Vấn đề trong quy hoạch thiết kế

Một phần của tài liệu MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ TRẬT TỰ XÂY DỰNG VÀ CẤP PHÉP XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN ĐỐNG ĐA (Trang 61 - 64)

4. Thực trạng công tác cấp phép xây dựng trên địa bàn quận Đống Đa

4.2.1 Vấn đề trong quy hoạch thiết kế

Như ta đã biết: cấp phép phải dựa vào quy hoạch. Nhưng thực tế cho thấy, quy hoạch ở nước ta nói chung và quy hoạch của Thành phố nói riêng còn rất nhiều vấn đề bất cập. Trước tiên là phải kể đến quy hoạch chi tiết.Từ tháng 9/1999 UBND Thành phố Hà Nội đã tổ chức công bố và bàn giao cho quận Đống Đa quy hoạch chi tiết về giao thông và quy hoạch sử dụng đất với tỷ lệ 1/2000..Nhưng bản quy hoạch đã được phê duyệt từ hàng chục năm nay, nhiều phần đất đai có mục

đích sử dụng không còn phù hợp với hiện tại. Hơn nữa, với bản quy hoạch này thì một con phố chỉ nhỏ như sợi chỉ, mảnh đất mấy trăm mét vuông bé như cái móng tay.Tất cả thể hiện trên bản đồ đều li ti. Quy hoạch chung chung mù mờ lại lỗi thời là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong công tác cấp phép vì khi tiến hành thẩm định hồ sơ xin cấp phép, cơ quan cấp phép vẫn phải dựa vào bản quy hoạch này. Như vậy, Quận cũng mắc phải một khó khăn chung của các quận, huyện trong Thành phố đó là : chưa có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dẫn đến việc quản lý xây dựng thiếu chính xác, đồng bộ.

Vấn đề kế tiếp của việc không có quy hoạch tỷ lệ 1/500 đó là: vì chưa có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 nên thiết kế đô thị của Thành phố kèm theo cũng không có. Không có thiết kế đô thị làm cho công tác cấp phép gặp rất nhiều khó khăn từ cả hai phía chủ đầu tư và cơ quan chuyên môn. Vì chưa có quy định cụ thể chiều cao nhà cho từng tuyến phố nên khi người dân xin cấp phép xây dựng, cơ quan cấp phép sẽ xem xét đối chiếu quy hoạch khu vực đó đồng thời căn cứ vào tiêu chuẩn, quy chuẩn chung của Thành phố nếu thấy hợp lý thì sẽ cấp phép. Nhưng như thế nào là hợp lý? Đó là một khái niệm hết sức mù mờ trong quản lý nhà nước. Vì không rõ ràng trong thiết kế đô thị, nên người dân khi xin cấp phép thường muốn xin xây dựng với khả năng tài chính của mình, theo thiết kế của mình. Nếu không hợp lý đối với cơ quan cấp phép để chỉnh sửa lại. Mù mờ trong thiết kế đô thị cũng là nguyên nhân gây ra tiêu cực trong cấp phép xây dựng. Người dân muốn xin được cấp phép theo đúng thiết kế của mình, thì phải “thỏa thuận” một chút là ổn.Không có thiết kế đô thị hợp lý, dẫn đến tình trạng cấp phép “ tùy hứng” cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kiến trúc lộn xộn, càng làm xấu đi bộ mặt kiến trúc đô thị Việt Nam vốn đã đang là một vấn đề nan giải . Dạo qua mấy trục đường chính của Quận như đường Chùa Bộc, Thái Hà, Nguyễn Lương Bằng,…có thể dễ dàng nhận thấy nhà cửa xây cao thấp lô nhô không theo một trật tự nào. Chưa có thiết kế đô thị, chưa có quy hoạch chi tiết phù hợp với tốc độ đô thị hóa đang diễn

ra ngày càng mạnh mẽ ở Quận, nên mật độ xây dựng ở Quận cũng là một vấn đề cản trở trong công tác cấp phép xây dựng. Mật độ xây dựng được quy định theo tình hình đất đai những năm 90, không còn phù hợp với bây giờ, nên khi dân xin cấp phép xây dựng mà chính quyền cứ đối chiếu theo cái cũ thì thử hỏi lấy đâu đất trong quận để nhân dân xây dựng?

Tuy bản quy hoạch 1/2000 của Thành phố bàn giao cho quận còn nhiều hạn chế. Mặc dù vậy, nhiều năm nay quận vẫn sử dụng nó cho công tác xây dựng nói chung và cấp phép nói riêng. Vì vậy, lẽ ra nó phải được công khai niêm yết để làm sao tòan bộ người dân trong quận phải biết và nắm vững. Nhưng thực tế, trước khi xây nhà, hầu hết người dân chưa biết quy hoạch của Quận như thế nào.Các biện pháp công khai quy hoạch của Quận được đưa ra rất nhiều, nhưng tỏ ra không hiệu quả. Bản đồ được treo ở phòng ban chuyên môn, đồng nghĩa với việc chỉ khi nào có vướng mắc nhân dân lên gặp cán bộ phòng thì mới biết đến quy hoạch. Một biện pháp khác của quận là công bố quy hoạch lên một số wedsite, nhưng những ai đã từng lên các wedsite đều nhận thấy rằng bản đồ trên đó quá mờ, và nhỏ. Thậm chí tên các phường trong Quận phải cố gắng mới có thể nhìn rõ được .Cán bộ chuyên môn nhìn vào đó còn khó khăn nói gì đến người dân? Dễ dàng nhận thấy, công khai quy hoạch là biện pháp hiệu quả không chỉ giúp người dân bớt đi lại mà còn khiến người làm qui hoạch phải chịu trách nhiệm cao hơn, thủ tục cấp phép trở nên nhanh gọn thông thoáng hơn mà vẫn đảm bảo được tiêu chí quy hoạch, kiến trúc của đô thị. Ở các nước tiên tiến người ta công khai quy hoạch. Chủ đầu tư xem công trình của mình thấy không vi phạm gì thì xin phép xây dựng. Thủ tục xin cấp phép của người ta rất đơn giản thông thoáng như kiến trúc đô thị của người ta vẫn đẹp.Dân ta thì khổ sở vì giấy phép xây dựng, nhưng quy hoạch thì lô nhô không theo một trật tự xây dựng nào cả. Lỗi một phần cũng là do việc công khai quy hoạch không rõ ràng.

Một điều đáng nói là xét về bản chất các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng của đồ án được phê duyệt trong thời gian qua chưa phải là một đồ án quy hoạch xây dựng . Trong các hồ sơ của đồ án đã được phân cấp cho Quận phê duyệt thiếu một số bản vẽ như sơ đồ tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, bản đồ quy hoạch hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, bản đồ chỉ giới đường đỏ…Vấn đề này đã gây rắc rối cho công tác cấp phép xây dựng, gây tiêu cực trong việc thỏa thuận địa điểm, thỏa thuận kiến trúc quy hoạch cho các chủ đầu tư.

Như vậy, không có quy hoạch chi tiết, là một vấn đề khá lớn gây khó khăn cho công tác cấp phép của Quận nói riêng và toàn Thành phố nói chung. Đến khi nào Thành phố chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế đô thị cho các quận, huyện thì những vấn đề trên vẫn là một rào cản lớn trong công tác cấp phép xây dựng.

Một phần của tài liệu MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ TRẬT TỰ XÂY DỰNG VÀ CẤP PHÉP XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN ĐỐNG ĐA (Trang 61 - 64)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(97 trang)
w