I. MỤC ĐÍCH, MỤC TIÊU GIÁO DỤC
a. Mục tiêu nâng cao dân trí
Xây dựng nền giáo dục phục vụ sự nghiệp nâng cao dân trí – đó là tư tưởng chỉ đạo toàn bộ sư phát triển giáo dục cùa nước ta. Bác Hồ đã đúc kết thành chân lý: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Vì vậy, ngay sau khi giành độc lập vào tháng 8/1945, một trong những nhiệm vụ cấp bách là làm sao cho mọi người biết đọc, biết viết, có kiến thức, hiểu biết được quyền lợi và bổn phận của mình. Vấn đề nâng cao dân trí trở thành quốc sách và là mục tiêu hàng đầu của nền giáo dục nước ta.
Dân trí được hiểu là trình độ hiểu biết, trình độ văn hóa của người dân trong từng thời kỳ lịch sử nhất định. Dân trí biểu hiện trữ lượng hiểu biết văn hoá của một dân tôc. Mặt bằng dân trí được thể hiện bằng số năm học trung bình của người dân một nước vào một thời điểm nhất định.
Dân trí có liên quan đến hạnh phúc, lối sống của con người, đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đến các vấn đế liên quan đến dân tộc và toàn cầu như vấn đề dân quyền, dân sinh, dân chủ… Một quốc gia có trình độ dân trí cao là quốc gia đó có đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân cao, thể hiện trong đời sống chính trị, văn hóa, đạo đức, truyền thống xã hội, trong ý thức, hành vi của cá nhân…
Hiện nay nước ta đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, nhưng với trình độ này so với các nước trong khu vực và với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chúng ta còn phải phấn đấu nâng cao trình độ dân trí rất nhiều.
Mục tiêu nâng cao dân trí đến 2020:
- Củng cố và nâng cao thành quả phổ cập giáo dục Tiểu học và xoá mù chữ. Thực hiện và hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2010 và trung học phổ thông vào năm 2020.
- Xây dựng hoàn chỉnh và phát triển bậc học Mầm non cho hầu hết trẻ em trong độ tuổi. - Phát triển giáo dục ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, phấn đấu giảm chênh lệch về phát triển giáo dục giữa các vùng lãnh thổ.
Nâng cao dân trí là kết quả tổng hợp của nhiều lĩnh vực giáo dục như giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội, giáo dục gia đình, tuy nhiên, giáo dục nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân bao giờ cũng giữ vai trò nòng cốt. Để đạt đến trình độ dân trí ngày càng cao, giáo dục luôn phải đổi mới và phát triển liên tục theo hướng nhân văn hoá, xã hội hoá, đa dạng hoá với những phương thức thích hợp, huy động mọi lực lượng, mọi tiềm năng của xã hội làm giáo dục; nâng cao chất lượng và bảo đảm số lượng giáo viên cho toàn bộ hệ thống giáo dục...