II. Thực trạng quá trình cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam
1. Chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước
Trước kia ở Việt Nam tồn tại các liên hiệp xí nghiệp, các xí nghiệp liên hợp, tổng công ty kiểu cũ. Cùng với quá trình chuyển đổi, đổi mới doanh nghiệp nhà nước theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì các liên xí nghiệp, xí nghiệp, xí nghiệp liên hợp được sắp xếp lại thành các tổng công ty hiện nay.
Về vấn đề tiếp tục quá trình đổi mới tổng công ty nhà nước, Đại hội IX của Đảng nêu rõ: “Kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả các tổng công ty theo mô hình công ty mẹ- con, kinh doanh đa ngành tổng hợp trên cơ sở ngành chuyên môn hóa, góp vốn thuộc nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia kinh doanh, làm nòng cốt để hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh ở một số ngành và lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế quốc dân như viễn thông, hàng không, dầu khí…”
Theo quyết định 58/2002/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép 33 đơn vị xây dựng đề án thí điểm chuyển công ty nhà nước sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ- con và 11 đơn vị được quyết định cho phép chuyển đổi chính thức. Tiếp tục tiến thêm một bước nữa trong việc áp dụng các mô hình sản xuất hiện đại theo Chỉ thị số 01/2003/CT-TTg, các tổng công ty như Bưu chính viễn thông, Điện lực, Dầu khí, Xây dựng đang chỉnh đề án thành lập tập đoàn kinh tế.
Để thể chế hóa chủ trương “Chuyển các doanh nghiệp mà Nhà nước giữ 100% vốn sang hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một chủ sở hữu là Nhà nước...” của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 Khóa IX và chủ trương “Khẩn trương chuyển các doanh nghiệp mà Nhà nước giữ 100% vốn sang hoạt động theo chế độ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên” của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 Khóa IX và hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp nhà nước và Luật Doanh nghiệp, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành các văn bản pháp quy hướng dẫn chuyển đổi doanh
nghiệp nhà nước, doanh nghiệp thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Để triển khai thực hiện chuyển đổi, phần lớn các bộ ngành, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tổng công ty nhà nước đã tổ chức quán triệt, tập huấn về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước là chủ sở hữu cho các cơ quan và doanh nghiệp có liên quan để nghiên cứu tổ chức thực hiện.
Đến tháng 10/2009, cả nước có 321 công ty nhà nước độc lập và đơn vị thành viên của tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước (bao gồm công ty thành viên hạch toán độc lập và doanh nghiệp hạch toán phụ thuộc tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước) chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Trong đó, những bộ, ngành, địa phương, tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước có số lượng doanh nghiệp tương đối lớn chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (20 doanh nghiệp), Bộ Công thương (29 doanh nghiệp), Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (15 doanh nghiệp), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (9 doanh nghiệp), thành phố Hồ Chí Minh (25 doanh nghiệp), tỉnh Điện Biên (19 doanh nghiệp), Quảng Ninh (13 doanh nghiệp), Nam Định (11 doanh nghiệp). Phần lớn doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi là doanh nghiệp hạch toán độc lập (202/ 321 doanh nghiệp, chiếm gần 63%). Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp được thực hiện chuyển đổi trong giai đoạn 2001-2005 theo Nghị định 63/2001/NĐ-CP. Đồng thời với quá trình chuyển đổi, một số bộ, ngành, địa phương, tổng công ty, tập đoàn kinh tế đã tiến hành thành lập mới một số công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Bảng 2.5 Số lượng công ty TNHH một thành viên được chuyển đổi
STT Đơn vị Chuyển đổi Trong đó, đơn vị hạch toán độc lập 1
Trung ương
Trong đó: 111 57
- Bộ, ngành 60 23
- Tổng công ty, tập đoàn kinh tế 51 34
2 Địa phương 210 145
Tổng 321 202
Nguồn: Báo cáo sơ kết chuyển đổi DNNN thành công ty TNHH- Bộ kế hoạch và đầu tư.
Cơ cấu các loại hình doanh nghiệp chuyển đổi như sau:
- Công ty nhà nước độc lập thuộc bộ, ngành, địa phương: chiếm 77,78%. - Công ty thành viên hạch toán độc lập của tổng công ty: chiếm 15,74%. - Doanh nghiệp hạch toán phụ thuộc: chiếm 6,48%.
- Tổng công ty, công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ-công ty con hoặc tập đoàn kinh tế: chiếm 0%.
Tuy nhiên, do có sự thay đổi về tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ nên đến hết tháng 10 năm 2009, đã có trên 13% số doanh nghiệp đã chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lại được chuyển thành công ty cổ phần. Đồng thời, trong thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhưng không thuộc diện Nhà nước giữ 100% vốn sẽ tiếp tục chuyển thành công ty cổ phần.
Về mô hình tổ chức quản lý, phần lớn công ty được báo cáo áp dụng mô hình Chủ tịch công ty (chiếm 68,84%); trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng mô hình Chủ tịch công ty kiêm Tổng giám đốc (Giám đốc) chiếm tới 54,29%. Tỷ trọng của doanh nghiệp địa phương áp dụng mô hình Chủ tịch công ty kiêm Tổng giám đốc (Giám đốc) cao hơn rất nhiều (72,5%) so với doanh nghiệp thuộc các bộ, ngành (10%) và doanh nghiệp thuộc tổng công ty, tập đoàn kinh tế (17,5%). Đồng thời có một điểm đáng lưu ý là, có tỷ lệ khá cao (tới gần 45,5%) số doanh nghiệp chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo quy định của Nghị định 63/ 2001/NĐ-CP và Luật Doanh nghiệp 1999 chưa điều chỉnh cơ cấu tổ chức và sửa đổi điều lệ theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005.
Nhìn chung những kết quả chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước cũng đã bước đầu được khẳng định. Điều đó góp phần tạo nên những khởi sắc đáng chú ý trong
hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp nhà nước, điều mong mỏi đối với các nhà quản lý và hoạch định chính sách. Tuy đã có những kết quả bước đầu nhưng nhìn chung vấn đề chuyển đổi doanh nghiệp còn chậm và chưa thực sự trở thành mối quan tâm của các doanh nghiệp nhà nước. Điều này đặt ra một vấn đề cho công tác này là: Phải xác định lộ trình sắp xếp chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước và có các giải pháp thiết thực cho việc thực hiện lộ trình này.