Lời thoại trong văn xuôi Vi Hồng sử dụng hệ thống thành ngữ

Một phần của tài liệu BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU LỜI THOẠI TRONG VĂN XUÔI VI HỒNG (Trang 111 - 113)

Chất liệu dân gian luôn được các nhà văn, nhà thơ khai thác và đưa vào tác phẩm của mình. Là một người con của dân tộc Tày, cầm bút viết văn về cuộc sống của người Tày nên nhà văn Vi Hồng thoả sức khai thác chất liệu dân gian cho các tác phẩm của mình. Cách khai thác ấy chủ yếu bằng cách tác giả sử dụng các thành ngữ, tục ngữ dân gian Việt Nam để diễn đạt theo lối nói của người Tày. Trong lời thoại của ông, chúng ta có thể bắt gặp nhiều lối nói như thế.

Dưới đây là ví dụ tiêu biểu: Ví dụ (10):

- Lạy bác ngồi giường trên. Lạy bác ngồi giường dưới. Tôi là kẻ bị quan cướp hết ruộng vườn nhà cửa nên phải đi ăn mày. Đến đây tôi thấy vườn bác rộng, sông bác lớn. Tôi mong bác lấy lông tay xuống đắp, lấy lông chân xuống che chở cho tôi ở nhờ đất, nhờ mường. Được vậy tôi sẽ đội cái ơn của họ bác trên đầu làm tóc.

Người đứng đầu họ Đàm đỡ ông ta đứng dậy và nói những lời mở rộng đường chân trời:

- Họ chúng tôi cũng mới đến mường này khai phá được mấy đời thôi. Trước kia họ tôi cũng khổ. Cho nên họ tôi vẫn lấy sự thẳng ngay làm con đường sống. Lấy cái bụng rộng đối xử với mọi việc. Họ tôi không bao giờ gánh nước đi qua nhà người khác đang chảy mà không dừng lại. Họ tôi không phải là người đi mảng thấy người sắp chìm xuống sông lại nhắm mắt.

Người anh em cứ ở đây với đất mường. Bạn đừng lo cái lo ông trời nhỏ lại bằng hạt vòng.

[58, 13-14]

Đây là cặp thoại giữa người họ Hoàng đang cầu xin người họ Đàm che chở, giúp đỡ cho ở nhờ vì họ đã bị cướp hết ruộng đất. Trong đó, lời cầu khẩn của họ Hoàng “Tôi mong bác lấy lông tay xuống đắp, lấy lông chân xuống che chở cho tôi ở nhờ đất, nhờ mường” tương ứng với thành ngữ "lá lành đùm lá rách" trong tiếng Kinh. Đáp lại lời cầu khẩn này, câu trả lời của họ Đàm “Họ tôi không bao giờ gánh nước đi qua nhà người khác đang chảy mà không dừng lại. Họ tôi không phải là người đi mảng thấy người sắp chìm xuống sông lại nhắm mắt” tương ứng với ý của câu “thấy người chết đuối mà không cứu". Qua cặp thoại trên, người đọc càng thấy được cách vận dụng thành ngữ Tày rát linh hoạt trong cách diễn đạt của tác giả.

Nhà văn Vi Hồng cũng vận dụng câu tục ngữ khác trong ví dụ dưới đây: Ví dụ (11):

- Vẫn là đồ con khỉ ăn quả rừng sâu, con diều bắt rắn ở bụi bờ thôi. Nhưng vấn đề là không có hổ làm sao có dấu chân – không có ốc làm sao có được mà. Ông hãy cẩn thận. Nếu ông không dạy bảo những kẻ chân tay của ông đi cho đúng lối thú đường người thì tôi sẽ thực hiện “bỏ quên dao nhọn trong bụng kẻ tình địch”. Đấy là phương châm của người Tày chúng ta xử sự mỗi khi bị kẻ khác moi ăn con ngươi của mình! Ông biết chứ?

[59, 198-199]

Trong lời thoại này, nhà văn đã vận dụng câu tục ngữ “không có lửa làm sao có khói” để sáng tạo ra câu “không có hổ làm sao có dấu chân – không có ốc làm sao có được mà”. Sự sáng tạo này hết sức dễ hiểu và gần gũi với thiên nhiên và con người nơi núi rừng Việt Bắc.

Sử dụng các thành ngữ, tục ngữ sao cho nhuần nhuyễn đã khó, vận dụng sáng tạo chúng trong sáng tác văn chương là điều càng khó hơn. Nhà văn Vi Hồng đã chứng tỏ bản lĩnh ngòi bút của mình khi đưa các thành ngữ, tục ngữ vào trong lời thoại tác phẩm của mình một cách linh hoạt và sáng tạo. Đáng khâm phục hơn là nhà văn đã thổi vào các thành ngữ, tục ngữ dân gian vốn cô đọng, khúc chiết và súc tích một hơi thở mới, hơi thở của ngôn ngữ Tày.

Một phần của tài liệu BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU LỜI THOẠI TRONG VĂN XUÔI VI HỒNG (Trang 111 - 113)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)