Hiệu quả hoạt động TTQT là 1 phạm trù hiệu quả kinh tế, phản ánh chất lượng kinh doanh. Vì vậy, để đánh giá hiệu quả hoạt động, có thể đưa
ra hai nhóm : Nhóm chỉ tiêu đánh giá định lượng và Nhóm chỉ tiêu đánh giá định tính.
1.2.1.1 Các chỉ tiêu đánh giá định lượng
- Doanh thu, chi phí, lợi nhuận thu được từ hoạt động TTQT
Ngân hàng là tổ chức kinh tế, hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận. Vì vậy, lợi nhuận là chỉ tiêu quan trọng nhất để đánh giá và phản ánh hiệu quả hoạt động TTQT.
Doanh thu từ hoạt động TTQT là số tiền thực tế ngân hàng thu được từ hoạt động TTQT, bằng tổng phí thu được: phí thông báo L/C, phí mở L/C, phí sửa đổi L/C...
Chi phí cho hoạt động TTQT là tất cả chi phí mà ngân hàng phải bỏ ra để phục vụ, phát triển hoạt động TTQT: chi phí điện SWIFT, chi phí trang thiết bị, chi phí nhân viên thanh toán.
Lợi nhuận thu được từ hoạt động TTQT là phần ngân hàng thu được sau khi đã trừ đi các khoản chi phí cho hoạt động này
LN thu được từ TTQT = DT thu từ TTQT – CP từ TTQT
Chỉ tiêu lợi nhuận thu được từ hoạt động TTQT phản ánh phần giá trị thặng dư hay mức hiệu quả kinh doanh mà ngân hàng thu được từ hoạt động TTQT. Tất cả mọi chủ trương, biện pháp của ngân hàng đều vì một mục tiêu cuối cùng là lợi nhuận thu được.
- Doanh số TTQT
Là tổng giá trị các khoản thanh toán quốc tế.
Doanh số TTQT = Doanh số thanh toán NK + Doanh số thanh toán XK DSTT XK : Doanh số báo có hàng XK từ nghiệp vụ TTQT
Chỉ tiêu này cho thấy khả năng hoạt động TTQT của ngân hàng. Doanh số thanh toán cao chứng tỏ các nghiệp vụ nhiều và giá trị món thanh toán cao, do đó thấy khách hàng tin tưởng ngân hàng và ngân hàng thu hút được nhiều khách hàng. Doanh số TTQT cũng là chỉ tiêu để ngân hàng thu phí thanh toán. Ví dụ như phí thanh toán theo L/C được áp dụng theo % số tiền thanh toán L/C. Mà mục tiêu của ngân hàng là lợi nhuận thu được. Vì vậy, bất cứ ngân hàng nào cũng cố gắng tăng doanh số TTQT ngày càng cao , để từ đó thu được doanh thu từ hoạt động này càng nhiều.
- Số món thanh toán quốc tế qua ngân hàng
Một trong những mục tiêu của ngân hàng là có được doanh số thanh toán quốc tế ngày càng cao. Để đạt được điều đó, ngân hàng phải đảm bảo số món thanh toán tăng và giá trị món thanh toán cao. Giá trị món thanh toán phụ thuộc vào hợp đồng mua bán. Vì vậy, ngân hàng cần tăng được số món thanh toán quốc tế qua ngân hàng. Số món thanh toán qua ngân hàng tăng phản ánh khách hàng ngày càng tin tưởng vào ngân hàng, và tìm đến với ngân hàng nhiều hơn.
- Mạng lưới ngân hàng đại lý được mở rộng
Để hoạt động TTQT, có hiệu quả, tránh rủi ro và có thông tin về đối tác của khách hàng một cách chính xác nhất, các ngân hàng phải có một hệ thống ngân hàng đại lý phát triển với số lượng lớn, rộng khắp; có mối quan hệ với nhiều quốc gia, châu lục trên thế giới. Với mạng lưới ngân hàng đại lý rộng, ngân hàng có thể dễ dàng đảm bảo mọi nhu cầu thanh toán quốc tế cho khách hàng ở bất cứ quốc gia, khu vực nào. Mặt khác, ngân hàng có thể có được thông tin chính xác và nhanh nhất về tình hình tài chính của đối tác khách hàng, tránh được những rủi ro có thể xảy ra.
- Chi phí rủi ro phát sinh mà ngân hàng phải bồi thường
Trong quá trình TTQT, ngân hàng có thể gặp các rủi ro phát sinh như: nhà nhập khẩu không thanh toán hoặc từ chối thanh toán, hay không đủ khả năng thanh toán cho ngân hàng.... Khi rủi ro này phát sinh sẽ làm tăng chi phí trong hoạt động TTQT của ngân hàng, khi đó lợi nhuận từ hoạt động này của ngân hàng giảm.
Vì vậy, trong hoạt động TTQT để đảm bảo có hiệu quả, ngân hàng cần thận trọng và tránh những rủi ro có thể xảy ra. Ngân hàng cần thực hiện tốt việc đánh giá, thẩm định khả năng tài chính của khách hàng, kiểm tra chứng từ, hồ sơ thanh toán đầy đủ.
1.2.1.2 Các chỉ tiêu đánh giá định tính
- Việc tăng cường và củng cố nguồn vốn ngoại tệ cho ngân hàng.
Đối với chỉ tiêu này cần đề cập đến mối quan hệ lượng hoá giữa doanh số TTQT với số dư tiền gửi ngoại tệ tại ngân hàng, hay doanh số TTQT và số dư tiền gửi ngoại tệ của các tổ chức kinh tế là như thế nào. Khi thực hiện nghiệp vụ TTQT, mọi nguồn thu ngoại tệ từ nước ngoài hoặc chi ngoại tệ để thanh toán cho nước ngoài, các NHTM đều phải thực hiện thông qua tài khoản NOSTRO – tài khoản tiền gửi ngoại tệ của mình tại nước ngoài. Hoạt động TTQT càng phát triển thì doanh số giao dịch qua tài khoản NOSTRO này sẽ ngày càng nhiều. Đặc biệt, khi doanh số thanh toán hàng xuất khẩu càng cao thì nguồn vốn ngoại tệ thu về trên tài khoản NOSTRO sẽ càng lớn và số dư tiền gửi ngoại tệ của NHTM tại nước ngoài sẽ càng cao. Đây chính là hiệu quả mà hoạt động TTQT đã mang lại cho hoạt động kinh doanh ngân hàng.
- Số vụ tranh chấp trong thanh toán quốc tế
Trong thanh toán quốc tế cũng có thể xảy ra những tranh chấp, gây đến rủi ro cho ngân hàng, dẫn đến doanh thu từ hoạt động này giảm. Mặt khác,
những vụ tranh chấp đó còn làm giảm uy tín của ngân hàng. Vì vậy, số vụ tranh chấp trong thanh toán quốc tế cũng phản ánh chất lượng và hiệu quả thanh toán quốc tế của ngân hàng.
- Thương hiệu của ngân hàng
Thương hiệu của ngân hàng ngày càng được nhiều người biết đến, khách hàng ngày càng tăng một cách ổn định hay sự hài lòng của khách hàng đối với ngân hàng.
Các khách hàng truyền thống, khách hàng cũ vẫn đến giao dịch với ngân hàng. Đồng thời, không ngừng gia tăng được khách hàng mới, khách hàng tiềm năng. Chính sự hài lòng, sự thoả mãn về tiện ích, chất lượng, thái độ giao dịch, tính an toàn ...của sản phẩm, dịch vụ mà ngân hàng cung ứng cho khách hàng tạo nên mối quan hê hiệu quả với khách hàng. Đó cũng là hiệu quả của việc quảng bá hình ảnh của ngân hàng, làm cho nhiều người ngày càng biết đến thương hiệu của ngân hàng, đến giao dịch với ngân hàng.
- Chất lượng tín dụng xuất nhập khẩu của NHTM
Hiệu quả hoạt động TTQT được đánh giá thông qua việc nâng cao chất lượng tín dụng xuất nhập khẩu của NHTM. Khi ngân hàng cho doanh nghiệp vay tiền để mua hàng xuất khẩu, hoặc cho vay trên cơ sở đảm bảo bộ chứng từ xuất khẩu theo L/C, ngân hàng sẽ thu lãi trên khoản vốn đã cho vay này. Hoạt động TTQT càng phát triển thì các khoản tín dụng này sẽ càng nhiều và ngân hàng sẽ càng thu được nhiều lãi và phí dịch vụ từ những hoạt động cho vay này. Ngoài ra, ngân hàng cần tăng cường và hỗ trợ nghiệp vụ tài trợ xuất nhập khẩu. Đối với chỉ tiêu này cần đề cập đến mối quan hệ lượng hóa giữa doanh số TTQT với doanh số tài trợ xuất nhập khẩu qua các thời kỳ.