- Nguồn chi trả
2.1.1. Sự hình thành và phát triển hoạt động BHTG ở Việt Nam
Vào đầu thập niên 1980 của thế kỷ XX, sau sự đổ vỡ của hàng loạt các hợp tác xã tín dụng nông thôn và qũy tín dụng đô thị trên toàn quốc đã gây ra
cuộc khủng hoảng tài chính đầu tiên ở Việt Nam. Việc hàng loạt người gửi tiền bị mất tiền nhưng không có tổ chức nào đứng ra bảo vệ người gửi tiền gây tâm lý hoang mang dẫn đến tình trạng mất niềm tin, người gửi tiền đổ xô rút tiền tại các quỹ tín dụng và hiện tượng rút tiền ồ ạt đã xảy ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế-xã hội lúc bấy giờ. Bước sang thập niên 90 một số ngân hàng quy mô vừa gặp vấn đề nhưng chưa có cơ chế xử lý trong khi đó nguồn vốn ngân sách phải chi một khoản rất lớn để giải quyết [3].
Trước tình hình đó, Nhà nước có ý tưởng thiết lập một mô hình bảo hiểm tiền gửi, nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và bảo đảm an toàn hoạt động cho hệ thống ngân hàng cũng như các tổ chức tín dụng. Ý tưởng này ban đầu gặp phải những hạn chế về mặt nhận thức nói chung cũng như khó khăn tài chính của Nhà nước.
Rút kinh nghiệm sau sự kiện đổ vỡ trên, khi triển khai thí điểm mô hình Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Nhà nước đã ban hành quy tắc bảo hiểm trách nhiệm của QTDND đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn. Theo Quyết định số 101/TCQĐ-BH ngày 01/02/1994 của Bộ Tài chính, Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt) đã triển khai nghiệp vụ BHTG, đây là mở đầu hoạt động BHTG công khai ở Việt Nam.
Sau một thời gian đi vào hoạt động BHTG do Bảo Việt thực hiện phát triển chậm và bộc lộ nhiều hạn chế. Tính đến năm 1995 có 162 QTDND tham gia BHTG, tiền gửi thuộc đối tượng được bảo hiểm chiếm 33,22% tổng số dư tiền gửi tại các QTDND và chiếm 0,2% tổng số dư tiền gửi của cả nước vào thời điểm đó. Cuối năm 1996, có 300 QTDND tham gia BHTG, cuối quí I/1997 có 370 QTDND tham gia với số tiền thuộc đối tượng được bảo hiểm là 322 tỷ đồng [1].
Có thể nói, hoạt động BHTG do Bảo Việt thực hiện mới chỉ triển khai được với một số QTDND còn các tổ chức có huy động tiền gửi khác không
tham gia BHTG. Việc BHTG cho người gửi tiền lúc bấy giờ rất manh mún và mang tính chất tình thế.
Tính đến năm 1997, sau gần 10 năm thực hiện đổi mới, hoạt động ngân hàng ở Việt Nam đạt được trình độ phát triển nhất định. Số lượng các đơn vị tham gia kinh doanh ngân hàng cũng tăng lên nhiều. Hoạt động ngân hàng dần thể hiện tính thị trường. Tính cạnh tranh trong huy động tiền gửi và cho vay là vấn đề bức bách đối với các đối tác tham gia trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ và tín dụng.
Yếu tố rủi ro trong lĩnh vực kinh doanh ngân hàng ngày càng trở nên phức tạp và cần có giải pháp phòng ngừa kịp thời. Cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ ở khu vực từ đầu năm 1997 phần nào đã có ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là các ngân hàng đầu tư vào các dự án liên doanh hoặc xuất nhập khẩu. Hơn nữa, xu thế hội nhập trong khu vực và trên thế giới mang lại cơ hội cho các ngân hàng Việt Nam đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức và rủi ro ở mức cao hơn. Cùng với tốc độ mở cửa ngày càng tăng, sự tác động đối với thị trường huy động vốn và tiêu thụ vốn trong nước cũng sẽ chịu tác động trực tiếp của những thay đổi, biến động của thị trường tài chính và tiền tệ tại khu vực và trên thế giới.
Việc nghiên cứu thiết lập mô hình BHTG ở Việt Nam chỉ thực sự được nghiên cứu một cách triệt để từ giữa năm 1997, khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng đề án về BHTG, đặc biệt là khi Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua vào tháng 12 năm 1997 [3].
Khoản 1, Điều 17, Luật Các tổ chức tín dụng quy định: tổ chức tín dụng có trách nhiệm tham gia tổ chức bảo toàn hoặc bảo hiểm tiền gửi; mức bảo toàn hoặc bảo hiểm do Chính phủ quy định.
Trước bối cảnh đó của Việt Nam cũng như xu thế chung của nhiều nước trên thế giới, tổ chức BHTG Việt Nam với tên gọi “Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam” đã được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 7/7/2000. Hoạt động BHTG ở Việt Nam từ đây được công nhận là một trong các giải pháp chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, hỗ trợ các tổ chức tín dụng gặp khó khăn, góp phần kiểm soát và phòng ngừa rủi ro trong hoạt động ngân hàng [1].