II/ Giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng trung, dài hạn:
5- Tiêu chuẩn hoá cán bộ để nâng cao chất lượng tín dụng:
Chất lượng tín dụng phụ thuộc khá nhiều vào chất lượng các công việc từ khâu hoạch định chủ trương, chính sách, đến việc thẩm định dự án, phân tích tài chính doanh nghiệp, ra quyết định đầu tư, kiểm tra sử dụng vốn vay, thu nợ... Thực tiễn cho thấy ngoài những yéu tố khách quan đem lại sự thành công hay thất bại của dự án đều có nhân tố chủ quan của con người với tư cách là chủ thể của các mối quan hệ kinh tế. Đương nhiên ngoài yếu tố chủ quan cố ý vì mục đích tư lợi cũng có yếu tố do trình độ khả năng bất cập không thể hoặc chưa thể làm được.
Để có được những cán bộ ngân hàng vừa có "tâm" vừa có "tầm" chi nhánh phải coi trọng việc đào tạo và đào tạo lại lực lượng CB ngân hàng là rất cần thiết và cần đặt ra những tiêu chuẩn CB như sau:
- Cán bộ ngân hàng phải có lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định với mục tiêu phát triển của ngân hàng đề ra. Mọi cán bộ ngân hàng phải nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của mình trong từng lĩnh vực công tác cụ thể, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, có ý thức kỷ luật tốt, liêm khiết.
- Phải có kiến thức nghiệp vụ chuyên môn vững vàng, nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách của Nhà nước, ngành, địa phương; biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo lý luận đã học vào thực tiễn trong khuôn khổ cho phép của pháp luật. Không ngừng tự trau dồi kiến thức qua văn bản nghiệp vụ của ngành, chi nhánh, sách báo... Để từ đó có sự cập nhật những thông tin liên quan đến hoạt động của ngân hàng. Nếu không làm được những điều này cán bộ ngân hàng sẽ không kiểm soát được chất lượng công tác mà mình đảm nhận.
Như vậy ở những vị trí khác nhau những người làm công tác tín dụng cần có thêm những tiêu chuẩn cụ thể sau:
* Đối với cán bộ xây dựng chiến lược về tín dụng:
- Trước hết phải là người có trình độ lý luận về nghiệp vụ ngân hàng vững vàng, ngoài ra phải là người có kiến thức kinh tế tổng hợp, có phương pháp nghiên cứu khoa học, am hiểu thị trường, giàu kinh nghiệm thực tế, có khả năng tổng hợp phán đoán tốt và phải có khả năng dự báo. Từ đó có thể xây dựng chiến lược tín dụng phù hợp với thực tế, đảm bảo tính khả thi.
- Am hiểu pháp luật vì hoạt động tín dụng liên quan đến hầu hết các ngành thuộc mọi thành phần kinh tế. Do vậy cũng liên quan đến hầu hết các ngành luật của hệ thống pháp luật trong nước và quốc tế. Đảm bảo hệ thống chính sách tín dụng không chồng chéo, các quy định phù hợp với hệ thông luật pháp.
- Phải có có kiến thức ngoại ngữ, tin học vì đây là cơ sở, phương tiện để tiếp xúc, nắm bắt nhanh nhạy những sự kiện kinh tế mới phát sinh, để lường trước những biến động trong tương lai. Ngoài ra phải am hiểu về marketing ngân hàng, tuy đây là lĩnh vực khá mới mẻ ở nước ta, nhưng có như vậy chính sách tín dụng mới khai thác được triệt để khách hàng hiện có và có chiến lược khai thác khách hàng tiềm năng.
* Đối với cán bộ trực tiếp giao dịch với khách hàng:
Đây là bộ phận có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đến những phán quyết tín dụng của chi nhánh. Do vậy, ngoài việc được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ ngân hàng, chấp hành nghiêm túc trình tự tác nghiệp tín dụng, họ cần có thêm những tiêu chuẩn sau:
- Am hiểu sâu sắc tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Có khả năng dự báo xu hướng phát triển, hoặc phát hiện những rủi ro tiềm ẩn từ khoản vay, từ chính doanh nghiệp. Từ đó tham mưu kịp thời cho lãnh đạo hướng xử lý cụ thể.
- Có những hiểu biết nhất định về kinh tế thị trường, pháp luật để tránh tình trạng ngân hàng vô tình thành kẻ tiếp tay cho một số cán bộ doanh nghiệp chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
- Phải có trình độ ngoại ngữ, tin học nhất định vì với xu hướng phát triển của xã hội, thì việc cập nhật thông tin mới là vô cùng quan trọng, nó là cơ sở ban đầu cho mọi phán quyết tín dụng. Hơn nữa, ngày càng nhiều nghiệp vụ tín dụng liên quan đến các công ty, ngân hàng nước ngoài do vậy nhu cầu sử dụng thành thạo máy vi tính, biết giao dịch bằng một ngoại ngữ ngày càng trở nên bức thiết.
- Chi nhánh nên có kế hoạch bồi dưỡng cán bộ với những nội dung cơ bản như: Nghiệp vụ, pháp luật, tin học, ngoại ngữ... và định kỳ đánh giá nhận xét cán bộ qua đó để phân loại, xắp xếp lại cán bộ. Những cán bộ tín dụng nào không đủ tiêu chuẩn sẽ bố trí cho làm công tác khác. Cùng với việc phân loại cán bộ ngân hàng nên xây dựng chế độ thưởng, phạt công minh nhằm gắn liền lợi ích vật chất với công việc được giao, nâng cao trách nhiệm của cán bộ tín dụng.