Một số chỉ tiêu đánh giá khả năng sinh sản của dê

Một phần của tài liệu ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG SẢN XUẤT CỦA DÊ BEETAL THẾ HỆ THỨ 5 VÀ 6 NUÔI TẠI TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU DÊ VÀ THỎ SƠN (Trang 25 - 29)

3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận văn

1.3.1. Một số chỉ tiêu đánh giá khả năng sinh sản của dê

Để đánh giá khả năng sinh sản của dê cái, người ta thường dựa vào một số chỉ tiêu sau:

- Tuổi đẻ lứa đầu:

Tuổi đẻ lứa đầu là một chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật quan trọng, phản ánh thời gian đưa con vật vào khai thác sớm hay muộn. Nó được tính từ khi con

vật sinh ra đến ngày đẻ lứa đầu tiên. Tuổi đẻ lứa đầu chủ yếu phụ thuộc vào tuổi thành thục (cả về tính và về thể vóc), đồng thời còn phụ thuộc vào việc phát hiện động dục và kỹ thuật phối giống. Ngoài ra, nó còn liên quan đến điều kiện ngoại cảnh, di truyền, chế độ chăm sóc... Các tác giả theo dõi trên dê Ấn Độ là: dê Barbari: 398,6 ngày; dê Jumnapari: 581,3 ngày; dê Beetal: 556,4 ngày. Trong khi đó dê Ấn Độ nuôi ở Sông Bé lần lượt là: 415,6 ngày; 535,4 ngày; 547,1 ngày. Theo S.N Sing and P.S Sengar (1985) [36] cho biết, ở dê Beetal có tuổi đẻ lứa đầu là 675 ngày, dê Jumnapari là 735ngày, dê Black Bengan là 483 ngày. Đặng Xuân Biên (1979)[8] thông báo tuổi đẻ lứa đầu của

dê Cỏ Việt Nam là 300 ngày, Lê Văn Thông (2005)[25] cho là 336,4 ngày.

- Tuổi động dục lần đầu

Tuổi động dục lần đầu là khi đó dê cái đã thành thục chức năng sinh dục và xuất hiện sự ham muốn giao phối lần đầu. Tuổi động dục lần đầu được tính bằng ngày hoặc tháng tuổi. Theo Đinh Văn Bình (1998)[2] công bố, tuổi động dục lần đầu trên dê Ấn Độ lần lượt là: dê Barbari là 313,1 ngày; dê Jumnapari là 406,5 ngày và dê Beetal là 372,7 ngày. Lê Văn Thông (2005)[25] theo dõi ở Thanh Hóa cho biết, dê Cỏ có tuổi động dục lần đầu là 176,81 ngày, theo Mai Hữu Yên ở Thái Nguyên (1998)[26] là 198,3 ngày. Trong chăn nuôi, khi dê cái động dục lần đầu nên bỏ qua 1 chu kì động dục đầu tiên, tốt nhất cho dê cái phối ở 2-3 chu kì động dục sau để đảm bảo sức khỏe cho dê cái và đời con của chúng.

- Tuổi phối giống lần đầu

Chỉ tiêu này chủ yếu do người chăn nuôi quyết định. Mặc dù dê hậu bị có tuổi động dục lần đầu sớm là 5-7 tháng nhưng đến 7- 8 tháng tuổi mới cho phối giống, khi đó dê đạt khoảng 70% khối lượng trưởng thành. Theo tác giả Đinh Văn Bình (1998)[2] cho biết, tuổi phối giống lần đầu trên dê Ấn Độ như sau: dê Barbari là 246,5 ngày; dê Jumnapari là 415,3 ngày và dê Beeltal là

401,3 ngày. Còn ở dê Bách Thảo là 202,81 ngày (từ 165-255 ngày): vào khoảng 7-8 tháng tuổi, Đinh Văn Bình (1994)[1]. Theo dõi trên dê Cỏ, Lê Văn Thông (2005)[25] thông báo, dê Cỏ có tuổi phối giống lần đầu là 186,26 ngày, Đinh Văn Bình và Nguyễn Duy Lý (2003)[6] cho biết, dê Cỏ có tuổi phối giống lần đầu là 140-200 ngày. Trong thực tế sản xuất thường bỏ qua 1-2 lần động dục đầu tiên sau đó mới phối giống.

- Chu kì động dục

Chu kì động dục là thời gian hoạt động sinh dục xuất hiện một cách đều đặn và có tính chu kì. Chu kì động dục của dê khoảng 19-21 ngày, động dục kéo dài 1-3 ngày. Khi động dục, âm hộ hơi sưng đỏ hồng, chẩy dịch nhờn, kêu la, bỏ ăn, nhảy lên lưng con khác, nếu dê đang tiết sữa thì giảm đột ngột. Cho dê giao phối sau 16-38 giờ phát hiện động dục là tốt nhất. Trong thực tế chăn nuôi, nếu phát hiện động dục ngày hôm nay thì ngày hôm sau cho phối 2 lần sáng, chiều là phù hợp. Các tác giả theo dõi trên dê Ấn Độ thấy chu kì động dục như sau: dê Barbari: 26,2 ngày; dê Jumnapari 27,29 ngày; dê Beeltal là 18,03 ngày. Lê Văn Thông (2005)[25] cho biết, dê Cỏ có chu kì động dục là 22,35 ngày, còn Mai Hữu Yên (1998)[26] cho là 20,35 ngày, còn Đặng Xuân Biên (1979)[8] là 17-19 ngày. Tại Ấn Độ, theo S.N.Sing and P.S Sengar (1985)[36] cho biết dê Barbari có chu kỳ động dục là 17,1 - 49,2 ngày; dê Beetal là 16,9- 41,2 ngày, dê Jumnapari là 19,0 - 49,7 ngày, dê Black bengan là 17,8 - 46,2 ngày.

- Khoảng cách lứa đẻ:

Khoảng cách lứa đẻ là khoảng thời gian giữa lần đẻ trước và lần đẻ tiếp sau, đây cũng là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá khả năng sinh sản của dê cái. Khoảng cách lứa đẻ phụ thuộc vào các yếu tố như: giống, thức ăn, dinh dưỡng, chế độ chăm sóc… Khoảng cách lứa đẻ chủ yếu là do thời gian có chửa lại sau khi đẻ quyết định, bởi vì độ dài thời gian mang thai

là một hằng số sinh lý và không thể rút ngắn được. Tuy nhiên trong thực tế, khoảng cách lứa đẻ thường kéo dài hơn do nhiều nguyên nhân. Đặng Xuân Biên (1979)[8] cho biết, dê Cỏ có khoảng cách giữa 2 lứa đẻ là 270 ngày, Chu Đình Khu (1996)[11] cho là 275,6 ngày. Nguyễn Thị Mai (2002)[18] thông báo, dê Bách Thảo nuôi tại Ninh Thuận có khoảng cách giữa hai lứa đẻ là 180 - 210 ngày. Đối với các giống dê Ấn Độ nuôi tại Việt Nam, các tác giả đã thu được kết quả là: dê Barbari: 225 ngày; dê Jumnapari: 312 ngày và dê Beetal là 282 ngày.

- Thời gian có chửa lại sau khi đẻ:

Muốn rút ngắn khoảng cách lứa đẻ cần phải tuân thủ và áp dụng những quy trình chăn nuôi hợp lý hoặc phải tác động để rút ngắn giai đoạn từ khi đẻ đến khi phối giống có chửa xuống, tốt nhất là 3 tháng. Thời gian này phụ thuộc vào gia súc động dục lại sau đẻ, khả năng phát hiện động dục, phối giống lại, cũng như khả năng thụ thai.

- Thời gian động lại sau khi đẻ:

Thời gian động dục lại sau khi đẻ là khoảng thời gian gia súc cái động dục lại sau đẻ. Khoảng thời gian động dục lại của dê phụ thuộc vào quá trình hồi phục của cơ quan sinh dục, đặc biệt là buồng trứng. Những dê cái được nuôi dưỡng kém trước và sau khi đẻ hay đang cho con bú thường động dục trở lại muộn hơn.

- Tỷ lệ thụ thai:

Tỷ lệ thụ thai một mặt phụ thuộc vào bản thân con vật, nhất là sự hồi phục của đường sinh dục và hoạt động chu kỳ sau khi đẻ. Mặt khác, còn phụ thuộc vào kỹ thuật thụ tinh nhân tạo. Cùng với việc động dục trở lại sớm, tỷ lệ phối giống thụ thai cao góp phần rút ngắn thời gian có chửa lại sau đẻ và khoảng cách lứa đẻ.

- Thời gian mang thai:

Thời gian mang thai là thời gian tính từ lúc gia súc cái thụ thai đến khi đẻ. Theo Đặng Xuân Biên (1979)[8] cho biết, thời gian mang thai trung bình của dê là 146-156 ngày. Đinh Văn Bình và cộng sự (1998)[2] theo dõi trên dê Ấn Độ thấy dê Barbari là 148,1 ngày (ở Ấn Độ là 146 ngày), Jumnapari là 149,61 ngày (ở Ấn Độ là 149 ngày), dê Beetal là 148,1 ngày (ở Ấn Độ là 148 ngày). Tại Ấn Độ, theo S.N Sing and P.S Sengar (1985)[36] cho biết: dê Jumnapari là 149 ngày, dê Beetal là 148 ngày, dê Barbari là 146 ngày.

- Số con sơ sinh trên lứa:

Đây là chỉ tiêu cho biết số dê con sơ sinh đẻ ra trong một lứa đẻ của dê mẹ. Tác giả Lê Văn Thông (2005)[25] theo dõi ở Thanh Hóa cho biết dê Cỏ đẻ 1,61 con/ lứa, Mai Hữu Yên (1998)[26] là 1,52 con/ lứa, Từ Quang Hiển là 1,58 con/ lứa. Đinh Văn Bình (1998)[2] cho biết, trên dê Ấn Độ: dê Barbari: 1,45 con/lứa; dê Jumnapari: 1,36 con/ lứa; dê Beetal: 1,3 con/ lứa.

- Số con sơ sinh/ cái/năm:

Là số con sơ sinh được sinh ra trong một năm của một dê cái. Chỉ tiêu này phản ánh số dê con đẻ ra hàng năm của dê mẹ. Theo nghiên cứu của một số tác giả cho biết chỉ tiêu này ở dê Cỏ là 1,97 con/ cái/ năm, dê Bách Thảo là 3,07 con/cái/năm (Đinh Văn Bình, 1994)[1]).

- Số lứa/cái/năm:

Chỉ tiêu này xác định số lứa đẻ của một dê cái trong một năm. Các giống dê khác nhau thì số lứa đẻ cũng khác nhau trong một năm. Dê Jumnapari là 1,3 lứa/năm, dê Barbari là 1,4 lứa/năm.

Một phần của tài liệu ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG SẢN XUẤT CỦA DÊ BEETAL THẾ HỆ THỨ 5 VÀ 6 NUÔI TẠI TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU DÊ VÀ THỎ SƠN (Trang 25 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)