Về cơ cấu chủng loại và chất lượng sản phẩm

Một phần của tài liệu Lợi thế so sánh đối với mặt hàng dừa ở Việt Nam hiện nay (Trang 29 - 33)

5. Nội dung nghiên cứu

2.1.2.Về cơ cấu chủng loại và chất lượng sản phẩm

Năm 2007, Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu cơm dừa nạo sấy và chỉ sơ dừa hàng đầu thế giới, song song đó hàng trăm mặt hàng thủ công mĩ nghệ, phục vụ khách du lịch và xuất khẩu đạt trị giá trên 20 tỷ đồng.

Năm 2008, chỉ riêng tỉnh Bến Tre, kim ngạch xuất khẩu dừa đạt trên 66 triệu USD, và tập trung xuất khẩu 23 mặt hàng khác nhau trong đó nhiều nhất là cơm dừa nạo sấy (21 triệu USD) và chỉ xơ dừa (11 triệu USD)

Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu dừa ước đạt 50 triệu USD, trong đó, tỷ trọng các sản phẩm dừa xuất khẩu như sau:

Hình 1.10 Tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm dừa năm 2009

Nhằm làm tăng chất lượng sản phẩm, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang gấp rút tiến hành áp dụng khoa học kỹ thuật và quy hoạch đất trồng dừa. 4 loại dừa có năng suất cao và chất lượng tốt được nhân gien giống thành công là dừa xiêm, dừa ẻo, dừa dứa và dừa sáp. Các giống dừa này đã xuất sang Mexico theo chương trình hợp tác của hai Viện nghiên cứu Dầu thực vật của hai nước.

Không phải ngẫu nhiên mà ở Philippine người ta gọi cây dừa là “cây của sự sống”. Ở Mã Lai, dừa được gọi là “cây có ngàn công dụng”. Còn ở xứ dừa của Việt Nam, dừa có đến 1001 công dụng. Qua những bàn tay khéo léo, từ thân cây dừa, gáo dừa, trái dừa, vỏ dừa, chà dừa, cọng dừa, nan dừa… kể bao nhiêu cho hết những mặt hàng thủ công mỹ nghệ đã ra đời. Từ đồ dùng trong nhà bếp, bàn ăn, phòng ngủ, phòng khách, lược cho phái đẹp, gậy cho người già cho đến những đồ vật biểu tượng mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ và đậm chất triết lý Phương Đông.

Ngày nay, những sản phẩm thủ công mĩ nghệ từ cây dừa đã được xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Đài Loan, Campuchia, Lào và nơi xa hơn là Mỹ, Pháp, Canada, Úc… Giá trị kinh tế của hàng thủ công mỹ nghệ dừa mang lại lợi ích ngày càng đáng kể cho người lao động như giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần làm giàu cho quê hương.

Bến Tre hiện có đến hàng chục cơ sở làm thủ công mỹ nghệ có tầm cỡ và sản phẩm xuất khẩu đi nhiều nước của Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ như Công ty TNHH Thanh Bình, cơ sở Hưng Tiến, Trần Ngọc Tuấn, Phúc Sang (Châu Thành), cơ sở thủ công mỹ nghệ Trường Ngân, doanh nghiệp tư nhân Yên Thạnh, Thành Mỹ (thành phố Bến Tre), Mỹ nghệ Thanh Liêm (Mỏ Cày Nam), Thanh Nhàn (Giồng Trôm)… Ngoài ra, còn có loại hình doanh nghiệp hợp tác xã được thành lập tại Phước Long (Giồng Trôm) và Bến Tre (Quới Điền-Thạnh Phú). Mỗi cơ sở trên lại có đến hơn chục vệ tinh khác đang hoạt động rải rác đều khắp các huyện.

Loại hình sản xuất này được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn giúp nhân dân ta xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho cả ngàn lao động. Theo điều tra tại các cơ sở chế biến sản phẩm thủ công mĩ nghệ từ cây dừa cho biết, cứ 1 tấn cọng dừa có thể làm nên 7 ngàn chiếc giỏ. Các mặt hàng này ngày càng được thị trường ưa chuộng bởi có

công dụng thay thế bao bì bằng nhựa, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Vì thế, hàng năm, ở nhiều địa phương trồng dừa đã có đến hàng triệu sản phẩm được chuyển qua trung gian để xuất khẩu.

Hiện nay những hộ gia đình sản xuất thủ công mĩ nghệ dừa đã có nhiều ý tưởng và tìm cách để chế tác nên hàng trăm mẫu sản phẩm độc đáo bằng dừa, thay cho các loại nguyên liệu khác như gỗ rừng, nhựa, nhôm, sành. Nguồn sản phẩm dừa là vô tận bởi người sản xuất sáng tạo và còn dựa trên ý tưởng phát huy giá trị sử dụng của chúng trong sinh hoạt thường ngày, từ đồ dùng nhà bếp đến dụng cụ văn phòng, đồ chơi trẻ em, trang trí nội thất, xây nhà… Qua tìm hiểu nhu cầu thị trường, hầu hết các cơ sở đều có nhận định xu hướng ngày nay, đồ mộc ngày càng chiếm một vị trí nhất định thay cho sản phẩm công nghiệp nhựa. Đặc biệt với gỗ dừa vừa có nét độc đáo hơn những loại cây gỗ khác bởi nó có sớ, vân đặc trưng không thứ nào có thể thay thế được. Mặt khác, sản phẩm còn mang tính nghệ thuật cao nên trị giá của chúng có thể lên đến hàng chục triệu đồng/sản phẩm.

Chất lượng hàng thủ công mỹ nghệ

Mô hình kinh tế được nhân rộng trong nông thôn đã góp phần thực hiện chủ trương “Ly nông bất ly hương”. Song, vì đa phần những người thợ xuất thân từ nông dân tranh thủ thời gian lao động nhàn rỗi để kiếm thêm thu nhập nên còn nhiều hạn chế trong việc ý thức, tác phong lao động. Hơn nữa, thái độ dễ hài lòng, thỏa mãn với kết quả đạt được lâu ngày dẫn đến uy tín của cơ sở và trình độ tinh xảo sản phẩm ngày bị mai một, giá trị sản phẩm trên thị trường cũng bị giảm sút. Đây là nguyên nhân khiến không ít các nhà kinh doanh ái ngại đặt hợp đồng xuất khẩu lâu dài với nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trên địa bàn các địa phương trồng dừa

Mặt khác, tuy thị trường nước ngoài đang tiêu thụ từ 70 đến 80% sản lượng hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa của một số tỉnh phía Nam nhưng phần đông người sản xuất và các thương nhân chân chính đang rất lo ngại “Thị trường thì mênh mông mà nguồn chưa ổn định, xét về chất lượng cả số lượng”. Xuất phát từ sự cạnh tranh chưa lành mạnh của một số cơ sở sản xuất, giá thành sản phẩm được đẩy xuống thấp hơn so với thị trường. Từ đó kéo theo chất lượng sản phẩm giảm. Những biểu hiện của các mặt hàng kém chất lượng như: nhanh chóng bị nấm móc, gãy đổ, bung, xúc… Hơn nữa, với tâm lý người mua chưa có kinh nghiệm, hoặc mua theo kiểu chụp giật để khi xuất khẩu sẽ sinh lợi cao hẳn sẽ chọn hàng giá rẻ mà không quan tâm về độ bền, độ tinh xảo của sản phẩm. Một số cơ sở sản xuất thật sự lo ngại cho ngành sản xuất cũng như thị trường của ngành hàng này trong vài năm nữa nếu để tình trạng như thế kéo dài. Như vậy, cách duy nhất để thu hút và “giữ chân” khách hàng lâu dài của cơ sở là cùng chấp nhận bán với giá rẻ để tiêu thụ được hàng hóa nhưng cũng vừa cố gắng đảm bảo chất lượng hàng hóa để xây dựng uy tín và sáng tạo nhiều mẫu mới mang tính độc quyền của cơ sở nhằm hấp dẫn người mua.

Về khách quan, việc khai thác các thứ phẩm từ dừa chưa theo quy hoạch nên cùng lúc không thể cung cấp đủ nguyên liệu sản xuất ra số lượng sản phẩm cho các hợp đồng lớn. Tuy nhiên, trong tương lai nguyên liệu sẽ không thiếu vì dừa đã qua rồi điệp khúc trồng-chặt bỏ. Quan trọng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần ý thức đứng vững trên đôi chân của chính họ. Người lao động cần thay đổi tác phong lao động cũng như ý thức trong ngành nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Việc sản xuất không chỉ mỗi niềm đam mê là đủ mà cần đầu tư hơn về khả năng thương mại để kích thích hiệu quả kinh tế của ngành nghề kinh doanh ngày càng vươn xa hơn.

Một phần của tài liệu Lợi thế so sánh đối với mặt hàng dừa ở Việt Nam hiện nay (Trang 29 - 33)