1. Những đặc điểm cần xem xét khi tổ chức GDTTMT ở nông thôn đồng bằng.
* Kinh tế: Chủ yếu là nông nghiệp (yếu tố mùa vụ là quan trọng) hoặc thủ công nghiệp – làng nghề (chọn thời điểm trong ngày rất quan trọng).
* Cơ sở hạ tầng: Còn khá thấp, nhiều vùng rất yếu kém. Vấn đề nước sạch, vệ sinh môi trường luôn luôn là vấn đề bức xúc, nhất là ở các làng nghề.
* Xã hội: Bạo lực gia đình, tỷ lệ sinh cao, di dân tự do ra các đô thị, nghèo đói, trình độ học vấn thấp vẫn nổi cộm ở một số vùng nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hội nông dân có ảnh hưởng lớn đến đời sống và kinh tế – xã hội. Quan hệ họ hàng, tông tộc rất rõ nét, vai trò của Trưởng tộc,
Trưởng họ rất lớn. Các lễ hội, các hình thức văn nghệ, văn hóa dân gian được ưa chuộng.Vấn đề giới luôn nổi cộm với vai trò của phụ nữ chưa được đánh giá đúng.
* Yếu tố thời tiết: Ở miền Trung, mùa mưa lũ từ tháng 10 đến tháng 12. Ở đồng bằng sông Cửu Long, mùa lụt thường từ tháng 9 đến tháng 11. Đồng bằng sông Hồng có mùa mưa bão từ tháng 7 đến tháng 9, cũng là mùa phải bảo vệ đê điều. Trong thời gian này rất khó định trước thời điểm thích hợp cho một chương trình GDTTMT.
2. Gợi ý về phương pháp GDTTMT đặc thù ở nông thôn đồng bằng.
* Lồng ghép nội dung môi trường vào hội nghị, tập huấn do các cơ quan đoàn thể tổ chức: Hội nông dân, Hội phụ nữ… Thời gian qua, Hội nông đã hướng dẫn chỉ đạo các cấp Hội nông dân toàn quốc tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các cấp hội và hội viên. Hội cũng đã xây dựng mạng lưới truyền thông viên làm công tác môi trường.
* Sử dụng các hình thức văn nghệ quần chúng: Thi “Nhà nông đua tài”, “Làng vui chơi, làng ca hát”… , đưa nội dung môi trường vào các sáng tác và biểu diễn ca khúc, nghệ thuật tại các thôn làng.
* Xây dựng các mô hình cụ thể và tiến hành giáo dục, truyền thông trực tiếp tại địa bàn: Nhà tiêu hợp vệ sinh, giếng nước hợp vệ sinh, mô hình VAC, VACB, bếp đun cải tiến…
3. Những nội dung ưu tiên của GDTTMT ở nông thôn đồng bằng.
* Vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường: Mô hình cấp nước tập trung quy mô nhỏ, giếng nước hợp vệ sinh, sử dụng nước mưa, quản lý phân rác, quản lý hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y, quản lý dịch bệnh, quản lý môi trường làng nghề.
* Vệ sinh an toàn thực phẩm: 10 lời khuyên vàng dành cho người tiêu dùng, 10 lời khuyên vàng dành cho người sản xuất – kinh doanh thực phẩm (theo tài liệu của Cục vệ sinh an toàn thực phẩm – Bộ Y Tế).
* Tai biến môi trường: Lũ lụt, xói lở bờ sông các ổ dịch địa phương chưa được tiêu diệt: Giun chỉ, sốt xuất huyết, sán lá gan, dịch hạch…
* Giám sát vấn đề môi trường trong các chương trình dân số, văn hóa, xóa đói giảm nghèo, xóa mù chữ, thủy lợi…