CON ĐƯỜNG NGHỀ NGHIỆP Trả lời câu hỏi của Lê Thị Thúy Hằng

Một phần của tài liệu KHẢO SÁT SỰ NGHIỆP PHÊ BÌNH VĂN HỌC CỦA VƯƠNG TRÍ NHÀN (Trang 106 - 122)

Trả lời câu hỏi của Lê Thị Thúy Hằng

1/ Vì sao ông quan tâm đến văn chương?

Vì sao tôi đến với văn chương? Thỉnh thoảng chính tôi cũng thử đặt ra cho mình câu hỏi này. Và câu trả lời được tôi tìm thấy trong cuộc đời lúc thơ ấu khá buồn bã của mình.

Mẹ tôi mất sớm, năm tôi mới bốn tuổi.

Cả thời thơ ấu tôi lớn lên trong đơn độc, bố tôi và mẹ kế chỉ lo kiếm ăn, người chị hơn tôi sáu tuổi cũng phải sớm chạy chợ để lo thêm sinh kế cho gia đình.

Những cuốn sách phổ thông lúc đó mực đen, giấy xấu. Song tôi vẫn chỉ có chúng làm bè bạn. Sách an ủi tôi. Tôi cảm thấy qua văn chương hiểu thêm cuộc đời chung quanh. Tôi tin mọi chuyện được kể lại trong sách là thực và hay lấy tình tiết trong truyện để vận vào mình.

Nhiều lần tôi khóc sau khi đọc truyện Phạm Công Cúc Hoa và Tống Trân Cúc Hoa. Ở một

trong hai truyện này (lâu ngày đọc cũng không nhớ chính xác) có đoạn kể, người mẹ mất sớm, bố lấy dì ghẻ, hai anh em đi tìm mẹ. Người mẹ cảm lòng con, đêm đêm hiện về trò chuyện với các con. Gần sáng mẹ phải trở về cõi âm. Mẹ mới bảo các con quay lưng lại đây mẹ bắt chấy cho. Các con quay lưng lại, thì nhân đó mẹ biến mất.

Sau này đọc Tắt đèn, đến đoạn chị Dậu phải bán cái Tý thường tôi cũng khóc hết nước mắt. Qua văn chương tôi cảm thấy nó -- sự đơn độc-- có mặt ở nhiều cuộc đời khác. Nhờ vậy tôi

như giải tỏa được ít nhiều nỗi đau trong khi vẫn là mình, yên tâm với nỗi cô độc không sao dứt bỏ nổi trong mình.

Đọc thêm sách vở, tôi hiểu chỉ với nó, con người ta mới cảm thấy cuộc sống một cách đầy đủ

nhất.

Vào những ngày đầu năm Canh Dần 2010, khi được hỏi về Lễ hội thơ, tôi có trả lời tuần báo

Pháp luật TP HCM rằng tôi không tin lắm thứ thơ mang ra đọc trước công chúng, tôi chỉ phân biệt

được thơ hay hay dở khi một mình một bóng, tiếp xúc với văn bản. Không phải là tôi cố ý muốn làm ra vẻ độc đáo, mà sự thực kinh nghiệm của tôi với văn chương là vậy.

Nhiều lần tôi được các đồng nghiệp và cả các bạn bè làm nghề khác khuyên răn là đừng có đọc sách nhiều, phải đi vào thực tế, chứ sách vở không cho người ta biết cuộc đời là thế nào đâu. Tôi

cảm ơn những lời khuyên đó, nhưng trong bụng nghĩ ngược lại và kiên trì theo con đường ngược lại. Là tin ở sách, dùng sách vở để kéo dài kinh nghiệm trong thực tế.

Sau hơn bốn chục năm sống với văn chương nay nghĩ lại tôi thấy những trang sách tôi đọc không phải chỉ là cần thiết cho sự hành nghề của tôi, mà còn giúp cho tôi sống nữa.

Khi viết các bài phiếm luận về các vấn đề văn hóa xã hội, tôi đã vận dụng nhiều hiểu biết mà tôi tiếp nhận được từ các sáng tác văn thơ đã đọc khi viết phê bình.

Càng già tôi càng tin rằng việc tôi quan tâm đến văn chương là một quyết định đúng lúc trẻ. Tôi rất muốn một dịp nào đó sẽ viết một thứ hồi ký theo chủ đề “văn chương trong đời tôi.”

Có lần tôi đã liều mạng … định nghĩa văn học. Đây là một câu in nghiêng trích từ một bài viết về Vũ Trọng Phụng” Văn học là tiếng kêu khắc khoải của con người, trước một thực tế đời sống

không bao giờ họ cảm thấy bằng lòng và sự thật là không bao giờ hiểu hết” ( xem Nhà văn tiền

chiến và quá trình hiện đại hóa trong văn học Việt Nam – H. Nxb Đại học quốc gia Hà Nội 2006, tr

174). Mặc dầu hình như chả ai để ý tới ý tưởng này bao giờ , nhưng tôi vẫn tha thiết với nó. Bởi nó làm chứng cái lý do tôi đến với văn chương mà tôi vừa nói với bạn ở trên.

2/Vì sao ông chọn con đường phê bình văn học? và

3/Có khi nào ông thử sáng tác không?

Hồi học cấp III Chu Văn An (1958-61), tôi đã thử viết ca dao cho Sở Văn hóa HN trên những tờ

bướm gọi là Tiếng hát quê ta, Tiếng máy. Và ca dao của tôi thường được đăng bên cạnh ca dao của

các anh Văn Tuế, Bùi Kim,Võ Văn Trực, Ngô Văn Phú, Trần Nhật Lam … Ngoài ra tôi đã thử làm thơ, thử viết ký và cái mà bọn tôi “tưởng là truyện ngắn”. Đến các thể này thì tôi thất bại.

Do thử làm thơ, tôi làm quen với một số bạn bè, và trước tiên đọc họ. Bài phê bình đầu tiên tôi

viết là bài về tập thơ Sức mới. Đó là một tập thơ của các bạn lúc đó còn trẻ như tôi. Tôi đã đọc không chỉ các bài các anh in trong Sức mới mà còn đọc nhiều bài khác các anh đã cho in trên báo.

Đọc để học cách làm thơ. Bây giờ tôi chỉ cần nối các ý tưởng ấy lại là hình thành nên bài phê bình nói trên.

Từ một đơn vị quân đội trên Bắc Giang, tôi gửi bài về Văn Nghệ. Bài được in gần một trang

trên một số báo ra trong tháng 3-1965.

Mối quan hệ của tôi với giới cầm bút bắt đầu từ đấy. Một đặc điểm trong cách làm nghề mấy năm đầu của tôi là lo đánh bạn với cánh sáng tác trẻ nhiều hơn, trò chuyện về nghề với các bậc đàn anh như Nguyễn Khải Nguyễn Minh Châu nhiều hơn, trong khi chỉ quan hệ với các cây bút phê bình ở các báo …như các đồng nghiệp.

Tôi vẫn chưa quên sáng tác ngay cả khi về Văn Nghệ Quân Đội, dù là chỉ ở dạng đơn sơ là viết

chính ông Nhàn viết phê bình rất tự do, mà viết ký lại gò bó. Tôi thấy đúng và nghĩ tội gì không chọn chỗ mình cảm thấy tự do mà làm. Thế là viết phê bình đều đều.

Như vậy không có gì sai nếu nói lúc đầu tôi viết phê bình vì sáng tác không nên thân. Đó là một điều nhiều bạn bè tôi hồi ấy đều biết cả, tôi có giấu cũng không được.

Tôi chỉ không đồng tình với suy diễn của một số người, họ cho rằng đã không sáng tác được thì là phê bình cũng vứt đi.

Bên Pháp có trường hợp nhà nghiên cứu gốc Bungary là J.Kritseva, mọi cuốn lịch sử phê bình thế kỷ XX phải nhắc đến tên bà. Có lần tôi đọc tiểu sử thấy người ta nói bà còn là tác giả một cuốn tiểu thuyết mà bà viết lúc đã thành danh và hình như … chẳng ai nhắc nhở bao giờ. Chắc bà viết để hiểu thêm về sự sáng tác tôi nghĩ, và thấy phục một người dám sống như vậy.

Cho đến nay mối quan hệ phê bình sáng tác vẫn rất lủng củng. Cách nghĩ coi trọng sáng tác hơn phê bình đã thành nếp cố hữu ở một số đầu óc. Và nhiều người công khai nhắc lại cái câu khái quát hàm hồ “Một nhà văn học ba ngày thành nhà phê bình chứ nhà phê bình học ba năm không thành nhà sáng tác được”. Hoặc độc địa hơn, người ta dẫn lại một câu từ miệng một nhà văn nước ngoài : -- Khi không viết được văn chương thì người ta đi viết phê bình. Cũng như khi không làm chiến sĩ thì người ta làm mật thám.

Tôi, lúc ấy còn trẻ, nghe mà chết điếng trong lòng. Nhưng chỉ buồn một dạo rồi thôi. Lúc tỉnh táo, tôi tự nhủ: Đó là họ quá ghét phê bình nên nói cho sướng miệng. Maiakovski có viết một câu thơ đại ý, nếu một vì sao đang phát sáng vì nó đang cần cho ai đó. Mặc bao lời bỉ bác, phê bình vẫn tồn tại. Người ta coi thường những người phê bình viết dở như coi thường mọi người cầm bút kém cỏi nói chung. Và việc đó không khiến người ta từ bỏ việc khao khát tìm đọc những nhà phê bình có tài, những nhà phê bình chân chính.

Liên hệ bản thân, tôi nghĩ:

--Nếu không viết phê bình, mình sẽ không hiểu được nghề văn cặn kẽ như hiện nay. Loanh quanh với những quan niệm cũ, thì có sáng tác được mình cũng không ra cái gì.

--Với việc viết phê bình, minh nói được nhiều điều mình muốn nói, chẳng những thế, có những lúc trở nên có ích cho một số bạn đọc—thế là được rồi.

Chung quanh mối quan hệ giữa phê bình với sáng tác cho phép tôi nói thêm một điểm nữa: Khi muốn nhấn mạnh rằng mình là “ nhà phê bình đích thực”, “nhà phê bình rất có tài” … có những đồng nghiệp của tôi – kể cả khi đã cao tuổi đã thành danh trong nghề -- hay hí hửng khoe: mình được các nhà văn nhà thơ vì nể, họ coi trọng mình, cho là mình mới hiểu giới sáng tác.

Tôi thấy khoe thế hơi… ấu trĩ. Gần năm chục năm sống trong nghề, tôi nhận ra rằng đa số các nhà văn cũng có cái tâm lý như người thường, ai khen mình thì quý thì cho là có tài, ai chê thì ghét

bỏ. Nghề viết văn ở VN còn ở tình trạng nghiệp dư, mối quan hệ giữa những người làm nghề nhiều khi mang tính cách cánh hẩu và vụ lợi.

Trong hoàn cảnh ấy, sự phổ biến của cái tâm lý nói trên không có gì lạ. Đúng là được các nhà văn mà mình kính trọng khen, ai không thấy sướng.

Song nên nhớ sự tỉnh táo cần cho nghề viết văn nói chung, càng cần cho nghề phê bình nói riêng. Khi được người sáng tác khen, anh cần tự xét lời khen chê kia là thực bụng, hơn nữa là chính xác, hay chỉ là lối nói lấy lòng nhau. Khi bị chê, cũng cần yên tâm tiếp nhận và tiếp tục suy nghĩ về nghề. Ta viết vì nền văn học, vì bạn đọc nói chung chứ không phải vì riêng một ai. Ta là thế nào, ở trình độ nào, thiên hạ trước sau sẽ biết đánh giá đúng. Ý kiến của mấy nhà sáng tác chỉ là những gợi ý ban đầu, chứ đâu phải tiếng nói cuối cùng.

Một thời gian dài tôi cũng có lối sùng bái vô điều kiện sáng tác và tự miệt thị phê bình. Song càng sống tôi càng thấy không nên nghĩ như vậy. Những tự tin những năm trưởng thành giúp tôi tìm thấy và khai thác tốt hơn phần sức lực mà tôi vốn có.

4/ Được biết ông sống ăn lương từ nghề biên tập ở nhà xuất bản. Ông có hài lòng với công

việc này? Những thuận lợi và khó khăn trong quan hệ giữa công việc biên tập và công việc phê bình, từ kinh nghiệm của ông?

Dân viết phê bình thường là thầy giáo ở các trường đại học, hoặc các nhà báo. Số người ăn lương ở nghề xuất bản mà làm phê bình như tôi hơi ít. Nhưng tôi cho là tôi đã chọn đúng nghề. Tôi hiểu bạn muốn hỏi công việc biên tập giúp gì cho hoạt động của nhà phê bình? Giúp nhiều chứ. Tôi đọc kỹ tác phẩm hơn. Tôi vào trong bếp núc của sự sáng tác. Tôi có dịp trò chuyện với tác giả. Nói chung là tôi hiểu thêm văn học.

Có nhiều kỷ niệm trong cuộc đời làm biên tập, đây tôi chỉ kể hai trường hợp. Một có liên quan

đến cuốn Chuyện nghề của Nguyễn Tuân. Năm ấy, khoảng 1984, cụ Nguyễn vay tiền của Nhà xuất bản Tác phẩm mới của tôi quá nhiều. Ông Mãi, phó giám đốc nhà xuất bản hỏi tôi có cách nào in

cho Nguyễn một quyển sách để trừ nợ không. Tôi bảo thế thì làm lấy một tập bài Nguyễn Tuân viết về nghề văn. Tự tôi đi tìm tài liệu. Khi nhờ sự giúp đỡ cô Hà thư viện Hội, đã có một bản thảo tàm

tạm, tôi mới mang trình Nguyễn Tuân, xem sắp xếp các bài ra sao, đặt tên sách ra sao. Chuyện nghề

của Nguyễn Tuân ra đời là thế.

Trường hợp thứ hai, khoảng sau 1990, sau khi đọc một bài báo của Bùi Ngọc Tấn viết về

Nguyên Hồng, tôi đã đề nghị ông viết hẳn một cuốn sách về tác giả Bỉ vỏ. Kết quả là ông viết được cuốn Một thời để mất. Bạn đọc có thể đọc thêm quá trình trao đổi công việc giữa tôi và anh Tấn qua những lá thư mà tác giả đã công bố như một phụ lục Một thời để mất, in trong cuốn Bùi Ngọc Tấn

Qua hai trường hợp ấy và một vài trường hợp tương tự, tôi thấy giữa việc làm nghề phê bình mà tôi đã chọn, với nghề nghề làm công ăn lương là nghề biên tập, có sự hỗ trợ bổ sung cho nhau. Gần đây do quan niệm phê bình gần với tiếp thị nên mới có hiện tượng một người biên tập xong một tập sách lại đứng ra viết giới thiệu tập sách đó trên sách báo. Thời tôi vào nghề, người biên tập phải nhường việc đó cho người khác, để tôn trọng công luận. Tích lũy được gì qua việc biên tập anh sẽ viết sau.

Tôi coi tiếp thị không phải là phê bình văn học.

Càng làm biên tập tôi càng thấy người biên tập đóng vai trò không thể thiếu trong sự ra đời của tác phẩm. Người bạn đường. Người tư vấn. Đôi khi đó gần như là người truyền ban cho người khác sút. Theo chỗ tôi biết ở bên Tầu cũng vậy bên Tây cũng vậy. Chỉ trừ ở ta. Ở ta, các nhà văn chỉ coi người biên tập là một loại nhân viên soát vé. Lao động nghề văn chỉ được hiểu là lao động đơn độc của chính người viết. Không có sự cộng tác. Điều đó làm cho nhiều tác phẩm đáng lẽ có thể hoàn thiện hơn thì dừng lại như chúng ta đã thấy. Nhưng chả ai thấy buồn vì chuyện này cả. Chỉ có bạn đọc là thiệt.

5/ Không khí xã hội có ảnh hưởng nhiều đến tâm thế viết của ông? Rồi cả không khí trong giới

cầm bút ?

Có chứ, những diễn biến trong hoàn cảnh ảnh hưởng đến tôi, cũng tương tự như thiên nhiên, khí hậu cuộc sống gia đình, thông tin tiếp nhận được… cũng đã ảnh hưởng đến tôi.

Bệnh của nhiều người viết ở VN là đua nhau chạy theo những nóng lạnh có tính thời sự. Tôi cũng có lúc đã mắc căn bệnh đó, đại khái là không có gì theo đuổi lâu dài chỉ hong hóng để ý xem dư luận đang bàn về cái gì thì cũng ghé gẩm nói vào. Nhưng tôi chóng chán. Tự thấy so với nhiều người trong giới, tôi không cuồng nhiệt bằng.

Vả chăng mỗi tuổi mỗi khác. Thuở mới ba mươi bốn mươi còn thích đi nghe ngóng mọi người làm ăn viết lách ra sao. Từ 2007, sau khi về hưu ở tuổi 65, tôi cố để hạn chế những ảnh hưởng từ không khí chung mà lo quay về sống với bản thân mình là chính. Không khí xã hội lúc này được hiểu là những vấn đề lớn của cả giai đoạn lịch sử lâu dài, chứ không phải những chuyện thời sự “ nhạy cảm” theo cách người ta hay nói.

Một người phê bình tôi quen thấy có tác phẩm nào có vẻ nổi, là lo “ xí chỗ’ ở một tờ báo nào đó xin viết, để chứng tỏ là mình nhanh ta nhanh mắt và sớm có mặt. Một thời tôi cũng bị cuốn theo lối làm việc ấy. Sau tôi nghĩ lại, cứ để cho mọi người nói trước đã. Vấn đề là mình có được những ý tưởng mà người khác không có . Một nhà phê bình chân chính phải biết đọc trong cái thời sự những gì thuộc về vĩnh viễn, khi đó thời sự qua đi người ta vẫn tìm tới văn mình. Đó chính là nội dung của hai chữ “ một nhà phê bình sâu sắc “ mà tôi đặt ra như một mơ ước, dù không bao giờ đạt tới.

Trong lý luận về tiểu thuyết của M.Bakhtin có một khái niệm là thời gian lớn, một điều mà

Bakhtin đòi hỏi là nhà văn phải có đối thoại với cái thời gian lớn này, có thế mới thu hút được sự quan tâm của lịch sử văn học. Theo tôi, đó cũng là đòi hỏi với các nhà phê bình.

Một phần của tài liệu KHẢO SÁT SỰ NGHIỆP PHÊ BÌNH VĂN HỌC CỦA VƯƠNG TRÍ NHÀN (Trang 106 - 122)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)