2.2.1.1. Nguồn vốn trung dài hạn
Một trong những thế mạnh của NHNT VN là tiềm lực vốn rất mạnh. Với tổng nguồn vốn huy động là 171862 tỷ quy đồng, NHNT hiện nay đang là Ngân hàng Việt Nam có tổng nguồn vốn lớn nhất. Tuy nhiên để tiến hành cấp tín dụng trung dài hạn thì NHNT không thể dùng và cũng không được phép dùng toàn bộ nguồn vốn huy động được bao gồm nguồn vốn huy động ngắn hạn và nguồn vốn huy động trung dài hạn để cho vay trung dài hạn. Theo quyết định 457/2005/QĐ-NHNN nguồn dùng để cho vay trung dài hạn ngoài nguồn huy động trung dài hạn thì chỉ được dùng 40% nguồn huy động ngắn hạn, do đó nguồn chính dùng để cho vay trung dài hạn là nguồn huy động trung dài hạn. Trong khi đó với những điều kiện hiện nay ở nước ta thì nguồn vốn huy động trung dài hạn chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng nguồn vốn huy động, đây là một khó khăn đối với bất kỳ một Ngân hàng nào cũng như NHNT VN.
Bảng 03: Cơ cấu nguồn vốn theo kỳ hạn năm 2006 của NHNT VN
Đơn vị: tỷ đồng Nội dung
12/2005 12/2006 Tăng giảm
Số tiền Tỷ lệ(%) Số tiền Tỷ lệ(%) Số tiền Tỷ lệ(%)
Vốn huy động 139 385 100 171 862 100 32 477 23,3
Không kỳ hạn 74 306 53,3 88 165 51,3 13 859 18,7 kỳ hạn < 12 tháng 35 793 25,7 43 522 25,3 7 729 21,6 Kỳ hạn > 12 tháng 29 285 21,0 40 174 23,4 10 889 37,2
Nguồn: Báo cáo tổng kết kinh doanh năm 2006 của NHNT VN
Nhìn vào bảng trên ta thấy trong năm 2006 nguồn vốn có kỳ hạn trên 12 tháng đã được cải thiện đáng kể so với năm 2005. Nguồn vốn trung dài hạn đạt 40174 tỷ đồng, chiếm 23,4% tổng vốn huy động, tăng 37,2% so với
năm 2005 trong khi tốc độ tăng của vốn huy động chỉ đạt 23,3%. Đây là thành tích rất lớn của NHNT VN. Tuy nhiên, do cơ cấu vốn của NHNT có tới 54% là ngoại tệ nên số vốn tiền đồng có thời hạn trên 12 tháng thực tế cũng không nhiều.
Nguồn lực về vốn trung dài hạn bằng VND khá mỏng đã hạn chế khả năng mở rộng tín dụng bằng VND của NHNT, nguồn vốn trung dài hạn bằng ngoại tệ tương đối dồi dào nhưng việc mở rộng tín dụng bằng ngoại tệ cũng đang gặp khó khăn khi ngoại tệ liên tục tăng giá như thời gian qua.
2.2.1.2. Hoạt động cho vay trung dài hạn
Trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế đất nước đang trong giai đoạn mở cửa thì nhu cầu vốn cho nền kinh tế là rất lớn, đặc biệt là nhu cầu vốn trung dài hạn cho các dự án. Đứng trước bối cảnh đó, NHNT đã triển khai chiến lược phát triển đến năm 2010, trong đó một trong những mục tiêu phấn đấu là tăng tỷ trọng dư nợ tín dụng trung dài hạn trong tổng dư nợ. Cho đến nay, hoạt động cho vay trung dài hạn ngày càng phát triển ở NHNT, có thể thấy qua biều đồ sau:
Biểu đồ 02: Tốc độ tăng trưởng tín dụng trung dài hạn của NHNT VN trong những năm gần đây
Nguồn: Báo cáo thường niên các năm 2003-2006
Trong những năm qua dư nợ tín dụng trung dài hạn tại NHNT liên tục tăng với kết quả rất khả quan, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng. Đây chính là kết quả của một thời gian dài nỗ lực tập trung triển khai chương trình đầu tư các dự án lớn, các dự án trọng điểm quốc gia trong các lĩnh vực điện lực, vận tải biển.... Tình hình tín dụng trung dài hạn ngày 31/12/2006 được thể hiện thông qua bảng sau:
Bảng 04: Tình hình dư nợ tín dụng trung dài hạn tại NHNT năm 2006
Đơn vị: tỷ đồng
Số tiền Tỷ lệ(%) Số tiền Tỷ lệ(%) Số tiền Tỷ lệ(%) Tổng dư nợ TDH 22 274 100 25 459 100 3 185 14,3
VND 10 763 48,32 11 635 45,7 872 8,1
Ngoại tệ (quy VND) 11 511 51,68 13 824 54,3 2 313 20,09
Nguồn: Báo cáo tổng kết kinh doanh năm 2006 của NHNT NHNT VN
Trong năm 2006 vừa qua, dư nợ tín dụng trung dài hạn đã tăng 3185 tỷ đổng, với tỷ lệ 14,3%, tăng mạnh hơn so với tốc độ tăng tổng dư nợ tín dụng (11,3%), Nếu như đối với cho vay vốn ngắn hạn, dư nợ VND chiếm tỷ trọng chủ yếu (chiếm 70,68% so với tổng dư nợ ngắn hạn) thì trong cho vay trung dài hạn, dư nợ ngoại tệ thường chiếm tỷ trọng lớn hơn.
Cơ cấu khách hàng và cơ cấu lĩnh vực đầu tư trung dài hạn tại NHNT năm 2006 có xu hướng giảm tỷ trọng cho vay đối với các tổ chức quốc doanh, tăng tỷ trọng cho vay đối với các tổ chức ngoài quốc doanh, mở rộng cho vay đối với các ngành kinh tế mũi nhọn, mặt hàng có thị trường tiêu thụ ổn định, cho vay thận trọng đối với các mặt hàng có nhiều biến động về thị trường, giá cả. Cơ cấu tín dụng phân theo loại hình doanh nghiệp và phân theo ngành kinh tế năm 2006 như sau:
Bảng 05: Cơ cấu tín dụng theo loại hình doanh nghiệp và lĩnh vực đầu tư
Đơn vị: tỷ đồng Chỉ tiêu Số tiềnNăm 2006Tỷ lệ (%) Tổng dư nợ trung dài hạn
*Phân theo loại hình DN
Quốc doanh
Ngoài quốc doanh
*Phân theo ngành kinh tế
Thương nghiệp
Công nghiệp chế biến Xây dựng
Nông lâm nghiệp Các ngành khác 25 459 13 671 11 788 9 624 8 045 2 775 1 426 3 590 100 53,7 46,3 37,8 31,6 10,9 5,6 14,1
Nguồn: Báo cáo tổng kết kinh doanh năm 2006 của NHNT
Xét về cơ cấu khách hàng, một trong những ưu thế của NHNT là có đội ngũ khách hàng khá tốt so với các Ngân hàng khác. Nhìn chung hiện nay trên những địa bàn có NHNT hoạt động thì các khách hàng tốt đều có giao dịch với chi nhánh NHNT cơ sở. Tuy nhiên, hoạt động tín dụng trung dài hạn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro do cơ cấu khách hàng còn tập trung, cụ thể là:
Tỷ trọng cho vay trung dài hạn đối với khách hàng là các tổ chức kinh tế quốc doanh đã giảm hơn so những năm trước (năm 2005 là 61%), tuy nhiên vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ (53,7%). NHNT đang tập trung cho vay các công ty lớn như công ty bưu chính viễn thông, tổng công ty điện lực,... Các khách hàng này chiếm phần lớn dư nợ trung dài hạn của NHNT: Công ty xi măng Hà Tiên II 372 tỷ đồng, Công ty xi măng Chinfon 50 triệu USD, Tổng công ty dầu khí Việt Nam 300 triệu USD, Tổng công ty điện lực Việt Nam 794,8 tỷ đồng… Các công ty này là những khách hàng tốt và hiện đang là đối tượng chào mời của các NHTM khác. Tuy nhiên, sự tập trung thái quá sẽ không an toàn. NHNT thời gian qua cũng tiếp tục mở rộng giao dịch với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh với tỷ trọng 46,3% trong tổng dư nợ, đây là một con số đáng khích lệ.
Xét theo mặt hàng và lĩnh vực đầu tư, hoạt động tín dụng trung dài hạn tập trung chủ yếu vào thương nghiệp (37,8%), công nghiệp chế biến (31,6%), xây dựng 10,6%… Nhận thức được đội ngũ khách hàng của NHNT chủ yếu là các doanh nghiệp lớn và luôn chịu áp lực bị chia sẻ bởi sự cạnh tranh tất yếu từ phía các NHTM khác do sự phát triển của hệ thống TCTD, Ban lãnh đạo NHNT đã nhấn mạnh nhiệm vụ đa dạng hoá lĩnh vực đầu tư, tuy nhiên việc triển khai còn chậm, thiếu giải pháp, biện pháp mạnh mẽ quyết liệt, chủ yếu còn tập trung một số ngành hàng như: thuỷ sản, gạo, than, cà phê, dầu khí, viễn thông, điện lực… NHNT cũng đã ký những hợp đồng cung cấp tín dụng cho các dự án với giá trị lớn và thời gian dài lên tới 30-40 năm như các hợp đồng cung cấp tín dụng cho dự án Thuỷ điện Pleikrong 444,8 tỷ đồng, dự án lọc dầu Dung Quất với trị giá 300 triệu USD, xuất khẩu thuỷ hải sản khoảng 600 tỷ, xuất khẩu gạo 300 tỷ… Một danh mục tập trung như vậy luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho NHNT nhất là các mặt hàng xuất khẩu của chúng ta có chỗ đứng chưa thật vững chắc, giá cả còn phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế và thị trường thế giới.
Nhìn chung hoạt động tín dụng trung dài hạn chưa trở thành thế mạnh của NHNT VN chưa tương xứng với tiềm lực về vốn và uy tín của NHNT VN trên thương trường. Tuy nhiên chất lượng tín dụng trong những năm qua đã có nhiều cải thiện so với trước, đó là nhờ vào những nỗ lực của NHNT trong thời gian qua. Song để tương xứng hơn với tiềm lực về vốn của NHNT thì NHNT trong thời gian tới cần có nhiều biện pháp mạnh mẽ và tích cực hơn nữa.