Trong văn học trung đại Việt Nam từ nửa đầu thế kỷ XVIII trở về trước, người phụ nữ và những “con người nhỏ bé” cũng có xuất hiện, trong đó người phụ nữ hiện ra với tư cách là liệt nữ, giai nhân, nhưng họ chưa được ý thức là một đối tượng thẩm mỹ độc lập, họ chỉ xuất hiện là những “hình ảnh”, được nói đến một cách xa xôi, mờ nhạt. Nhân vật người phụ nữ hiện lên chưa có hình hài rõ nét với tâm trạng, tình cảm cụ thể, số phận và cuộc đời riêng. “Phải đến văn học giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX, người phụ nữ và “con người nhỏ bé” mới trở thành nhân vật văn học quan trọng nhất, tập trung nhất, sinh động nhất” với các đỉnh cao của các cây bút nổi bật đương thời: Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Phạm Thái, Bà huyện Thanh Quan,… Dưới ảnh hưởng của luồng tư tưởng nhân văn và tấm lòng cùng tài năng của các tác giả, “người phụ nữ với cuộc đời và số phận được khắc hoạ sinh động, sâu sắc, trở thành nhân vật chính của tấn kịch lịch sử văn học” [25,132]. Cũng như nhiều cây bút tài năng đương thời, Nguyễn Du chịu ảnh hưởng khá sâu sắc và trọn vẹn luồng tư tưởng nhân văn của thời đại trong đó có bước đổi mới đáng kể về cái nhìn trước thân phận những người phụ nữ và “những con người nhỏ bé”.
Trong chuyến Bắc sứ này, qua "Bắc hành tạp lục", Nguyễn Du thể hiện rõ nét cái nhìn và quan niệm của bản thân trước những người phụ nữ, từ những trang tuyệt sắc giai nhân nổi danh trong cung vua phủ chúa đến những thân phận ca kỹ bọt bèo vô danh.
Giao diện tiếp xúc của Nguyễn Du với thân phận những người phụ nữ khá lớn và có những suy tư kỳ lạ của một Nguyễn Du vừa đa cảm đa sầu đa tình, vừa triết luận thâm trầm, sâu sắc mà độc đáo, mới mẻ. Hình tượng người phụ nữ ở đây như là một sự nối dài, tiếp tục của những gì mà Nguyễn Du đã viết trong “Đoạn trường tân thanh” hay “Văn tế thập loại chúng sinh”… khi ông ở trong nước. Nếu ở “Đoạn trường tân thanh” Nguyễn Du viết về một cô Kiều với tư cách là một nhân vật văn học, với những diễn biến số phận cụ thể, và người phụ nữ trong “Văn tế thập loại chúng sinh” hiện lên với cương vị là một loại hình nhân vật ít nhiều có phần “thêm mắm thêm muối”, thì người phụ nữ trong "Bắc hành tạp lục" là các minh họa cụ thể của các loại hình nhân vật ấy dưới sự tri kiến trực tiếp và cảm nhận trự tiếp của Nguyễn Du trước các con người – số phận có thực trong lịch sử. Hầu hết những người phụ nữ được Nguyễn Du nhắc đến đều là những con người cụ thể gây xúc động trực tiếp bằng sức mạnh của cái “tai nghe mắt thấy”. Về mảng nhân vật này, Nguyễn Du đề cập đến cả giai nhân, liệt nữ lẫn những “nữ tặc” ở nhiều góc độ khác nhau, nhưng đều tụ hội lại trong ánh nhìn ấm áp của tư tưởng nhân văn.
Khi tiếp cận thân phận người phụ nữ tài – sắc – tình vẹn toàn dưới góc nhìn nghiêm khắc và đầy định kiến của nho giáo như Nguyễn Trãi từng cay nghiệt viết:
“Trụ mất quốc gia vì Đát Kỷ Ngô lìa thiên hạ bởi Tây Thi”
( Bài 190 – Quốc âm thi tập )
Nguyễn Du tiếp cận những người phụ nữ dưới ánh sáng tư tưởng nhân văn và khai phá ra những khía cạnh mới, thậm chí nhiều khi đi trái chiều với những giáo điều của học thuyết cửa Khổng sân Trình.
Dễ nhận thấy một điều như Mai Quốc Liên đã chỉ ra “Chưa ai viết hay về Tiểu Thanh, Dương Phi, người ca kỹ La thành… như Nguyễn Du. Chưa ai nói mình là người cùng hội cùng thuyền với nỗi oan của Tiểu Thanh như Nguyễn Du”. Chỉ khi đặt mình vào vị trí của người trong cuộc để thấm thía đến tận cùng nỗi đau của những thân phận má đào Nguyễn Du mới thốt lên được những câu thơ đầy đau đớn, trăn trở:
“ Cựu khúc thanh thanh ám lệ thuỳ Nhĩ trung tĩnh thính tâm trung bi
Giám hồ tịch trung tằng kiến chi” (Long thành cầm giả ca)
(Khúc xưa đàn lên từng tiếng mà nước mắt tôi thầm rơi. Tai lắng nghe mà trong lòng đau xót
Bỗng sực nhớ chuyện hai mươi năm trước Từng thấy cô ta trong bữa tiệc bên hồ Giám )
Chỉ khi trong lòng đã tích tụ đủ nỗi niềm thao thức, cảm thương con người mới có cái giật mình đáng quý của sự “mãnh nhiên ức khởi nhị thập niên tiền sự”. Hai mươi năm ấy với biết bao biến động ba đào của lịch sử, vậy mà nàng ca kỹ đất Long thành không có cả cái tên (Độc thiện Nguyễn cầm – Cử thành chi nhân dĩ cầm danh) vẫn làm cho Nguyễn Du giật mình thảng thốt. Không chỉ giật mình vì sự xuống cấp của dung nhan cô Cầm:
“ Tịch mạt nhất nhân phát bán hoa Nhan sấu thần khô hình nhược tiểu, Lan tạ tàn mi bất sức trang,
Thuỳ tri tựu thị đương thời thành trung đệ nhất diệu” ( Duy ở phía cuối có một người tóc hoa râm,
Nét mặt võ vàng, thần sắc khô khan, thân hình nhỏ bé Đôi mày phờ phạc không điểm tô
Ai biết đó là người tài hoa nhất thành hồi bấy giờ?)
Mà thẳm sâu của nỗi niềm đó là sự thảng thốt trước cảnh “ ám lý thiên kinh vật hậu tần” (Thấy thời tiết, cảnh vật đổi thay, lòng riêng những kinh sợ):
“Thành quách suy di nhân sự cải, Kỷ xứ tang điền biến thương hải Tây Sơn cơ nghiệp tận tiêu vong”
( thành quách đổi dời, việc người cũng khác, Bao nơi nương dâu trở thành biển cả
Cơ nghiệp Tây Sơn tiêu vong đâu hết)
Một cách khéo léo, Nguyễn Du đặt thân phận người ca kỹ trong tương quan với những biến động dữ dội của lịch sử làm thành hai vế của một phép so sánh, đối chiếu.
Qua “phận bạc” của nàng ca nữ Nguyễn Du nhìn ra quy luật vận động khắc nghiệt của thế lực vô hình có tên gọi là “số mệnh”. Cái thế lực siêu nhiên ấy đã trút lên thân phận người phụ nữ` trọn vẹn những khắc, nghiệt phũ phàng của thời gian, bóp vụn cả cơ nghệp to lớn thành một đống tàn tích hoang phế, vội gội trắng mái đầu của người chưa đến tuổi phải già ( Nam Hà quy lai đầu tận bạch). Thấm thía sâu sắc, Nguyễn Du mới gặp được tâm tư đau đớn của người ca kỹ lẫn nỗi xót đắng của chính lòng mình:
“Song nhãn trừng trừng không tưởng tượng Khả liên đối diện bất tương tri”
( Hai mắt trừng trừng luống tưởng chuyện trước, Thương nhau gặp mặt mà không nhận ra nhau)
Một nỗi đau cứ cuộn lên từ đâu đó trong cõi lòng. Lúc này cô Cầm không đơn thuần chỉ là hiện thân của sự tàn tạ dung nhan con ngưòi, mà còn là tấm gương phản chiếu cảnh nương dâu biển cả, và cũng là nơi Nguyễn Du phóng chiếu bản thân để chiêm nghiệm, suy tư. Cảm hứng của Nguyễn Du về cô Cầm trong “Long thành cầm giả ca” không phải chỉ là cảm hứng về một số phận riêng biệt, mà đồng thời cũng là cảm hứng về thời đại, về nhân loại.
Cùng với “Long thành cầm giả ca”, bài “Điếu La thành ca giả” (Thanh Hiên thi tập), Nguyễn Du cũng đã ngậm mối uất ức khôn tả về thân phận người ca kỹ:
“ Yên sinh bất tẩy sinh tiền chướng Phong nguyệt không lưu tử hậu danh”
( Nghiệp chướng phấn son lúc sống đã không rửa sạch được Sau khi chết vẫn để lại cái tiếng gió trăng)
Có thể cảm nhận thấy những người ca kỹ có cái gì đó đập mạnh vào tâm não Nguyễn Du, rất gần với Nguyễn Du, gây ra trong tâm hồn ông những xúc cảm vượt khung, trào ra ngoài khuôn mẫu nho giáo ngàn năm. Ca kỹ là người bị khinh rẻ nhất trong xã hội nhưng không bao giờ Nguyễn Du nhìn họ như thứ đồ chơi, mà luôn có thái độ trân trọng, đồng tình , đồng điệu với họ.
Cùng cảm hứng đó, dù có thể không đi qua “Dương Phi cố lý”, nhưng Nguyễn Du đã bị lôi cuốn và dừng hành trình tâm trạng lại rất lâu để phát biểu nên những chiêm nghiệm tha thiết của mình về thân phận người phụ nữ vốn gây nhiều ý kiến trái chiều này:
Uổng giao thiên cổ tội khuynh thành Tiêu tiêu Nam Nội bồng cao biến Mịch mịch Tây giao khâu lũng bình Lang tạ tàn hồng vô mịch xứ
Đông phong thành hạ bất thăng tình” ( Chỉ vì cả triều đình đều như phỗng đứng,
Mà nghìn năm cứ đổ tội oan cho sắc đẹp nghiêng thành. Cung Nam Nội buồn teo, cỏ dại mọc khắp,
Đồng Tây Giao vắng ngắt, gò đống san bằng Hương tàn phấn rã, nay biết tìm đâu
Dưới thành gió đông thổi, khiến người cảm xúc vô hạn)
Quê cũ của Dương Phi ở Hoằng Nông – Hoa Âm, tỉnh Thiểm Tây có lẽ không nằm trên lộ trình của sứ bộ nên “làm ta ngờ rằng nhà thơ nhân nhớ đến những nhân vật đó mà làm thơ chứ không phải tức cảnh sinh tình như tuyệt đại đa số các bài trong tập này ("Bắc hành tạp lục") [11]. Không “tức cảnh” mà cái “tình” vẫn thật tha thiết, chứng tỏ sự rung động mãnh liệt và thành thật của tâm hồn Nguyễn Du. Vượt qua cái nhìn hà khắc của nho gia về phụ nữ, cụ thể hơn là về phụ nữ tài sắc, Nguyễn Du đã “vượt rào” để viết nên những lời phản biện sắc bén bảo vệ cho người phụ nữ, cho sắc đẹp vốn bị kết tội “khuynh thành”. Lời phản biện này còn được phát biểu một cách dõng dạc trong “Tam liệt miếu”:
“ Thiên thu bi kiệt hiển tam liệt (…) Thanh thời đa thiểu tu như kích Thuyết thiếu đàm trung các tự tôn” (Bia đá nghìn thu biểu dương ba liệt nữ
(…) Thời bình bao nhiêu kẻ râu vểnh lên như mác Bàn chuyện hiền trung ai cũng tự cho mình là nhất
Cũng nhằm ca ngợi, tôn vinh ba người phụ nữ họ Lưu, Nguyễn Tông Khuê viết:
“Đào thơ liễu yếu nước cùng non Hãy giữ khăng khăng đạo vợ con Ngọc vết chẳng theo lòng thế cạn Chân trầm đã cậy bóng trăng tròn
Biển đề ba chữ vàng còn thắm Bia tạc ngàn thu đá chửa mòn Trong kẻ nữ nhi so có mấy
Ai chăng ngâm ngợi tấc lòng son”
(Viếng Lưu tam liệt)
Hàng loạt những điển quen thuộc làm cho lời thơ của Nguyễn Tông Khuê có vẻ mượt mà, nhẹ nhõm hơn của Nguyễn Du nhưng cũng chỉ dùng để “ ngâm ngợi”, tụng ca, còn mục tiêu quan trọng nhất của một bài thơ vịnh sử là rút ra những bài học lịch sử thì lại bị những lời thơ quá nhẹ ấy lấn át, làm trượt đi nhu cầu chiêm nghiệm, thể nghiệm đó. Còn ở Nguyễn Du, ông “thực sự hứng khởi đưa câu chuyện lịch sử vựơt khỏi tầm của chính bản thân nó để khái quát thành quy châm cho thời đại của mình và cho cả đời sau”.
Cùng cảm hứng khẳng định ngợi ca có phần xót xa, thông cảm trên, Nguyễn Du viết liền hai bài thơ về Nga Hoàng và Nữ Anh – hai bà phi của vua Thuấn cũng bằng những rung cảm thấm thiá và chân thành trong “Thương Ngô mộ vũ” và “Thương Ngô tức sự”
Được trời phú cho khả năng nhận biết các giá trị của cái đẹp, Nguyễn Du lặng lẽ nâng niu, trân trọng vẻ đẹp thiên phú của các mỹ nhân ấy với tinh thần cảm thông như một kẻ “đồng bệnh”, “cùng hội cùng thuyền”.
Hơn ai hết, Nguyễn Du hiểu được nỗi đau của kẻ “hồng nhan” bị thời thế xé nát làm cho thành “bạc mệnh”. Ông nhận ra những biến cố nực cười của số phận tai ác đặt gấm quý vào tay những kẻ phàm tục, nhận ra rằng chính sắc đẹp của họ đã bắt họ phải trả giá bằng hàng nghìn sự phụ bạc mà sự phụ bạc khủng khiếp nhất đi ra từ phía lịch sử và đấng vô hình: Số phận. Đối với những thân phận hồng nhan ấy, hạnh phúc chỉ là một giấc mơ nhọc nhằn và kết thúc bằng gánh nặng của những bi kịch tàn khốc mà lịch sử mang lại. Lòng cảm thông, bênh vực của Nguyễn Du cứ âm ỉ cháy trong đêm tối mịt mùng của tình người, tình đời, chaý không thành ngọn và không có khói, nhưng toả ra sức nóng lan toả lạ thường.
Từ nỗi đau đớn của người phải hứng chịu mọi định kiến nghiệt ngã của quy luật lịch sử “hồng nhan bạc mệnh”, Nguyễn Du tìm ra chân lý cho mình ở việc đào sâu vào sự linh cảm về số phận con người vốn rất nhạy bén trong ông. Chưa được tôi luyện để
coi thường nước mắt, Nguyễn Du nói lên tiếng nói phản tỉnh về bi kịch của khát vọng nhân văn, bi kịch của mệnh đề “hồng nhan bạc mệnh”, “tài mệnh tương đố”, “hồng nhan đa truân”. Mang nỗi khổ vì trí tuệ của kẻ “thức tự” ( Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn), Nguyễn Du đã nâng nỗi đau khổ của con người nói chung, của kẻ hồng nhan nói riêng lên thành triết lý, thành “mệnh”. Ta không thấy cái “mệnh” ấy thế nào, mà chỉ thấy nguyên nhân từ lòng người ấm lạnh, từ thế thái nhân tình điên đảo, từ chính cuộc sống với những con người cụ thể đem lại bất hạnh cho con người . Thế nên mỗi lần nói đến triết lý ấy là mỗi lần Nguyễn Du hậm hực, tức tối đến uất nghẹn:
“ Chém cha cái kiếp má đào Cởi ra rồi lại buộc vào như chơi”
Triết lý này được Nguyễn Du minh chứng qua cuộc đời hàng loạt mỹ nhân tài sắc vẹn toàn: Từ nàng Tiểu Thanh, Dương Quý Phi đến cô ca nữ tên Cầm, rồi đến nàng Kiều. Không nhiều các dẫn chứng, nhưng ở Nguyễn Du, chân lý không phải ở sự tích luỹ về số lượng, mà ở trong sự đào sâu. Càng thấm thía vẻ đẹp của mỹ nhân, đẹp một cách đau lòng, Nguyễn Du càng trăn trở với những nỗi đoạn trường mà họ phải nếm trải. Khi nhìn nhận về số phận người phụ nữ, luận đề “hồng nhan bạc mệnh” của Nguyễn Du là tiếng vọng đầy ám ảnh. Cách nhìn, cách nghĩ đó mang âm hưởng của thời đại Nguyễn Du và được nói đến một cách tha thiết.
Tích luỹ nỗi buồn, nỗi trăn trở của tha nhân vào tâm hồn thành thiên tính thứ hai của mình, ông chánh sứ – dẫu không phải hồng nhan – ý thức sâu hơn những nỗi đoạn trường mà ông đã và sẽ trải qua. Có lẽ, đối với Nguyễn Du, bất kỳ thân phận nào phải mang vác gánh nặng của bi kịch nhân văn cũng là đối tượng để ông tự phóng chiếu và “vận vào mình” như thế ! Với Nguyễn Du, đau khổ dường như là một thứ định mệnh trời cho và trời đày.
Câu hỏi “ Hương tàn phấn rã, nay biết tìm đâu?” đã giúp Nguyễn Du đặt lại hàng loạt các vấn đề theo quan điểm nhân văn, mang tính triết lý sâu sắc hướng vào cả những thế lực siêu nhiên và xã hội, muốn phá vỡ những giới hạn của tồn tại, của tư duy, mang trong mình hơi thở, nhịp đập của thời đại ông. Nhưng ông đã vươn tới đỉnh cao của thời đại khi đánh giá những thân phận người phụ nữ hồng nhan không phải bằng khuôn mẫu của luân lý nho gia, mà từ góc độ văn hoá, trong đó cái lõi của nó là nhân đạo, nhân văn.
Người phụ nữ dân đen của Nguyễn Du cũng không thoát khỏi vòng bủa vây của số phận đau khổ. Người mẹ của ba đứa trẻ quặn lòng khi phải hi sinh đến kiệt cùng sinh mạng của mình mà vẫn không tìm ra phương cách cứu các con khỏi lưỡi hái của tử thần :
“ Mẫu tử bất túc tuất, Phủ nhi tăng đoạn trường Kỳ thống tại tâm đầu
Thiên nhật giai vị hoàng” ( Sở kiến hành) ( Mẹ chết không đáng tiếc,
Vỗ về con mà lòng càng đứt ruột. Lòng đau xót vô cùng
( Trông lên trời) mặt trời vàng úa)
Đây không phải là tiếng nói lạ trong thơ sứ trình thời Nguyễn. Theo dõi dòng thơ này từ khởi đầu ta sẽ nhận thấy “đến thời Nguyễn, thơ đi sứ có những bước chuyển mới hẳn (…). Các nhà thơ, không thoả hiệp với thực tại, đã phản ánh trong thơ mình những chân lý lớn của đời sống (…) như "Bắc hành tạp lục" của Nguyễn Du, những vần thơ