VÀ THẾ GIỚI
2.1.Tìm lại những mùa quá khứ
Trong những công trình nghiên cứu của mình, Vương Trí Nhàn dành 46 trang để viết về các
tác giả của văn học trung đại. Ở Nghiệp văn ông dành 33 trang (tr8 – 40) và ở Những kiếp hoa dại
ông dành 13 trang (tr 94 – 100, tr 111 – 116). Những tác giả ông chọn ở đây là những tác giả đã được nghiên cứu nhiều và có nhiều nét hợp với thời đại hiện nay. Khi tìm hiểu về Nguyễn Gia
Thiều, Vương Trí Nhàn đưa ra lí do: “Giữa những hướng đi khác nhau và luôn luôn biến hóa đắp
đổi lẫn nhau, văn hóa hiện đại – trong đó có mốt - không bao giờ quên một kênh phát triển độc đáo: Trở về với những giá trị cổ điển… nó là điều kiện thuận tiện để giúp chúng ta công bằng hơn trong việc nhìn nhận một số hiện tượng văn hóa, chẳng hạn như trường hợp “Cung oán ngâm khúc” [72,
tr94, 95]. Hay khi tìm hiểu về Hồ Xuân Hương, nhà phê bình cho rằng: “Bởi lẽ trong thơ, bà là một
trong những tác giả cổ điển có cái dáng vẻ hiện đại bậc nhất, nên chi về mặt tính cách, chắc chắn đấy cũng là một người dễ hợp với thời đại chúng ta và cả những hình thức quan hệ mà thời đại chúng ta đang có” [72, tr112]. Như vậy Vương Trí Nhàn đã tìm ra những mối dây liên hệ giữa quá
khứ và hiện tại, làm cho những chân dung nhà thơ xưa hiện lên chân thực, gần với bạn đọc ngày nay.
2.1.1.Những giá trị cổ điển
Ở phần này Vương Trí Nhàn chủ trương đánh giá về các nhà thơ của văn học trung đại Việt Nam giai đoạn từ thế kỉ XVIII đến cuối thế kỉ XIX. Tác giả đầu tiên mà ông tìm hiểu là Nguyễn Gia Thiều. Đối với tác giả này, Vương Trí Nhàn không đi sâu vào tìm hiểu về cuộc đời, thời đại lịch sử, môi trường văn hóa đã ảnh hưởng đến Nguyễn Gia Thiều. Ông cũng không đánh giá tỉ mỉ về nội dung và nghệ thuật tác phẩm mà chỉ tìm ra những nét đặc sắc nhất của nó. Thứ nhất là nghệ thuật
điêu luyện của “Cung oán ngâm khúc”, chủ yếu thể hiện qua “Ngôn ngữ cô đọng, gò thắt, không
chấp nhận bất cứ sự “dừng chân” nào vội vàng chiếu lệ” [72, tr. 95]. Theo Vương Trí Nhàn, những
câu thơ song thất lục bát được Nguyễn Gia Thiều sử dụng hết sức uyển chuyển, tinh tế, trau chuốt. Mỗi câu thơ gắn liền với một loạt những điển tích, điển cố trong sách vở. Thứ hai là triết lí về đạo
Phật trong tác phẩm: “Đạo Phật nói đời là bể khổ. Nguyễn Gia Thiều không nói gì hơn, chỉ có điều
ông thấm thía nó một cách sâu sắc và diễn tả như là chính người cung nữ của ông, chính ông nữa, vừa phát hiện cho mình” [72, tr. 97]. Nhiều câu thơ của “Cung oán ngâm khúc” đã thể hiện triết lí
này. Vấn đề này cũng được phân tích sâu qua những bài viết của các nhà phê bình như Đặng Thanh Lê, Nguyễn Lộc.
Tuy nhiên điểm khác biệt của Vương Trí Nhàn khi nghiên cứu về “Cung oán ngâm khúc” là ông phát hiện ra Nguyễn Gia Thiều có liên quan đến nghệ thuật ba-rốc trên thế giới: “Qua cách
diễn tả của nhiều tác giả ba-rôc nổi tiếng như Bernini trong kiến trúc, Rubers, Van Dyck,… trong hội họa, Tasso, Calderon v.v… trong Văn học, cuộc đời này thật ra là một sân khấu lớn” – cũng là lúc người ta cảm thấy vỡ mộng” và “Từ nay, những ám ảnh về cái chết không sao rời khỏi đầu óc người ta nữa” [72, tr. 98]. Bên cạnh đó, sự khao khát hưởng lạc cũng là một phần của nghệ thuật
ba-rốc, vì sau những ám ảnh về cuộc sống ngắn ngủi, nghệ thuật này lại kêu gọi con người hưởng thụ cuộc sống. Trong tác phẩm nhân vật người cung nữ hiện lên với khao khát hạnh phúc chăn gối
mãnh liệt. Những ham muốn này thật trần tục, “có vẻ tội lỗi” (cách dùng của Vương Trí Nhàn )
nhưng lại gần gũi với con người hiện đại. Và Vương Trí Nhàn cũng khẳng định đó chính là lý do
làm cho “Cung oán ngâm khúc” tồn tại trong lịch sử.
Hồ Xuân Hương là một hiện tượng độc đáo trong lịch sử văn học Việt Nam, là một trong những nhà thơ cổ điển được nhắc tới nhiều nhất và gây nhiều tranh luận nhất. Vương Trí Nhàn đã tưởng tượng ra một cuộc phỏng vấn với Hồ Xuân Hương. Trong bài viết này ông cũng khẳng định lại một số vấn đề như: tính cách mạnh mẽ, tinh nghịch trong thơ Hồ Xuân Hương; việc phê phán những thói hư tật xấu của đấng nam nhi; từ thơ Hồ Xuân Hương liên tưởng đến thơ Boccaccio, Rabelais,… Đặc biệt thông qua cách nói của nữ sĩ họ Hồ, Vương Trí Nhàn đưa ra những lời bình luận của mình về ý kiến của một số nhà phê bình như Hoài Thanh, Nguyễn Đức Bính, Chế Lan
Viên. Hoài Thanh không thích đọc thơ Hồ Xuân Hương nên cho rằng “vì giận ghét xã hội, tôi
(Xuân Hương) đã ném các thứ dơ dáy lên thiên nhiên”, còn Nguyễn Đức Bính bảo Xuân Hương “trở về với thời nguyên thủy”, Chế Lan Viên bảo Xuân Hương “he hé tài tình” [72, tr.113]. Theo
Vương Trí Nhàn, Xuân Hương “gần gũi với cái khao khát không yên của con người hiện đại” [72,
tr.113]. Thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói phản kháng mạnh mẽ và quyết liệt đối với xã hội phong kiến, là khát vọng giải phóng của người phụ nữ, là ước mơ về hạnh phúc. Bên cạnh đó, Vương Trí Nhàn đã khẳng định sự đóng góp của nữ sĩ đối với văn học:
“- Theo bà hiểu, đóng góp của bà trong văn học là gì?
- Tôi là cái ham muốn muôn đời của con người, muốn được sống thật đã đầy, thật trọn vẹn. Và cũng là cái ham muốn vượt lên trên mọi ràng buộc, không chịu khuất phục các quy phạm, muốn vứt bỏ hết mọi sự thiêng liêng đắp điếm giả tạo để tìm đến cái thiêng liêng chân chính của đời sống”
[72, tr.116]. Như vậy, trong ý nghĩ này, Vương Trí Nhàn đã đánh giá cả về nội dung và nghệ thuật của thơ Hồ Xuân Hương. Thơ bà thể hiện khát khao sống mãnh liệt và sự sáng tạo về ngôn từ, hình ảnh. Đây chính là những điều giúp cho thơ Hồ Xuân Hương tồn tại với cuộc đời.
Tác giả cuối cùng của văn học trung đại Việt Nam giai đoạn từ thế kỉ XVIII đến cuối thế kỉ XIX mà Vương Trí Nhàn đề cập đó là Tú Xương. Vương Trí Nhàn đã tìm hiểu về những nhân vật
trong thơ Tú Xương, nghệ thuật thơ Tú Xương. Ông gọi thơ Tú Xương là “Một phòng triển lãm”, là
“Những nét kỳ dị” và “Sự phá cách”. Ông cũng có những cách đánh giá được nhiều nhà nghiên cứu
thừa nhận như thơ Tú Xương có nhiều loại nhân vật, nhà thơ trào phúng thấy được sự biến dạng của con người, giọng thơ chua chát và sự phá cách trong thơ Đường luật.
Thế nhưng nét độc đáo của Vương Trí Nhàn là ông phát hiện ra chất báo chí trong thơ Tú
Xương. Ông nhận xét: “Nếu như căn cứ vào nội dung của các bài thơ mà Tú Xương để lại, người ta
lại không khỏi có ý nghĩ rằng ông nhà nho này sinh ra để làm báo. Ở ông luôn luôn có tư duy của một ký giả, chẳng qua sinh bất phùng thời, không gặp cơ may để thi thố ngòi bút cho đúng lúc thôi, chứ thực ra ông phải là người của trường văn trận bút hiện đại thì mới phải” [73, tr. 15]. Theo
Vương Trí Nhàn chất báo chí trong thơ Tú Xương được thể hiện ở những điểm sau: 1. Thơ Tú
Xương “hướng ngoại”; 2. Tư duy bám sát hiện tượng và sự vật của thơ Tú Xương; 3. Nhiều sáng
tác của Tú Xương hình như được viết rất nhanh; 4. Nếu đi làm báo, Tú Xương sẽ là một nhà báo viết được nhiều thể tài khác nhau. Như vậy từ những đặc điểm của báo chí như ghi nhận những câu chuyện hằng ngày, cách miêu tả cụ thể sự vật, hiện tượng, cách làm việc nhanh chóng không cần cảm hứng, Vương Trí Nhàn đã liên hệ với thơ Tú Xương và phát hiện ra trong thơ của tác giả này có đầy đủ những đặc điểm đó. Chất báo chí này có nguồn gốc sâu xa từ quan niệm sống của Tú
Xương: “Ông thích công khai nói lên những dục vọng vật chất, những khao khát thèm muốn thường
xuyên lồng lộn vật vã trong mình. Cay nghiệt trong nhận xét, xô bồ thoải mái trong lựa chọn tài liệu, không ngại trâng tráo trong trình bầy miêu tả, ông đã mang tới trong thơ ca một tiếng nói mới, tiếng nói của những thành thị đang hình thành” [73, tr. 17].
Theo Vương Trí Nhàn, chất báo chí ấy đã góp phần làm nên tính hiện đại trong thơ Tú Xương, thể hiện ở cách cảm nhận đời sống và thái độ tự phê phán của nhà thơ. Thông qua bài phỏng vấn tưởng tượng với Tú Xương, Vương Trí Nhàn đã để cho Tú Xương phát biểu trực tiếp về điều ấy:
“- Hẳn ông cũng biết rằng với một tuyên ngôn như thế, ông trở nên rất gần với con người hiện
đại?
- Gần chứ. Chúng tôi gần nhau ở nhiều thứ. Nhu cầu tiêu thụ. Khao khát tiện nghi. Cảm giác về một sự náo động thường xuyên. Cảm giác về tốc độ” [72, tr. 118]. Ngoài ra, Tú Xương còn hiện đại
ở chỗ “thường công khai nói thẳng về mình, sẵn sàng nhạo báng mình” [72, tr. 119]. Vương Trí
Nhàn đã đặt tác giả mà mình phê bình trong một sự đối chiếu, liên hệ với các hiện tượng dân gian để khẳng định là chất hiện đại trong thơ Tú Xương là một nguồn mạch nối tiếp từ Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, thơ Hồ Xuân Hương... Qua đó, ông giúp người đọc nhận ra sự vận động của văn học
Việt Nam với những gương mặt tác giả tiêu biểu. Phần cuối bài phỏng vấn, Vương Trí Nhàn mượn
lời phát biểu của Tú Xương để đưa ra quan niệm về nghề văn: “Kinh nghiệm đời tôi bảo với tôi
rằng: Người ta không bỏ nổi văn chương thì hãy làm văn. Nó là chuyện nghiệp chướng. Không ai lại đi chọn nó cả. Tôi chán những kẻ lấy văn chương để lập thân, với lại chán những sự cảm động hão huyền, nước mắt ngắn nước mắt dài sụt sịt trong thơ lắm rồi” [72, tr. 120]. Nghề văn đòi hỏi sự
say mê, tâm huyết; tác phẩm viết ra phải chân thực, sinh động, có ích cho cuộc đời. Phải chăng đó cũng là những điều mà Vương Trí Nhàn muốn gửi gắm đến thế hệ các nhà văn hiện nay?
2.1.2. Những giá trị của buổi giao thời
Tản Đà là một nhà thơ thể hiện rõ đặc điểm của văn học Việt Nam giai đoạn 1900 – 1930. Đối với tác giả này, Vương Trí Nhàn đã phác họa một chân dung cụ thể với những nét tiêu biểu về cuộc đời và sự nghiệp. Ở đây ông làm công việc của một người viết văn học sử qua việc tìm hiểu tỉ
mỉ về tác giả. Chân dung Tản Đà hiện lên với những chi tiết quan trọng, từ “Xuất thân và học vấn”,
“Lý do để đi vào nghề cầm bút”, “Sự thích ứng với hoàn cảnh”, “Vinh quang nghề nghiệp”,… Ông
còn nghiên cứu về nghệ thuật thơ Tản Đà và có một bài phỏng vấn Tản Đà. Cũng như các nhà phê bình khác, Vương Trí Nhàn khẳng định những yếu tố như: Tản Đà là người xuất thân từ cửa Không sân Trình và từng qua Hán học; việc thi trượt, mối tình đầu dang dở đã mở đường cho cái ngông, cái bất cần trong thơ ông; thích ứng với hoàn cảnh, Tản Đà đã viết văn, viết báo, khi thời thế thay đổi; ông có nhiều tác phẩm, là một trong những nhân vật nổi tiếng trong văn học Việt Nam trước 1932; Tản Đà là lớp nho sĩ tài tử phong kiến và là người đóng vai trò chuyển tiếp trong văn học...
Vương Trí Nhàn đặc biệt chú ý tính dân tộc trong nghệ thuật thơ Tản Đà. Vẻ đẹp thơ Tản Đà
là “Không phải thuộc dạng lộng lẫy và gây nên những choáng ngợp, mà là một vẻ đẹp hồn hậu, có
làm dáng một chút vẫn giữ được vẻ tự nhiên” [73, tr. 30]. Câu chữ trong thơ Tản Đà cũng được trau
chuốt “nhưng không bao giờ lộ vẻ cố ý cầu kỳ, càng không bao giờ đẩy những tìm tòi tới cùng để
đưa ra một lý thuyết mới về hình thức” [73, tr. 32].
Điểm khác biệt giữa Vương Trí Nhàn và các nhà phê bình khác là ông cho rằng trong thơ Tản
Đà có cái triết lý hiện sinh: “Đối với người Việt, nói toạc cái câu chuyện thích ăn thích uống trước
mọi người hình như không được nhã lắm. Nhưng nghĩ cho kỹ, vẫn thấy ở chỗ ấy Tản Đà (và sau này là Nguyễn Tuân) bộc lộ một nét tâm lý chung, có ở nhiều người quanh ta; ở đây, thấy có thấp thoáng bóng dáng của một thứ triết lý sống hiện sinh, cốt bắt lấy niềm khoái hoạt ngay trong cõi đời hằng ngày” [73 tr. 33]. Theo Vương Trí Nhàn, với triết lý hiện sinh, Tản Đà đã tạo nên cách tồn
tại riêng của mình trong văn học. Cùng với thái độ dám sống thực, Tản Đà là hiện thân của con
người cá nhân hiện đại“Sự thành thực. Thành thực dám là mình, nói to lên những điều mình cảm,
mình nghĩ, không cần tính đến chuyện khôn hay dại” [73, tr. 37]. Nhà phê bình đã phân tích rất kỹ
ngon, vui chơi, tình yêu được ông thể hiện rõ nét, phong phú; ông đã nâng những cái đó lên thành một chủ nghĩa: Chủ nghĩa hưởng lạc; Tản Đà dám lên tiếng nói về những cảm nhận riêng, những khao khát riêng của mình về cuộc sống.
Nhìn chung, khi tìm hiểu về các tác giả của văn học quá khứ, Vương Trí Nhàn đã có những
khám phá mới mẻ. Nhà phê bình đã gọi lên cốt cách của từng nhà thơ. Hồ Xuân Hương: “Một ham
muốn sống thật đã đầy, thật trọn vẹn”, Tú Xương: “Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau” và Tản Đà: “Tự nhiên, thành thực cùng… một chút say sưa”. Với Nguyễn Gia Thiều, ông tìm hiểu vẻ đẹp hiện
đại của tác phẩm “Cung oán ngâm khúc”.
Khi phê bình tác giả và tác phẩm văn học trung đại, điểm nhìn xuyên suốt của Vương Trí Nhàn là tập trung khám phá tính hiện đại. Điều đó làm cho trang viết của ông trở nên độc đáo và hấp dẫn.
2.2.Đứng giữa dòng
Vương Trí Nhàn đã dành phần lớn các trang viết của mình cho văn học hiện đại. Đây là phần trọng tâm trong sự nghiệp phê bình của ông. Ông dành tổng cộng khoảng 1000 trang để viết về bộ
phận văn học này, trong đó Những kiếp hoa dại 71 trang, Nghiệp văn 294 trang, Nhà văn tiền
chiến và quá trình hiện đại hóa trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX cho tới 1945 256 trang, Bước đầu đến với văn học 165 trang, Cây bút đời người 313 trang. Vương Trí Nhàn quan tâm tìm
hiểu nhiều về các nhà thơ, nhà văn và các tác phẩm của họ, một số ít là nhà phê bình, nhà sử học, nhà báo,…Đối với mỗi thể loại, Vương Trí Nhàn chọn ra một số chân dung các tác giả.
2.2.1.Dòng thơ ca
2.2.1.1.Những chân dung Thơ mới
Vương Trí Nhàn dành nhiều tâm huyết cho các nhà Thơ mới. Từ những nhà thơ khai phá mở đường như Phan Khôi, Thế Lữ đến những nhà thơ tiêu biểu như Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Thâm Tâm,… đều được Vương Trí Nhàn tìm hiểu một cách sâu sắc. Những chân dung Thơ mới hiện lên qua ngòi bút của ông thật chân thực, cụ thể, sinh động. Thông qua những chi tiết tiêu biểu trong cuộc đời họ và thời đại, ông phác họa nét riêng trong tác phẩm của họ và cách họ tồn tại trong văn học.
Nhấn mạnh tính chất mở đường trong thơ Phan Khôi, Thế Lữ :“Dù vậy, mỗi khi nói đến
phong trào Thơ mới người ta vẫn nhắc tới ông với bài thơ “Tình già”, in ra năm 1932” [73, tr. 41]; “Thế Lữ hiện ra như một nhà nghệ sĩ kiểu mới, khác biệt rất nhiều so với các bậc tiền bối, từ Tản Đà trở về trước” [73, tr. 76], Vương Trí Nhàn hiểu được những khó khăn, thử thách mà hai tác giả
này phải trải qua: “sự tồn tại của ông (Phan Khôi) gồm cả thành công và thất bại, dở và hay, mở