2. Các giải pháp cụ thể
3.3.1.2) Đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ nhất, cần mở rộng danh mục sản phẩm xuất khẩu. Việc mở rộng danh mục hàng hoá xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc trong thời gian tới cần được dựa trên khả năng cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam và đặc điểm của thị trường người tiêu dùng Hàn Quốc. Theo các nhà nghiên cứu, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trong việc sản xuất và chế biến nhiều mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản, hàng may mặc, dâu tằm tơ, sản xuất sợi, sản xuất giày thể thao, giày vải và giày nữ, nguyên liệu, linh kiện điện tử và công nghệ thông tin. Tuy nhiên, trên thị trường Hàn Quốc, một số hàng có khả năng cạnh tranh của Việt Nam như may mặc, đồ chơi, khó có thể trụ được, bởi sự cạnh tranh của hàng hoá từ Trung Quốc.. Vì thế, để mở rộng danh mục hàng hoá xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào những hàng hoá mà thị trường Hàn Quốc đã chấp nhận và có khả năng sẽ chấp nhận. Đối với những hàng hoá đã được thị trường Hàn Quốc chấp nhận như thực phẩm chế biến từ thuỷ sản, thuỷ sản đông lạnh, đồ gỗ, đồ nội thất, đèn điện tử, thiết bị viễn thông, một số nguyên liệu như cao su, khoáng sản, chúng ta sẽ phải cố gắng đảm bảo chất lượng, cũng như những yêu cầu ngày càng
chặt chẽ hơn của thị trường về vệ sinh an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn khác, để nắm bắt được các cơ hội mở rộng xuất khẩu. Đối với những sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu cao của Việt Nam như hàng thủ công mỹ nghệ (cạnh tranh được do giá cả thấp hơn sản phẩm của Trung Quốc từ 8-10%), đồ gỗ nội thất, cần phải có chiến lược xây dựng thương hiệu, quảng bá và giới thiệu sản phẩm thích hợp đến người tiêu dùng. Riêng đối với các sản phẩm nông sản nhiệt đới, để có thể xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc, vấn đề cơ bản là phải đạt được các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp xuất khẩu phải có được giấy chứng nhận tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và phải có giá cả cạnh tranh so với hàng Thái Lan và Philippin trên thị trường này và với điều kiện thị trường Hàn Quốc phải mở cửa thị trường hơn nữa đối với mặt hàng này.
Thứ hai, cần có chiến lược xây dựng thương hiệu cho hàng hoá Việt Nam. Vấn đề này đang đòi hỏi phải có sự quan tâm thích đáng từ phía các doanh nghiệp, bên cạnh việc chính phủ tạo khung pháp lý cần thiết cho hoạt động này. Các doanh nghiệp cần nhận thức tính cần thiết và sống còn trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho các sản phẩm của mình trên thị trường. Đây là một giải pháp cần thiết, không chỉ riêng đối với hàng hoá xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, mà với tất cả các hàng hoá cũng như dịch vụ được lưu thông trên thị trường. Bởi trong điều kiện cuộc cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như quốc tế ngày càng gay gắt, sự khác biệt của sản phẩm là một trong những yếu tố tạo nên và duy trì sức cạnh tranh của sản phẩm và nó sẽ được bảo về hữu hiệu nếu hàng hoá có thương hiệu và được đăng ký hợp pháp.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả đối với công tác xúc tiến xuất khẩu và quảng bá sản phẩm. Hiện nay, tham gia vào mạng lưới các tổ chức xúc tiến xuất khẩu của Việt Nam bao gồm Bộ Thương mại và các đơn vị trực thuộc, các cơ quan xúc tiến xuất khẩu của các bộ ngành liên quan, các tổ chức xúc tiến xuất khẩu phi chính phủ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu và các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu, trong đó Cục Xúc tiến Thương mại (được thành lập vào năm 2000) của Bộ Thương mại thực hiện chức năng qủan lý nhà nước trong lĩnh vực này và tiến hành các hoạt động hướng dẫn và hỗ trợ xuất khẩu ở qui mô quốc gia. Như vậy, về cơ bản, mạng lưới tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam đã được hình thành và phát huy tác dụng, đã có những tác động tích cực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường quốc tế và đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên để đẩy mạnh hơn nữa việc xuất khẩu hàng hóa, từng doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược của riêng mình để quảng bá và giới thiệu sản phẩm của mình tới các đối tác từ phía Hàn Quốc cũng như người tiêu dùng Hàn Quốc.