Làm tốt công tác tiếp thị, tổ chức phát triển tài chính doanh nghiệp định kì hoàn thiện công tác phân loại khách hàng, nghiên cứu thị trường từ đó đưa ra định hướng đầu tư cho từng khách hàng cụ thể và áp dụng cơ chế lãi suất cho từng loại khách hàng thông qua việc phân loại khách hàng hàng năm.
Mở rộng cho vay doanh nghiệp ngoài quốc doanh, công ty cổ phần, công ty TNHH, hộ tư nhân cá thể và cho vay đời sống có tài sản đảm bảo, phấn đấu dư nợ ngoài quốc doanh chiếm 40% tổng dư nợ.
Có các giải pháp cụ thể, hữu hiệu trong việc thu lãi cho vay, thu nợ quá hạn, nợ đã được xử lí rủi ro, đặc biệt là có biện pháp xử lý tài sản đối với các khoản vay đã quá hạn lâu.
Thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, tập trung bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, làm tốt công tác giáo dục phẩm chất, đạo đức, phong cách cho cán bộ tín dụng đồng thời bố trí cán bộ phù hợp với năng lực chuyên môn trên nguyên tắc hiệu quả, an toàn kinh doanh tín dụng.
Động viên khuyến khích cán bộ tín dụng tích cực học tập nghiệp vụ nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và các mặt nghiệp vụ khác như tin học, ngoại ngữ, thanh toán quốc tế, thẩm định dự án đầu tư… nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, chuẩn bị nguồn nhân lực phù hợp với tiến trình hiện đại hoá hệ thống ngân hàng và theo kịp tiến trình hội nhập quốc tế ngày một đến gần.
Đoàn kết phát huy sức mạnh tổng hợp của tổ chức Đảng, công đoàn, đoàn thanh niên nêu cao vai trò của từng đảng viên, cán bộ công nhân viên ở từng cương vị, đẩy mạnh công tác công đoàn, đoàn thanh niên… thực hiện và hưởng ứng các phong trào thi đua của ngân hàng cấp trên nhằm động viên mọi cán bộ công nhân viên tích cực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tham gia mạnh mẽ các phong trào đoàn thể, thể thao trong công nhân viên chức.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát với việc nâng cao kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động kinh doanh cũng như điều hành, ngăn chặn và xử lý kịp thời những sai phạm trong quy trình nghiệp vụ kinh doanh, nghiêm túc chỉnh sửa các sai sót sau kiểm tra do ngân hàng cấp trên phát hiện ra, kiên quyết xử lý những cán bộ tiêu cực không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Coi trọng công tác đào tạo các nghiệp vụ kỹ năng cho cán bộ và công tác sắp xếp tổ chức phát huy năng lực sở trường của từng cán bộ, triệt để khoán đến từng người nhằm thúc đẩy sự phát triển trong hoạt động kinh doanh.
Ngân hàng nên có chính sách tín dụng cụ thể và rõ ràng, xác định mục tiêu rõ ràng cho mình. Và các cán bộ tín dụng, các cấp ra quyết định trong mọi trường hợp phải theo đuổi chính sách đã được vạch ra. Chính sách của ngân hàng cung cấp cho cán bộ tín dụng những phương hướng hoạt động nhất định, dựa trên đó cán bộ tín dụng thực hiện công việc của mình. Nhưng chính sách chỉ tạo nên một khuôn khổ mang tính chất định hướng, còn trong vòng khuôn khổ đó là sự năng động của cán bộ tín dụng. Chính vì vậy hiệu quả của cán bộ tín dụng góp phần quan trọng vào chất lượng tín dụng của ngân hàng. Do vai trò quyết định mà người ta nói nhiều tới sự cần thiết phải đổi mới và hoàn thiện trong công tác thẩm định tài chính và quá trình ra quyết định tín dụng.
Nếu nhìn nhận theo quan điểm hệ thống, công tác thẩm định của cán bộ ngân hàng chuyên trách như một hộp đen thì thông tin như là một yếu tố đầu vào không thể thiếu. Nếu thiếu thông tin hoặc thông tin không chính xác thì cán bộ tín dụng sẽ không thể đưa ra được kết luận hoặc có thì những kết luận đó dễ bị sai lệch. Cán bộ tín dụng có thể truy cập những nguồn thông tin như: thông tin từ trung tâm thông tin tín dụng; qua sách báo, tạp chí; thông tin do doanh nghiệp cung cấp hay thông tin từ công ty kiểm toán mà ngân hàng thuê để kiểm tra tính trung thực của thông tin nhất là thông tin về các báo cáo tài chính; ngoài ta cán bộ ngân hàng có thể tham khảo chính sách, phương hướng của Nhà nước, các bộ luật liên quan,.... Vấn đề là cán bộ tín dụng cần chủ động trong việc thu thập thông tin. Sau khi có thông tin thì công việc tiếp theo là tổng hợp và sử lý thông tin sơ bộ.
Nhiệm vụ trung tâm của cả quá trình thẩm định là phân tích tín dụng. Trong quá trình phân tích các cán bộ tín dụng nên phối hợp chặt chẽ với các
bộ phận khác trong ngân hàng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao đông thời theo đuổi chính sách của ngân hàng.
Mỗi cán bộ tín dụng nên được giao quản lý một lượng khách hàng nhất định. Chính họ sẽ là người chịu trách nhiệm trực tiếp trong quan hệ tín dụng với khách hàng. Việc lựa chọn, bố trí cán bộ hợp lý là đặc biệt quan trọng. Tùy theo chuyên môn đào tạo, kinh nghiệm hoặc có thể là sự quen thuộc với lĩnh vực kinh doanh mà cán bộ tín dụng có thể được phân công quản lý một số khách hàng nào đó. Sự chuyên môn hóa sẽ giúp cho cán bộ tín dụng phát huy được khả năng, nâng cao trình độ am hiểu về lĩnh vực mà mình quản lý.
Ngân hàng cần phải có một cơ chế giám sát hoạt động của cán bộ tín dụng. Ngân hàng phải tránh xảy ra sự tách biệt giữa cán bộ nhân viên ngân hàng và giữa cán bộ đảm trách với cán bộ quản lý. Do đó trong cơ cấu tổ chức của ngân hàng nên có một bộ phận thứ hai làm đối trọng cân bằng với bộ phận tín dụng, cùng với bộ phận tín dụng quản lý chức năng cho vay. Cần chú ý là tránh chồng chéo nhiệm vụ mà mục đích duy nhất là giám sát lẫn nhau. Khi đó cần phân công trách nhiệm và chức năng cụ thể với từng cán bộ từ đó xác định rõ trách nhiệm của từng người.
Cán bộ tín dụng cần phải tăng cường công tác kiểm tra giám sát hoạt động của doanh nghiệp. Xem doanh nghiệp sử dụng vốn đúng mục đích không. Tích cực thu thập thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó biết khoản vay nào tốt, khoản nào có vấn đề để trình lên cấp trên giải quyết. Những dấu hiệu thể hiện khoản vay có vấn đề mà cán bộ tín dụng cần phải xem xét: những dấu hiệu kinh tế chung, dấu hiệu từ báo cáo tài chính, từ những vấn đề phát sinh trong quá trình ngân hàng cho vay, dấu hiệu từ thái độ của khách hàng.
Nâng cao hiệu quả đánh giá, quản lý tài sản thế chấp nhằm hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu quả cho vay. Không nên ham tài sản có giá trị quá lớn mà phải tìm tài sản đảm bảo thích hợp, và tài sản càng thông dụng càng dễ phát mại. Các ngân hàng nên chủ động trong việc định giá tài sản đảm bảo, dự báo những biến động tương lai ảnh hưởng tới giá trị tài sản đảm bảo.
Vận dụng phương thức cho vay phù hợp với từng khách hàng. Việc áp dụng phương thức cho vay phải trên cơ sở đặc điểm chuyến vốn và uy tín của khách hàng không phân biệt thành phần kinh tế.
III. Kiến nghị
Nhà nước cần phải công bố quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế xã hội theo ngành, vùng lãnh thổ và theo từng thời kỳ. Quy hoạch tổng thể sẽ giúp tạo điều kiện cho các NHTM có cơ sở lập kế hoạch tín dụng trung dài hạn sao cho phù hợp với yêu cầu của từng ngành kinh tế vừa đảm bảo được nhu cầu về vốn đầu tư của doanh nghiệp, phục vụ được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đồng thời tránh được những rủi ro đầu tư sai hướng của NHTM.
Nhà nước cần chỉ đạo và có những biện pháp bắt buộc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc chế độ kế toán thống kê và thông tin báo cáo theo đúng quy định. Bên cạnh đó, ban hành quy chế kiểm toán bắt buộc và công khai tình hình tài chính tạo điều kiện giúp NHTM phân tích thực trạng của doanh nghiệp, phòng ngừa rủi ro.
Nhà nước cần củng cố các cơ quan, công ty tư vấn hiện có để đáp ứng nhu cầu thuê thẩm định, thuê kiểm định thông tin về dự án. Cần có văn bản pháp lý quy định trách nhiệm, phạm vi hoạt động của các công ty này.
Cùng với Nhà nước, các NHNN cần mở rộng phạm vi và nội dung của thông tin tín dụng trên địa bàn mình quản lý nhằm cung cấp thông tin theo yêu cầu của các NHTM về các doanh nghiệp. Cần tạo lập cơ chế để các NHTM cung cấp đầy đủ chính xác, kịp thời các thông tin, số liệu cho trung tâm thông tin tín dụng CIC của NHNN Việt Nam. Đối với bộ phận thông tin phong ngừa rủi ro của các NHTM cũng cần được củng cố và thường xuyên cung cấp các thông tin cần thiết cho các chi nhánh của mình.
NHNN Việt Nam cần sớm ban hành một tài liệu hướng dẫn chung cho các NHTM về nội dung và quy trình thẩm định một dự án đầu tư.
NHNo&PTNT Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng công tác thẩm định trong toàn bộ hệ thống, bắt đầu từ công tác bồi dưỡng cán bộ.
NHNo&PTNT cần tăng cường và mở rộng các quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế.
Tổ chức trang bị một cách đầy đủ cơ sở vât chất phục vụ công tác thẩm định và phân tích rủi ro.