Đất nước vẫn đang trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế do vậy mà các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực siêu thị ở nước ta nói riêng trong đó có Công ty Siêu thị Hà Nội vẫn còn tồn tại những điểm yếu thường thấy ở các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam. Đó là:
Vốn:
Đây là một điều kiện quan trọng nhất để tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi một doanh nghiệp. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp thương mại, nguồn vốn lưu động có vai trò hết sức quan trọng, nó chiếm một tỷ trọng lớn nhất trong vốn kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là một điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ riêng Công ty Siêu thị Hà Nội nếu so sánh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Các doanh nghiệp nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh mẽ là một thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Qua một vài năm kinh doanh tại Việt Nam, 2 tập đoàn bán lẻ nước ngoài với 2 siêu thị mang thương hiệu Metro và Big C đã là một minh chứng cụ thể cho điều đó.
Họ với tiềm lực tài chính dồi dào không bao giờ nhìn thị trường ngắn hạn mà họ tính đến “ hái quả” ở những năm sau. Metro và Big C bước đầu khi kinh doanh tại Việt Nam, họ sẵn sàng đầu tư cho một hệ thống hậu cần chuyên nghiệp và chịu lỗ trong một thời gian để xâm chiếm thị trường.
Hậu cần (logistics):
Kinh doanh siêu thị hiện đại đòi hỏi một hệ thống hậu cần chuyên nghiệp. Các siêu thị có vốn kinh doanh của nước ngoài hiện nay rất chú trọng đến công tác này trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam lại chỉ đơn giản nghĩ rằng chỉ cần có các nhà cung cấp, trung tâm phân phối đển cung ứng đủ hàng hoá cho họ. Điều đó đã vô hình chung các doanh nghiệp Việt Nam đã tự gây ra mối ràng buộc với các nhà cung cấp. Sự thiếu đủ của hàng hoá không do doanh nghiệp quyết định mà là do tiến độ cung ứng nhanh hay chậm của các nhà cung cấp, trung tâm phân phối quyết định và do đó thời cơ, cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam đã bị chính họ đánh mất. Hàng năm, Metro đã chi gần 20-25 triệu Euro trang bị hệ thống cung ứng hàng ( kho lạnh, xe chuyên dụng, thiết bị kiểm tra, bảo quản hàng hoá,...) theo tiêu chuẩn của Metro toàn cầu và chị gần 800.000 Euro cho công tác huấn luyện. Trong khi đó, ở Việt Nam cứ đến những ngày Lễ, Tết mối quan tâm hàng đầu của các Giám đốc siêu thị tại Việt Nam là các trung tâm phân phối, các nhà cung cấp đã giao đủ hàng hoá cho siêu thị của mình hay chưa. Do vậy mà trong những dịp này người tiêu dùng trong nước luôn có tâm lý “phải mua nhanh không hết hàng”. Là một chuỗi hệ thống bán lẻ, Hapro Mart vẫn xảy ra tình trạng thiếu hàng hoá trong những dịp lượng tiêu thụ tăng mạnh trong năm đặc biệt là dịp Tết Nguyên Đán. Công ty Siêu thị Hà Nội đang từng bước khắc phục tình trạng này,hiện tại Công ty cũng đã trang bị được một hệ thống xe trong đó có xe lạnh chuyên dùng để cung cấp thực phẩm cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích. Hiện tại Công ty cũng đã tự xây dựng cho mình một trung tâm phân phối hàng hoá tại Tựu Liệt, Thanh Trì, Hà Nội. Trong tương lai Công ty sẽ từng bước khắc
phục điểm yếu này và dần chuyên nghiệp trong công tác hậu cần để tăng khả năng cạnh tranh của chuỗi Hapro Mart.
Tính chuyên nghiệp:
Kinh doanh bán lẻ hiện đại đòi hỏi nhà quản lý có những công cụ hỗ trợ để đưa ra các quyết định. Đối với một hệ thống siêu thị như chuỗi Hapro Mart, bộ phận mua hàng đóng vai trò khá quan trọng. Chuyên viên mua hàng chuyên nghiệp có thể điều đình với nhà cung cấp trên tất cả mọi phương diện từ giá cả, số lượng, thời gian giao nhận hàng, các chương trình tiếp thị, khuyến mãi, quy cách bao bì, đóng gói.... Nhận thấy được vai trò quan trọng của chuyên viên mua hàng tháng 7/2007 Công ty Siêu thị Hà Nội đã tách phòng Kinh doanh thị trường ra thành 3 phòng với chức năng chuyên biệt đó là: phòng Kế hoạch phát triển, phòng Marketing và phòng Thu mua. Phòng Thu mua kể từ khi thành lập có nhiệm vụ:
Tham mưu giúp Ban Giám đốc đàm phán, ký kết hợp đồng với các nhà cung cấp. Lập kế hoạch thu mua hàng hoá theo mùa vụ, định kỳ, hàng có biến động giá cả, khai thác nguồn hàng mới, ... đảm bảo hàng hoá đầy đủ và giá cả ổn định.
Xây dựng bộ sản phẩm chuẩn, chính sách giá và quản lý giá bán lẻ cho hệ thống chuỗi Hapro Mart.
Xây dựng sơ đồ trưng bày hàng hoá kinh doanh cho hệ thống chuỗi Hapro Mart. Phân tích dữ liệu kinh doanh về việc tiêu thụ sản phẩm để có kế hoạch xử lý phù hợp.
Tích cực kết hợp với các phòng Bán buôn, phòng Đối ngoại - Nhập khẩu, phòng Điều phối hàng hoá, Trung tâm phân phối hàng hoá và phòng Marketing để tìm kiếm nguồn hàng tốt, triển khai tiêu thụ và xúc tiến bán hàng, quảng bá sản phẩm,...
Thường xuyên ghi nhận các ý kiến phản hồi về sản phẩm, giá cả, ....từ các siêu thị, cửa hàng trong chuỗi và phòng Marketing để có hướng đàm phán với nhà cung cấp nhằm đạt lợi ích tối đa.
Mặc dù vậy nhưng do mới thành lập các cán bộ của phòng vẫn chưa thực sự hoạt động đúng với chức năng và nhiệm vụ của mình. Nguyên nhân là do, khi thành lập phòng nguồn nhân lực được điều chuyển từ các phòng khác mà chưa có sự đào
tạo chuyên sâu, chỉ có một số ít người có chuyên môn trong công việc đó là những cán bộ được đưa từ trên Tổng Công ty xuống để hỗ trợ cho công việc. Do vậy mà công tác tạo nguồn mua hàng vẫn còn những yếu kém như: còn xảy ra tình trạng thiếu hàng hoá trong những dịp sức mua tăng mạnh, hàng hoá trưng bày chưa có thẩm mỹ cao, đặc biệt là một số hàng hoá chưa có đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ khi kiểm tra, nếu người tiêu dùng biết được điều này thì uy tín của Công ty và toàn chuỗi không những giảm mà lượng khách hàng cũng sẽ ngày càng ít đi. Trong thời gian tới phòng Thu mua sẽ phải có sự thay đổi, phải thực sự là công cụ hỗ trợ đắc lực cho Ban Giám đốc.