4. Những cơ chế chính sách của nhà nước ta về việc phát triển nhà ở cho công nhân tại các KCN, KCX.
4.2. Những kết quả đạt được và những mặt còn tồn tại.
Việc ban hành những cơ chế chính sách liên quan đến vấn đề giải quyết nhà ở cho công nhân tại các KCN, KCX ở Việt Nam trong thời gian qua đã tạo ra những kết quả có ảnh hưởng rất tích cực đến quá trình giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân. Thực hiện chủ trương của Nhà nước nhiều KCN đã có những chính sách về vấn đề nhà ở cho công nhân. Đặc biệt là ở một số KCN tỉnh Bắc Ninh, những công nhân ở xa đã được ở miễn phí
hoặc chỉ phải trả một phần phí cho việc ở trọ tại nơi làm việc. Việc sắp xếp chỗ ở cho công nhân ở một số KCN có sự ưu tiên cho các đối tượng thuộc diện ưu tiên theo quy định hiện hành của Nhà nước như con thương binh, liệt sĩ, hộ nghèo, người lao động vùng sâu vùng xa. Những chính sách này tuy không giải quyết được triệt để vấn đề nhà ở cho công nhân nhưng nó cũng góp phần khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân thuê. Thực tế cho thấy tại Thái Nguyên, doanh nghiệp may thuộc KCN Sông Công đã chịu trách nhiệm trả tiền thuê nhà cho những công nhân của mình, đồng thời một doanh nghiệp cán thép cũng đặt vấn đề với UBND thị xã sông Công để xin đất làm nhà cho công nhân. Tại Hải Dương, đã có một doanh nghiệp thử nghiệm phát triển khu nhà ở cho lao động tại các KCN Hải Dương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả kể trên thì các chính sách về vấn để nhà ở cho công nhân vẫn còn nhiều bất cập đòi hỏi các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương phải giải quyết. Trước hết, đó là việc Nhà nước ta chưa có những chính sách ưu đãi rõ ràng cho công tác xây dựng nhà ở cho công nhân tại các KCN, KCX. Bên cạnh đó, những văn bản đã ban hành như Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 6/9/2006 về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật nhà ở, tại mục 3 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội lại bao gồm một diện khá rộng người được thụ hưởng, cho nên công nhân trong các KCN, KCX chưa thực sự là đối tượng trực tiếp và cụ thể của Nghị định này. Vì vậy mà Nghị đình này chưa phát huy được tác dụng trong quá trình triển khai và thực hiện tại các cơ sở.
Tại một số địa phương, tuy cũng ban hành những cơ chế chính sách để hướng dẫn các đối tượng tham gia vào quá trình xây dựng nhà ở cho công nhân tại các KCN, KCX, nhưng hầu hết nó vẫn mang những đặc trưng riêng cho từng vùng, từng địa phương, hoặc những cơ chế chính sách ban hành
kèm theo không rõ rệt. Vì vậy mà doanh nghiệp hoặc các các hộ muốn xây dựng nhà ở cho công nhân thuê đều mất phương hướng trong việc giải quyết triệt vấn đề nơi ăn, chốn ở cho người lao động tại đây.