Không giống như trước kia các ngân hàng chỉ việc ngồi một chỗ và người cần giao dịch với ngân hàng tự phải tìm đến. Hiện nay tình hình đã khác, cạnh tranh trong ngành Ngân hàng trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Do vậy việc tìm thế mạnh từ chất lượng hoạt động là vấn đề quan tâm của hầu hết các ngân hàng. Xây dựng được chính sách marketing đúng đắn và hiệu quả là cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngân hàng.
- Thành lập bộ phận nghiên cứu thị trường: hiện nay tại chi nhánh vẫn
chưa có bộ phận nghiên cứu thị trường riêng mà nhiệm vụ này hiện đang do phòng khách hàng đảm nhận nên hiệu quả chưa cao. Ngân hàng là một doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực tiền tệ nên một trong những mục tiêu quan trọng của ngân hàng là mở rộng thị phần để từ đó tăng thu nhập. Do đó, thành lập một bộ phận nghiên cứu thị trường để tiếp cận tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Bộ phận này không chỉ nghiên cứu thị trường của ngân hàng mà còn nghiên cứu thị trường của khách hàng. Nghiên cứu thị trường của ngân hàng tức là nghiên cứu các nhu cầu vay vốn của khách hàng, khả năng đáp ứng nhu cầu này. Đồng thời, cần phải nghiên cứu xem đối với các sản phẩm cùng loại thì các đối thủ cạnh tranh trên cùng địa bàn đáp ứng nhu cầu của khách hàng như thế nào. Họ có ưu, nhược điểm gì để từ đó cải tiến sản phẩm của mình. Hơn nữa, DNV&N trên địa bàn hoạt động trong nhiều lĩnh vực do vậy cần phải xem xét loại cho vay nào là hiệu quả nhất đối với ngân hàng và phục vụ tốt nhất cho khách hàng. Còn nghiên cứu thị trường của khách hàng chính là một phần trong việc xem xét tính khả thi của phương án cho vay. Vì nguồn trả nợ cho ngân hàng chính là từ phương án sản xuất hiệu quả. Nếu sản phẩm của doanh nghiệp đang được thị trường chấp nhận do có những ưu thế về giá cả, chất lượng thì khả năng thành công của doanh nghiệp cao như vậy khoản cho vay sẽ an toàn. Công việc này còn thực sự cần thiết
bởi DNV&N khả năng tự chủ về tài chính kém hơn nữa sản phẩm sản xuất mang tính chất thời vụ do vậy nếu ngân hàng không xem xét kĩ thị trường thực tế của doanh nghiệp mà chỉ xem xét dự án trên giấy tờ thì rủi ro là rất lớn. Việc nghiên cứu thị trường sẽ giúp cho ngân hàng đánh giá đúng vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường cũng như khả năng hoàn trả vốn và lãi đúng hạn.
- Xây dựng chiến lược khách hàng đúng đắn: Vai trò và vị thế của
DNV&N ngày càng được khẳng định là rất quan trọng trong nền kinh tế. Trong vài năm gần đây thực hiện đúng chủ trương của NHCT Việt Nam cũng như xuất phát từ tình hình thực tế, chi nhánh đã tiến hành phân loại và sàng lọc khách hàng. Chi nhánh đã xác định nhóm khách hàng mục tiêu là các làng nghề, các DNV&N và tập trung cho vay ngắn hạn với các đối tượng khách hàng này. Với những nỗ lực không ngừng thì trong thời gian qua chi nhánh đã bước đầu được đánh giá là ngân hàng tốt nhất trong việc phục vụ các DNV&N ở địa phương. Xác định khách hàng mục tiêu là DNV&N, đây cũng là đối tượng được các ngân hàng trên cùng địa bàn hướng tới nên mức độ cạnh tranh tương đối gay gắt nên chi nhánh cần phải không ngừng nâng cao uy tín, nâng cao vị thế của mình đối với các DNV&N. Cần phải xây dựng một hình ảnh của một ngân hàng luôn hết lòng vì sự thành công của khách hàng.
Chi nhánh cần tiến hành phân loại khách hàng DNV&N, lựa chọn những khách hàng có quan hệ lâu dài, có uy tín để áp dụng các hình thức cho vay đảm bảo thuận tiện cho khách hàng cũng như nên có những ưu đãi về lãi suất và phí dịch vụ. Đồng thời tránh sự phân biệt giữa doanh nghiệp lớn và DNV&N cũng như doanh nghiệp Nhà nước và khối ngoài quốc doanh. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn về tình hình tài chính nhất định, ngân hàng nên cùng doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc như vậy dù có khó khăn về tài chính họ vẫn nỗ lực để trả nợ cho ngân hàng. Hơn nữa ngân hàng cũng cần cho các
DNV&N vay dài hạn khi họ mới bắt đầu sản xuất bởi có đầu tư dài hạn thì mới có đầu tư ngắn hạn. Đảm bảo tốt những yêu cầu trên chắc chắn chất lượng tín dụng sẽ nâng cao.