Giáo dục và sự phát triển nhân cách học sinh trung học phổ thông (15 – 18t)

Một phần của tài liệu Bài giảng: Giáo Dục Học Đại Cương TS. Hồ Văn Liên docx (Trang 25 - 27)

IV. GIÁO DỤC VÀ CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN NHÂN CÁCH THEO LỨA TUỔ

6. Giáo dục và sự phát triển nhân cách học sinh trung học phổ thông (15 – 18t)

* Sự phát triển nhân cách

Nhân cách đang trong giai đoạn định hình với nội dung phong phú và có chiều sâu. So với học sinh THCS, học sinh trung học phổ thông có khả năng nhận thức hoàn thiện hơn, các em có thể tìm hiểu sâu và nắm được bản chất của vấn đề chứ không nhìn nhận sự việc cách nông nổi và phiến diện. Nếu được khuyến khích sẽ có những suy nghĩ , mạnh dạn độc đáo. Xem xét các hoạt động và sản phẩm trí tuệ của các em thể hiện trong hoạt động học tập hoặc sinh hoạt ngoại khóa, chúng ta dễ nhận ra sự tiến bộ nhanh chóng về mặt nhận thức của các em. Trên một bài báo tường, một học sinh lớp 11 đã viết: “Vậy đó, trong vòng tay của cha mẹ, thầy cô, bạn bè, em đã lớn, mười sáu , mười bảy tuổi. Mười sáu hay mười bảy, cái tuổi của một thời mông mơ dạt dào chắp cánh cho bao kỳ vọng vươn lên. Giờ đây em đã thôi làm thơ ca ngợi đoá hồng trước ngõ mà biết rằng con người phải đổ bao nhiêu máu xương cho đất nở được hoa hồng; em thôi mơ làm công chúa hay hoàng tử trên tiên giới, mà muốn rằng hôm nay, mình phải sống xứng đáng, biết cho đi và quên mình trong hạnh phúc chung…”

Đời sống nội tâm phát triển, các em ý thức rõ rệt hơn về cái tôi và thích hình dung về hình ảnh bản thân. Nhu cầu bộc lộ bản thân để tự khẳng định trở nên mạnh mẽ hơn, các em thích chia sẻ với bạn bè hoặc đối diện với chính mình trên những trang nhật ký. Học sinh trung học cũng mang nhiều suy nghĩ về kế hoạch cuộc đời và định hướng nghề nghiệp trong tương lai, điều này bị chi phối bởi thần tượng của các em. Việc lựa chọn thần tượng lại phụ thuộc vào khả năng xác định hình ảnh bản thân của các em. Những học sinh không nhận thức rõ về bản thân thường định huớng vào những thần tượng xa vời với khả năng phấn đấu, do đó thường nhanh chóng thay đổi thần tượng và càng hoang mang về bản thân. Lứa tuổi này cũng đã quan tâm đến tình cảm giữa nam và nữ nhưng chưa đủ điều kiện để xây dựng tình yêu đôi lứa bền vững. Hoạt động học tập vẫn là hoạt động quan trọng cho sự phát triển nhân cách và cuộc sống tương lai của các em.

* Nội dung giáo dục

- Trang bị cho thanh niên những hiểu biết về tính chất và cách thức cư xử trong tình bạn, tình yêu.

- Hướng dẫn thanh niên xây dựng kế hoạch cuộc đời phù hợp với sự phát triển cá nhân trong xã hội.

- Giúp thanh niên xây dựng lý tưởng sống cao đẹp.và biết định hướng vào hệ thống giá trị lành mạnh, tích cực theo chuẩn mực xã hội.

- Tạo điều kiện cho thanh niên lựa chọn đúng loại nghề nghiệp của bản thân bằng cách cung cấp thông tin về các loại nghề nghiệp trong xã hội (đặc điểm, nhu cầu của nghề đối với người lao

động). Xác định cho các em biết những nghề nghiệp mà địa phương đang có nhu cầu phát triển. Giúp học sinh THPT nhận ra hứng thú nghề nghiệp và khả năng tương ứng của bản thân.

* Cách thức giáo dục

- Xây dựng một cách đa dạng, phong phú các loại hình hoạt động sôi nổi, hấp dẫn lôi cuốn thanh niên tham gia để phát triển nhân cách lành mạnh.

- Tăng cường các ảnh hưởng tích cực qua phương tiện thông tin đại chúng đến lứa tuổi thanh niên (sản xuất phim ảnh, xuất bản sách, phát hành các loại báo chí thích hợp)

- Xây dựng hệ thống giá trị đáp ứng yêu cầu của thời đại và tuyên truyền, thuyết phục thanh niên có niềm tin lựa chọn các giá trị được xã hội đánh giá cao.

- Nhà giáo dục thật sự là người bạn đáng tin cậy đối với họ, có thái độ tôn trọng, khuyến khích các khả năng sáng tạo, độc đáo của thanh niên.

Một phần của tài liệu Bài giảng: Giáo Dục Học Đại Cương TS. Hồ Văn Liên docx (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(43 trang)
w