Điển cố thuộc về Tử bộ là những điển được trích dẫn từ các câu chữ, ý tưởng, từ.. lấy từ các sách về thơ văn, khúc từ như Ly tao, Đường thi, Tống từ, Sở từ, hoặc của các nhà thơ nổi tiếng như Lý Bạch, Đỗ Phủ...
Điển cố thuộc về tử tập chiếm ít nhất trong số các điển cố Trạng Bùng đã đưa vào dòng thơ “ngôn chí” mình, chỉ có 15 điển cố. Trong 15 điển cố này thì có đến phần lớn nhắc đến Đường thi với các nhà thơ lớn như: Lý Bạch, Lý Trình... hoặc có điển lấy từ câu chữ của Chu Đôn Di hay các khúc nhạc nổi tiếng: nhạc Thiều, Giá cô thiên, Tấn viên xuân.... Sự am hiểu về văn hóa, phong tục Trung Hoa cộng với kiến thức sâu rộng thơ văn tiên nhân đã giúp cho ông đưa vào trong thơ của mình khối lượng đáng kể các điển tích có giá trị to lớn về cả giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật.
* Nhận xét chung về giá trị các điển cố trong 88 bài thơ.
Một lần nữa thơ văn của Phùng Khắc Khoan vẫn nằm trong mạch phong cách chung của các tác giả bấy giờ. Hầu như trong lịch sử thơ văn trung đại Việt Nam không có một nhà thơ nào không sử dụng các điển cố, điển tích, tiêu biểu nhất là Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ, Bỉnh Khiêm... về sau thì có thêm Nguyễn Du. Riêng Nguyễn Du thì số lượng ông dùng các điển cố có thể nói rất nhiều. Trong 250 bài thơ chữ Hán của mình ông dùng tới 426 điển cố bao gồm cả Kinh, Sử, Tử, Tập, bài nhiều nhất lên tới 14 điển cố. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi họ hầu hết là những danh Nho nổi tiếng, đều theo học cửa Khổng sân Trình, luôn muốn tận lực tận tâm cho sự nghiệp phò vua giúp nước. Giống như Nguyễn Du, Phùng Khắc Khoan cũng đi sâu vào các điển cố thuộc Sử bộ hơn là Kinh, Tử, Tập. Chỉ là khái quát hệ thống điển cố trong 88 bài thơ thuộc “ngôn chí thi tập” cũng đã phần nào thấy được kiến thức sâu rộng, sự am hiểu thông thuộc sự tích của Trạng Bùng và có cái nhìn bao quát hơn về hệ thống kinh điển ông tiếp thu được qua năm tháng, cuộc đời, về lý tưởng sống, khát vọng được cống hiến của ông và về cả hình tượng những con người ông yêu quý.
TIỂU KẾT
Từ các bảng thống kê về thể loại, luật thơ, vần thơ hay những chỉ số về từ ngữ, các nhóm từ loại cùng hệ thống điển cố, điển tích qua 88 bài thơ trong ngôn chí thi tập có thể nhận thấy về cơ bản ngôn ngữ thơ chữ Hán của Trạng Bùng vẫn nằm trong mạch chung vủa ngôn ngữ thơ chữ Hán trung đại Việt Nam bấy giờ. Đặt nó trong mối tương quan so sánh với các tập thơ khác của một số tác giả như Nguyễn Trãi, Nguyễn Trung Ngạn, Nguyễn Du… mới thấy vốn từ của quả khiến cho người đời kính nể lắm lắm. bảng thống kê nhóm phần thực từ là bằng chứng thuyết phục nhất khắng định phong cách cũng như cách lựa chọn vốn từ của Phùng Khắc Khoan cho “đứa con tinh thần” của mình. Khoá luận mới chỉ đi vào khảo sát 88 bài thơ nhưng qua đó cũng có thể thấy được sự riêng biệt cũng như phong cách của Phùng Khắc Khoan trong suốt tập thơ đồ sộ này. Việc khảo sát sơ bộ về ngôn ngữ cũng như việc thống kê các điển tích điển cố sẽ góp phần giúp chúng ta hiểu hơn về giá trị toàn bộ thơ chữ Hán của Phùng Khắc Khoan và phong cách thơ văn ông trong tiến trình chung của nền Hán văn bấy giờ.
CHƯƠNG 2