1. Những thuận lợi căn bản
- Tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định và phát triển. Đặc biệt, những thành tựu to lớn và rất quan trọng của 15 năm đổi mới đã làm cho thế và lực của ta mạnh lên, cơ sở vật chất, kỹ thuật của nền kinh tế được tăng cường. Sự phát triển của nền kinh tế trong môi trường chính trị – xã hội cơ bản ổn định, môi trường hợp tác, liên kết quốc tế có nhiều thuận lợi cùng với những tiềm năng lớn về tài nguyên, lao động của đất nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát huy nội lực và lợi thế so sánh, tranh thủ các nguồn ngoại lực, trong đó có đầu tư nước ngoài để phục vụ cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.
- Môi trường kinh doanh nói chung và môi trường đầu tư nói riêng không ngừng được cải thiện, công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm và dần đi vào nề nếp, đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài ngày một trưởng thành.
- Xu hướng toàn cầu hóa nền kinh tế đang gia tăng mạnh cùng sự phát triển nhảy vọt của cách mạng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin đã thúc đẩy sự hình thành nền kinh tế trí thức, tạo nên sự dịch chuyển mạnh cơ cấu kinh tế quốc tế và gia tăng các dòng chuyển tiền trên thế giới. Mặt khác, kinh tế thế giới đã phục hồi và tăng trưởng trở lại. Thời gian tới, Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động của thế giới. Trong bối cảnh đó, nước ta cũng có những cơ hội thuận lợi để tăng cường thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
2. Những khó khăn và thách thức
- Nền kinh tế phát triển chưa vững chắc, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế 5 năm qua chậm dần. Năm 2002 có chiều hướng tăng lên nhưng chưa đạt mức tăng trưởng cao như 5 năm đầu thập niên 90. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển chậm, tích lũy nội bộ nền kinh tế còn thấp, các cân đối vĩ mô còn thiếu vững chắc.
- Môi trường kinh doanh, đầu tư còn nhiều hạn chế, nhu cầu thị trường tăng chậm, dung lượng thị trường nhỏ và sứ mua trong nước còn rất thấp. Trong khi cung về nhiều sản phẩm trước mắt đã bão hòa; hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn nhiều thiếu thốn, các yếu tố thị trường chưa được xác lập đầy đủ. Quản lý nhà nước về Đầu tư nước ngoài còn bất cập, đặc biệt là thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà, tình trạng chấp hành chưa nghiêm luật pháp chính sách, hiện tượng tham nhũng chưa bị chặn đứng.
- Cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên thế giới trên thế giới và trong khu vực diễn ra ngày càng gay gắt. Hiện nay, ba phần tư vốn đầu tư nước ngoài trên thế giới là đầu tư lẫn nhau giữa các nước công nghiệp phát triển do sự tăng cường liên kết giữa các công ty đa quốc gia của Mỹ, Nhật, Tây Âu. Một phần tư số vốn đầu tư còn lại chảy vào các nước đang phát triển, nhưng chủ yếu bị thu hút vào các nước công nghiệp mới (NICs) hoặc vào các thị trường đầu tư lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazin, Mêhicô… Trong bối cảnh đó, các nước đang phát triển, nhất là các nước trong khu vực như Trung Quốc, ASEAN đã và đang cải thiện mạnh môi trường thu hút ĐTNN nhằm vượt lên trên các nước khác, coi đó là giải pháp chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế. Chính điều này tạo nên sức cạnh tranh mạnh và là thách thức to lớn đối với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hiện nay môi trường đầu tư tại Việt Nam so với chung quanh đang bị đánh giá là mất dần tính cạnh tranh và độ rủi ro trong kinh doanh là cao hơn các nước trong khu vực.