Cái đẹp hiện diện quanh ta, nó không hẳn là phù du để người đời đuổi bắt. Nó chỉ là khoảnh khắc. Đối với người Nhật: “ yếu tính của nghệ thuật là cảm nghiệm
vĩnh cửu trong khoảnh khắc, cảm nghiệm trong một không gian nhỏ bé cả vũ trụ mà trong đó mọi sự vật đều hiển lộ…” [74; 19]. Vạn vật tồn tại theo một quy luật biến dịch riêng, Đạo giáo dạy con người thích nghi với chính dòng biến dịch vô tận ấy, khi chính họ là một phần trong đó. Sống an nhiên và sống với thiên nhiên cũng là tư
tưởng mà Thiền tông Nhật Bản dạy.
Cái đẹp hiển lộ trong gương soi không phải trong chính bản thân nó, mà qua sự phản chiếu có dấu ấn của tư tưởng phương Đông kia. Đó là cuộc trình diễn của hình và bóng. Hình và bóng mải miết cùng nhau tôn vinh cái đẹp của tạo hoá trong. Tựa như người ta thấy cả đại dương trong một hạt sương nhỏ bé, vũ trụ trong giọt sương hư ảo vô cùng, nhưng lại đẹp vô cùng. Cái đẹp chỉ tồn tại ở một nơi xa xôi, không trần tục, khó nắm bắt, không có chủ sở hữu. Người Nhật từ xa xưa đã quan niệm như thế, cái đẹp là cái hư ảo. Cho nên thế giới gương soi lung linh, huyền ảo, xa xôi, hài hoà cả vũ trụ là một bản thể của cái đẹp.
Chiếc gương là vật thiêng của người Nhật, được tôn vinh qua bản thể một vị
thần tối cao. Dù hơi khô khan khi nó đại diện cho lí trí, nhưng thẩm mỹ phương
Đông, cảm thức vạn vật hữu linh của Thần đạo và sự siêu nhiên của Thiền tông, đã dẫn dắt ngòi bút của Kawabata đi vào thế giới huyễn hoặc gương soi. Mỹ chi tồn tại ( Bi no sonzai) trong chiếc gương soi.