Bán hàng qua mạng ra đời ảnh hưởng tới rất nhiều mặt trong đời sống xã hội. Mặt khác, nó cũng chịu sự tác động của rất nhiều yếu tố khác nhau. Để bán hàng qua mạng có thể phát triển thì cần phải có được sự hội tụ của những yếu tố này.
Thứ nhất, hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông. Bán hàng qua mạng được thực hiện chủ yếu thông qua máy tính và mạng internet. Do đó, để bán hàng qua mạng có thể phát triển được, yêu cầu về hạ tầng công nghệ thông tin là không thể thiếu. Các yếu tố trong hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông bao gồm: ngành công nghiệp thiết bị máy tính, thiết bị mạng… đây là các yếu tố thuộc phần cứng trong đầu tư cho bán hàng qua mạng; ngành công nghiệp phần mềm; ngành viễn thông, internet và các dịch vụ gia tăng dựa trên nền internet. Kỹ thuật internet phải đủ nhanh, mạnh để đảm bảo truyền tải đầy đủ các nội dung thông tin. Chi phí kết nối và sử dụng internet phải rẻ để đảm bảo số lượng người dùng lớn. Hiện nay, ở Việt Nam đã có các
nhà cung cấp internet tốc độ cao như FPT, Viettel… với giá cả tương đối rẻ và chất lượng đường truyền đảm bảo khiến cho số lượng người kết nối internet ngày càng nhiều. Ngoài ra, yếu tố quan trọng không thể thiếu là bảo mật, an toàn và an ninh mạng để chống lại các cuộc tấn công với mục đích lấy cắp thông tin, bảo đảm tính bảo mật, tính toàn vẹn và tính sẵn sàng của thông tin.
Thứ hai, hạ tầng pháp lý. Phải có luật về bán hàng qua mạng công nhận tính pháp lý của các giao dịch điện tử, phải có luật sở hữu trí tuệ để bảo vệ sự riêng tư, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và để điều chỉnh các giao dịch qua mạng. Trong thời gian qua, các cơ quan nhà nước đã tích cực xây dựng, hoàn chỉnh và bổ xung, các qui định pháp luật liên quan đến thương mại điện tử. Trong đó, điển hình là việc cho ra đời Luật giao dịch điện tử (có hiệu lực từ 01/03/2006). Luật giao dịch ra đời được đánh giá là có ý nghĩa to lớn trong việc tạo điều kiện phát triển bán hàng qua mạng ở Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, trong các Bộ luật và Luật khác, các hoạt động liên quan đến bán hàng qua mạng cũng được đề cập và qui định cụ thể hơn như: Bộ luật dân sự, Luật thương mại, Luật hải quan, Luật công nghệ thông tin,…
Thứ ba, nhân lực: bán hàng qua mạng liên quan đến việc sử dụng và ứng dụng công nghệ cao vào các giao dịch thương mại. Do đó, phải có chính sách về tuyên tryền và đào tạo nguồn nhân lực am hiểu kinh doanh, công nghệ thông tin, bán hàng qua mạng để triển khai tiếp thị, quảng cáo, xúc tiến, bán hàng và thanh toán qua mạng.
Thứ tư, phải có cơ sở thanh toán điện tử an toàn bảo mật. Một trong những khâu cơ bản trong qui trình thực hiện bán hàng qua mạng là khâu thanh toán. Để được thành công thì cơ sở hạ tầng của việc thanh toán phải được công nhận rộng hơn, môi trường pháp lý đầy đủ, bảo đảm quyền lợi cho cả khách hàng và doanh nghiệp, công nghệ áp dụng phải đồng bộ ở các ngân
hàng cũng như ở các tổ chức thanh toán. Ngoài ra, thanh toán điện tử phải đảm bảo an toàn và bảo mật cho các giao dịch tài chính qua các mạng mở như internet, vì đây sẽ là mục tiêu cho các tội phạm, những kẻ sử dụng thẻ tín dụng trái phép, các hacker,… do các dịch vụ trên internet hiện nay được cung cấp với mọi tiện ích cho khách hàng. Chính vì vậy phải hiện đại hóa hệ thống thanh toán, nhưng phải đảm bảo chống lại được sự tấn công để tìn kiêm thông tin mật, thông tin cá nhân hoặc điều chỉnh thông tin, thông điệp được truyền gửi.
Thứ năm, phải có hệ thống cơ sở chuyển phát nhanh chóng, kịp thời, tiên lợi. Đặc trưng của bán hàng qua mạng là sự nhanh chóng trong mỗi giao dịch hàng hóa. Muốn thành công trong hoạt động bán hàng qua mạng, các doanh nghiệp cần xây dựng một hệ thống giao nhận hàng hóa nhanh gọn và kịp thời.
Thứ sáu, hệ thống đảm bảo an toàn cho mỗi giao dịch: Trong kinh doanh bán hàng qua mạng, ngoài những rủi ro về phần cứng do bị mất căp hay bị phá hủy các thiết bị (máy tính, máy chủ, thiết bị mạng, …), các doanh nghiệp có thể phải chịu những rủi ro về mặt công nghệ như virus, hacker, các chương trình phá hoại, rủi ro về gian lận thẻ tín dụng, tấn công từ chối dịch vụ,… Biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay trong việc đảm bảo tính xác thực là sử dụng hạ tầng khóa công khai PKI (Public Key Infrastructure), trong đó có sử dụng các thiết bị kỹ thuật, hạ tầng và qui trình để ứng dụng vệc mã hóa, chữ kí số và chứng chỉ số. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể sử dụng một số biện pháp khác để đảm bảo an toàn cho hệ thống bán hàng qua mạng như: tường lửa, mạng riêng ảo, sử dụng password đủ mạnh, phòng chống virus hoặc các giải pháp khác như: giải pháp an ninh nguồn nhân lực, giải pháp về trang thiết bị an ninh mạng.
Trên đây là một số yếu tố cơ bản ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh bán hàng qua mạng. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn chịu nhiều tác động từ những nhân tố khác như: môi trường kinh doanh, chiến lược và mô hình kinh doanh, các loại mặt hàng kinh doanh, các phần mềm quản lý tác nghiệp… Các doanh nghiệp muốn thành công trong lĩnh vực kinh doanh bán hàng qua mạng phải hội tụ được rất nhiều yếu tố.