đại bàng rất lớn, từ trong đó tất cả các thế kỷ như những đại bàng non, đã cất cánh bay ra để xuyên qua bầu trời

và biến mất”. Nhưng đến thế kỷ Nguyễn Du, nửa cuối thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX, “đến lượt mình, đã lần ra được đến mép rìa của tổ, nhưng người ta đã cắt đôi cánh của nó đi rồi, và nó đứng chờ chết mà nhìn khoảng không gian mà nó không lao vào được”.

Ít dùng điển mà vẫn nói lên trọn vẹn, sâu sắc và hàm súc những trăn trở lẫn bất mãn mà các nhân vật và bản thân mình phải mang, Nguyễn Du đã góp phần lạ hóa cách nói “bình dân” giữa rừng văn chương bác học ngồn ngộn điển tích, điển cố đương thời. Quả là Nguyễn Du “hầu như là người duy nhất không nói cái người khác đó hay sẽ nói và cũng không nói bằng ngôn ngữ giống người khác” [ 24].

Cùng với từng bước chân trên hành trình vạn dặm, hành trình tâm trạng của Nguyễn Du cũng gập ghềnh theo từng khúc quanh của các bi kịch, bi kịch này nối tiếp, chồng xếp lên bi kịch khác, như gọi theo nhau bám lấy tâm hồn đa cảm, đa đoan của Nguyễn Du. "Bắc hành tạp lục" đã đi qua và xâu chuỗi những bi kịch lớn của con người, đồng thời Nguyễn Du cũng lập được hành trình tâm trạng của mình.

Một phần của tài liệu KHẢO SÁT CÁC DỮ KIỆN VỀ NHÂN DANH VÀ ĐỊA DANH TRONG “BẮC HÀNH TẠP LỤC” (Trang 100 - 102)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(102 trang)
w