Với phương châm hành động: “Việc mở rộng tín dụng phải đi đôi với việc nâng cao chất lượng tín dụng”, Ngân hàng cần phải quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng tín dụng, đây là cơ sở để mở rộng và tăng trưởng tín dụng, là yếu tố tiên quyết, quyết định hiệu quả tín dụng nói chung và tín dụng DNVVN nói riêng. Để có thể mở rộng thì trước hết chất
lượng của từng món vay phải tốt để giảm thiểu tổn thất cho Ngân hàng. Khi rủi ro tín dụng xảy ra Ngân hàng cần thực hiện một số vấn đề sau:
3.3.6.1. Nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng
Thẩm định tín dụng là khâu đầu tiên nhưng lại có tính chất quyết định tới hiệu quả cho vay trong quy trình tín dụng. Vì sau khi kết thúc khâu thẩm định Ngân hàng phải ra quyết định tín dụng, có chấp nhận hay không chấp nhận cho vay, công việc này cực kỳ quan trọng, nó không những ảnh hưởng tới tiến trình hoạt động của khách hàng mà còn ảnh hưởng đến cả uy tín của Ngân hàng. Trong thực tế Ngân hàng rất sợ gặp phải hai loại sai lầm:
Thứ nhất: Ra quyết định chấp thuận mà khách hàng lại không có khả năng hoàn trả vốn tín dụng đúng hạn thì sẽ gây thiệt hại cho Ngân hàng; mất cơ hội tăng thu nhập, mất đi một khách hàng – mất đi cơ hội mở rộng thị phần cho mình.
Chính vì lẽ đó, khâu thẩm định tín dụng cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc với độ chính xác cao. Thẩm định tín dụng gồm hai bước cơ bản là thu thập và xử lý thông tin.
* Thu thập thông tin:
Việc thu thập thông tin tốt đặc biệt là những thông tin về DNVVN sẽ tạo điều kiện cho chi nhánh có được những quyết định cho vay đúng, hạn chế rủi ro. Bên cạnh đó, thu thập được nguồn thông tin tốt chi nhánh sẽ phân tích, đánh giá “định lượng” được rủi ro, có thể dự báo, dự đoán được diễn biến của tình hình thị trường và của nền kinh tế. Dự báo, dự đoán được tính hiệu quả, khả thi của dự án trong tương lai từ đó đưa ra quyết định đầu tư hay không đầu tư đối với những dự án lớn, dự án vay trung, dài hạn. Như vậy, thông tin đã trở thành tài nguyên, là nguồn động lực đối với sự phát triển của Ngân hàng.
Ngân hàng có thể thu thập thông tin từ những nguồn khác nhau: nguồn thông tin thu thập được từ các doanh nghiệp thông qua các báo cáo tài chính, bảng cân đối kế toán, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ các cơ quan hữu quan có liên quan đến khoản vay và từ những
nguồn khác như: hàng xóm, cán bộ chính quyền địa phương, bạn hàng có quan hệ mua bán với doanh nghiệp…. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có rất nhiều nguồn thông tin mà Ngân hàng nhận được là không đầy đủ, cập nhật với độ tin cậy không cao gây khó khăn cho Ngân hàng trong việc sàng lọc những thông tin chính xác nhất. Hơn nữa, nguồn thông tin Ngân hàng nhận được chủ yếu lại dựa vào phía khách hàng cung cấp, mà muốn vay được vốn Ngân hàng thì họ đưa ra những thông tin tốt về mình để có thể được chấp thuận cho vay, điều này sẽ gây ra hiện tượng thiếu trung thực trong việc cung cấp thông tin của khách hàng cho Ngân hàng.
Vì vậy, trong quá trình thu thập thông tin chi nhánh không chỉ dừng lại ở những thông tin mà khách hàng cung cấp, mà còn có thể mở rộng phạm vi thu thập các nguồn khác nhau về thông tin tín dụng nhưng phải biết chọn lọc để tránh loãng thông tin. Ngân hàng cần thực hiện:
- Thực hiện trao đổi thông tin tốt với các chi nhánh khác và với NHNN.
- Phát triển mạng nội bộ, tổ chức thông tin nội bộ, tăng cường kết nối Internet nhằm nắm bắt kịp thời diễn biến của tình hình thị trường, của doanh nghiệp.
- Tham gia tích cực vào hệ thống thông tin tín dụng của NHNN với tư cách là một thành viên, thực hiện nghiêm túc các quy định về thông tin tín dụng mà NHNN ban hành.
- Có quy định bắt buộc đối với doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với Ngân hàng định kỳ phải gửi báo cáo tài chính đầy đủ, kịp thời và chính xác cho chi nhánh.
Làm tốt công tác này sẽ cho phép chi nhánh thu thập được những thông tin tốt đảm bảo tính cập nhật và chính xác giúp cho quá trình xử lý thông tin được nhanh chóng, chính xác và hiệu quả.
Các thông tin thu thập được sẽ được kiểm tra đối chiếu, làm sạch để đảm bảo tính trung thực, minh bạch và có nguồn gốc rõ ràng trước khi đưa
vào phân tích xử lý thông tin, có như vậy, công việc thu thập thông tin mới thực sự có ý nghĩa.
* Xử lý thông tin:
Sau khi có được những thông tin cần thiết thì việc xử lý thông tin để ra quyết định lựa chọn khách hàng nào là rất quan trọng; Ngân hàng cần quan tâm, lựa chọn những khách hàng có uy tín, có hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả và sẵn lòng trả nợ; việc lựa chọn được áp dụng cho mọi thành phần kinh tế, không có sự phân biệt đối xử trong cho vay, không vì DNNN mà cứ cho vay không quan tâm đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp đó trong khi quá khắt khe đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Việc xử lý thông tin để lựa chọn đúng khách hàng cho vay là một việc không đơn giản và không phải chỉ có một lời giải đáp mà còn tùy thuộc vào năng lực, trình độ, vào cách nhìn nhận riêng của cán bộ tín dụng, họ sử dụng những phương pháp phân tích khác nhau, nhấn mạnh quan hệ này hoặc quan hệ khác mà có một số ra quyết định chấp thuận, một số khác lại từ chối. Do vậy chi nhánh nên thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu về công tác thẩm định, giúp cán bộ tín dụng có được những phán quyết đúng trong phân tích, xử lý thông tin. Bên cạnh đó, chi nhánh nên giao cho cán bộ tín dụng quyền tự quyết trong quá trình xét duyệt cho vay, giải ngân và thu hồi nợ để đảm bảo tính chủ động và thống nhất trong công việc. Để tránh những tiêu cực xảy ra từ phía các cán bộ tín dụng, chi nhánh cũng nên quy rõ trách nhiệm cho từng người trong phạm vi quyền hạn cho phép.
3.3.6.2. Tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát trước, trong và sau khi cho vay
Công tác kiểm tra, kiểm soát trước, trong và sau khi cho vay là rất quan trọng và cần thiết đối với chi nhánh NHCT Ba Đình để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho khoản vay, khi chi nhánh mở rộng tín dụng thì công tác này cũng phải được tăng cường theo mức độ mở rộng của chi nhánh.
Trong công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát món vay, chi nhánh phải thường xuyên theo dõi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhằm đánh giá tiến độ thực hiện của phương án vay vốn. Việc này là hết sức cần thiết, giúp cho chi nhánh phát hiện sớm những vấn đề phát sinh, kịp thời đề ra những biện pháp xử lý thích ứng với tình hình.
Trong thực tế hoạt động tín dụng, đặc biệt là tín dụng DNVVN khó tránh khỏi gặp rủi ro phát sinh nợ xấu. Do đó, không thể phê phán cán bộ tín dụng về tất cả các quyết định cho vay mà họ đã đưa ra nhưng việc giám sát tín dụng để sớm nhận ra những dấu hiệu báo động mà đề ra các biện pháp kịp thời để khắc phục tình hình vì không phải cán bộ tín dụng nào cũng có thể làm tốt, điều đó phụ thuộc vào khả năng, trình độ và từng điều kiện cụ thể của từng cán bộ tín dụng. Vì vậy, chi nhánh cần có những chương trình giám sát tín dụng riêng, với những cán bộ tín dụng có đủ năng lực để đánh giá hoạt động tín dụng ở cả hai phía Ngân hàng và khách hàng, những người làm công tác này phải độc lập với những hoạt động cho vay và thu nợ. Ngân hàng cần thanh lọc những cán bộ thoái hóa biến chất, cố tình làm sai cơ chế cho vay, gây thất thoát vốn của Ngân hàng ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng và uy tín của Ngân hàng.