Văn học Nhật không có sự cấm kị với bất kì đề tài nào kể cả những đề tài về tình dục loạn luân hay đồng tính. Ngay từ trong văn chương cổ điển của Nhật đã thấy đề cập
đến đề tài loạn luân. Tập đầu tiên của Cổ sự kí ghi lại câu chuyện về hành vi giao phối của hai anh em thần Izanagi và Izanami. Trong tiểu thuyết Murakami quan hệ loạn luân
là quan hệ thể hiện ý nghĩa ám ảnh về cổ mẫu trong vô thức nhân loại. Tuy đây không phải là quan hệ phổ biến nối kết các nhân vật nhưng lại là quan hệ thể hiện ý nghĩa trọng tâm của tác phẩm. Tiểu thuyết Kafka bên bờ biển là câu chuyện hiện đại, một diễn ngôn mới về mặc cảm Oedipe trong huyền thoại. Kafka trong truyện là một cậu thanh niên mười lăm tuổi, cậu bỏ nhà ra đi để trốn tránh lời nguyền “giết cha, ngủ với mẹ và chị
gái” nhưng càng trốn cậu lại càng dấn thân sâu hơn vào định mệnh mà số phận đã an bài cho cậu. Trong tiểu thuyết Kafka bên bờ biển chỉ xuất hiện hai nhân vật nữ chính (Miss Saeki, Sakura), còn Oshima tuy là nữ nhưng về hình dạng lại là nam và cư xử tình dục như người đồng giới. Cả hai đều gắn kết với Kafka bởi quan hệ tình dục. Quan hệ này phục vụ chủ đề của câu chuyện chính là con người không tự lựa chọn số phận mà chính số phận lựa chọn con người. Và mỉa mai thay bất hạnh của con người không phải do những phẩm chất xấu của họ mà chính do những phẩm chất tốt đẹp của họ tạo nên. Oedipe trong huyền thoại là một vị anh hùng nhưng số phận đã đưa anh đến con đường mắc tội tổ tông, giết cha ruột và ngủ với mẹ ruột. Quan hệ tình dục của Kafka trong
Kafka bên bờ biển không còn là tội lỗi trong vô thức mà trở thành sự trải nghiệm của con người trong cuộc sống. Lời nguyền chính là số phận, là định mệnh và con người không thể chống lại định mệnh đó nhưng bản thân Kafka luôn kiên cường đối diện với nó. Cậu không tránh né vì không thể tránh né nhưng cậu cũng không xui theo định mệnh, cậu đối đầu với nó một cách kiên cường. Và đó chính là thông điệp của cuộc sống hiện đại : dù cuộc đời, dù số phận có phũ phàng nhưng con người vẫn phải kiên trì đi hết
đoạn đường của cuộc đời mình. Đó chính là tinh thần nhân bản mà Murakami muốn chuyển tải đến người đọc.
Nếu quan hệ giữa Kafka với Miss Saeki và Sakura nhằm thể hiện chủ đề về số
phận con người thì quan hệ loạn luân giữa Wataya Noboru với em gái mình nhằm tô
đậm tội ác của Wataya. Wataya có năng lực khơi gợi nhục dục trong con người, làm con người trở thành nô lệ của lòng khát dục. Kumiko, chị gái Kumiko, Kano Creta đều là nạn nhân của Wataya. Kumiko bị giam trong căn phòng đầy chặt bóng tối tượng trưng cho lòng khát dục vô thức của nàng vì “Hẳn là anh ta đã mở một cái ngăn kéo nào đó
bên trong em, lôi ra một cái gì đó không hiểu là gì, thế là anh ta khiến em phải hiến thân cho hết người này đến người khác. Anh trai em có cái sức mạnh đó, và dẫu không muốn, em cũng phải thừa nhận điều này : nhất định là hai anh em chúng em có gắn bó khăng khít với nhau ở một chỗ tăm tối như thế” [15,703]. Quan hệ giữa Wataya Noboru và chị
em Kumiko có thể được xem là quan hệ loạn luân vì mặc dù hắn “không làm ô uế thể
xác hai chị em” [15,703] nhưng hắn đã có một sức mạnh làm bẩn tâm hồn của họ : một kiểu làm tình trong vô thức giống Toru Okada và Kano Creta. Sau khi chị gái Kumiko chết đi, hắn lôi hết quần áo của cô ra, vừa hít lấy hít để vừa thủ dâm. Trong hành động của Wataya có một sức mạnh đáng sợ của các thế lực bí ẩn. Wataya muốn dựa vào chính trịđể truyền bá rộng rãi tư tưởng và năng lực đặc biệt của hắn. Wataya Noboru là một kẻ
bệnh hoạn nhưng tài năng và nếu không kiểm soát được hắn sẽ biến phần còn lại của thế
giới thành những kẻ bệnh hoạn như hắn. Tình dục loạn luân mang chứa ý nghĩa về tội ác nguyên thủy của con người, và nếu con người chỉ biết buông xuôi cho số phận, con người sẽ vĩnh viễn bị giam cầm trong nỗi ám ảnh và sự giày vò của ham muốn tính dục. Kumiko đã cố vùng thoát khỏi cái vỏ ngoài đang giam giữ cô và tiếng nói của cô vang vọng đến miền vô thức của Toru Okada, đánh thức những kỉ niệm và hoài nghi trong anh. Bằng cách đó, Kumiko đã phát ra tính hiệu cầu cứu và khi được giải thoát, cô đã phải tự tay mình kết liễu cuộc sống của Wataya để chấm dứt tội ác.
Mặc cảm Oedipe trong quan niệm của S. Freud là mặc cảm hình thành trong quá trình “bầy người nguyên thủy chuyển hóa chủng loài song song với việc tiến hành cấm loạn luân và giết cha” [11,65]. Mặc cảm này tượng trưng cho sự sợ hãi của con người trước tư duy man dã của thời nguyên thủy (chấp nhận quan hệ loạn luân). Nhân vật Oedipe trong huyền thoại đã vô tình phạm tội tổ tông và đã tự chọc mù mắt mình để thể
hiện ý muốn không chấp nhận hiện thực “động tác này là biểu hiện của nỗi tuyệt vọng lên đến cực điểm, đồng thời là biểu tượng của thái độ quyết liệt không muốn nhìn thấy” [23,720]. Nhưng khi tái hiện lại mặc cảm Oedipe trong Kafka bên bờ biển thì Murakami dường nhưđã đi ngược lại với tinh thần của câu chuyện trong huyền thoại. Oedipe phạm tội trong vô thức còn Kafka thì ý thức được hành động của mình, cậu quan hệ với Miss
Saeki bất chấp khả năng bà có thể là mẹ cậu. Oedipe chọc mù mắt để thể hiện “nỗi hối hận kinh hoàng” [23,720] còn Kafka lại muốn được tiếp tục sống với mẹ mình trong thế
giới phi thời gian. Chỉ bằng cách tái hiện huyền thoại trong ý nghĩa trái ngược như vậy thì tác giả mới có thể phản ánh một cách chân xác những gì đang xảy ra trong cuộc sống hiện thực.