2.2.2.1. Lễ hội Lam Kinh
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 1427) do người anh hùng dân tộc Lê Lợi lãnh đạo trong điều kiện đặc biệt, không giống như các cuộc đấu tranh ở các giai đoạn lịch sử trước, đó là đất nước mất quyền độc lập, chính quyền nằm trong tay quân xâm lược. Cả dân tộc trong sự kìm kẹp và đàn áp gắt gao của kẻ thù. Trong điều kiện vô cùng bất lợi ấy, khởi nghĩa Lam Sơn chỉ có một vũ khí mạnh nhất là truyền thống yêu nước của dân tộc. Từ tính chất của phong trào đấu tranh vũ trang đã tạo ra một vùng văn hóa có sức
sống bền vững với thời gian. Khởi nghĩa Lam Sơn được lưu truyền trong sử sách với nhiều bài học có giá trị đến muôn đời, như bài học về “tướng sỹ một lòng phụ tử”, đoàn kết một lòng yêu thương như cha con, bài học về dòng suối lá của Lê Lợi và Nguyễn Trãi khắc chữ “vi quân, vi dân” tức là vì quân, vì dân, cách dùng trí nhân, hào kiệt đại nghĩa.
Lễ hội Lam Kinh gắn với vương triều hậu Lê, được tổ chức ở khu điện miếu Lam Kinh, nhưng sự ra đời và phát triển của lễ hội này, đến nay vẫn còn đặt ra nhiều vấn đề cần phải được nghiên cứu. Qua những tài liệu và sách vở ghi chép, lễ hội Lam Kinh có quy mô lớn, gắn với việc khi vua Lê Thái Tổ lên ngôi về bái yết sơn lăng (1428) và sau đó là các vua về sau theo lệ thăm viếng, tế lễ miếu điện Lam Kinh. Lễ hội Lam Kinh xưa được tổ chức vào ngày tháng hai âm lịch hàng năm chứ không phải ngày 21 - 22 tháng tám âm lịch như hiện nay vào ngày giỗ của Trung Túc Vương Lê Lai và Lê Thái Tổ. Lễ hội xưa kéo dài hàng tháng trời kể từ khi vua và các quần thần xa giá về Lam Kinh bái yết sơn lăng rồi sau đó trở lại Đông Kinh, chứ không phải hạn định về thời gian ba ngày vào tháng tám theo truyền miệng của dân gian.
Lễ hội Lam Kinh là lễ hội cung đình, theo nghi thức tế lễ cung đình thời Lê do các đại thần soạn định theo điển lễ chứ không phải lễ hội dân gian phổ biến thường gặp ở các làng quê. Sau triều Lê Sơ đến triều Lê Trung Hưng vai trò và ảnh hưởng của nhà Lê có phần suy giảm. Đất nước lâm vào cảnh binh đao, điện Lam Kinh bị đổ nát và hoang phế,… tất yếu dẫn đến lễ hội Lam Kinh thưa vắng dần và rơi vào quên lãng, không còn được tổ chức theo nghi lễ cung đình. Qua nhiều năm khôi phục, tổ chức lễ hội truyền thống khá quy mô, lễ hội Lam Kinh được chuyển giao cho chính quyền sở tại và nhân dân trong vùng tổ chức. Trong các ngày chính lễ tỉnh tổ chức dâng hương tại đền thờ Lê Lai ở xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc), đền Lê Thái Tổ ở xã Xuân Lam (Thọ Xuân) và các lăng mộ trong khu di tích. Ngoài ra, thành phố Thanh Hoá cũng tổ chức các hoạt động văn hoá tại đền nhà Lê, tượng đài Lê Lợi tưởng nhớ người anh hùng dân tộc. Nhìn chung, phần lớn hoạt động lễ hội đều do chính quyền, nhân dân các địa phương tổ chức, cơ quan chức năng chỉ đảm nhiệm công tác quản lý lễ hội. Đây cũng là ngày hội hành hương về cội nguồn nhằm “ôn cố tri tân”, tôn vinh anh hùng, hào kiệt, người có công với nước.
Như đã trình bày, lễ hội ở huyện Thọ Xuân được phân thành hai loại và lễ hội Lam Kinh là lễ hội liên quan đến cuộc sống trong mối quan hệ với môi trường xã hội. Lễ hội ca ngợi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thần thánh, khẳng định công lao to lớn của các
vị anh hùng dân tộc Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Lê Sao,… và nói lên truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
Lễ hội Lam Kinh gồm có hai phần: Phần lễ và phần hội.
* Phần lễ
Lễ hội Lam Kinh là một tổng thể bao gồm: Lễ hội làng Tép ở xã Kiên Thọ kỉ niệm ngày hy sinh của Trung Túc Vương Lê Lai (diễn ra trong ngày 20/08 - 21/08 âm lịch); lễ hội đền vua Lê ở xã Xuân Lam diễn ra vào hai ngày 21/08 - 22/08 âm lịch); lễ hội Lam Kinh, chính lễ diễn ra vào 21/08 - 22/08 (âm lịch) tại khu di tích Lam Kinh thuộc xã Xuân Lam. Phần lễ của lễ hội Lam Kinh bao gồm: Lễ mộc dục, lễ cáo yết, lễ rước sắc, tế lễ, lễ rước kiệu, đại tế, lễ yết vị.
- Phần lễ của lễ hội Làng Tép
Ngày 20/08, tại đền thờ Lê Lai diễn ra lễ Mộc Dục. Các cụ trong ban thờ tự và lễ nghi của làng Tép tiến hành lau chùi, đánh bóng các đồ thờ, rửa tượng và các lực lượng thanh niên của các chi đoàn làng xã đến dọn vệ sinh khu đền. Công việc lau chùi này được giao cho những người có uy tín trong làng. Trước khi tiến hành lau dọn người ta phải thắp hương, dâng lễ. Nước lau chùi, rửa tượng phải là nước ngũ vị hương, trầm hương.
Sau đó, trong gian tiền điện và hậu cung tiến hành lễ cáo yết. Cụ thủ Từ và ban nghi lễ xin phép mở hội (trước đây xin âm dương bằng 3 que nứa nhưng nay xin âm dương bằng đồng tiền) và ăn uống cộng cảm.
Ngày 21/08, từ nhà ông Từ ra đền diễn ra lễ Rước Sắc. Đoàn rước gồm 30 người gồm thủ từ và các cụ trong ban tế lễ có đội chấp kích, cờ lọng, dàn nhạc cùng chiêng trống đi kèm. Tại đầu làng Tép diễn ra nghi thức đón đại biểu làng Cham - làng kết chạ với làng Tép. Tại gian tiền điện diễn ra tế lễ do đội Nam tế và trước sân đền mẫu do đội Nữ quan tế, đều do ông bà trong làng Tép đảm nhiệm. Sau rước kiệu Lê Lai ra đền vua Lê. Đội hình rước kiệu gồm 300 người, trong đó 100 cô gái mặc sắc phục Mường, 100 trai tráng mặc dân binh và lãnh đạo xã/làng và dân làng xã. Cùng với một cỗ kiệu bát cống, cờ xí, chấp kích, bát âm, dàn cồng.
- Phần lễ của lễ hội đền Vua Lê
Ngày 20/08 (âm lịch), tại đền thờ vua Lê (xã Xuân Lam) cũng diễn ra các bước cơ bản giống ở đền Lê Lai nhưng ở đây là do các cụ trong ban thờ tự và lễ nghi xã Xuân Lam và làng Cham thực hiện. Trong gian tiền điện và hậu cung diễn ra lễ cáo yết - do
các cụ thủ từ và ban nghi lễ xin phép mở hội. Ngày 21/08, từ nhà ông Từ ra đền diễn ra lễ Rước sắc. Đoàn rước có 30 người gồm thủ từ và các cụ trong ban nghi lễ có đội chấp kích, cờ lọng, dàn nhạc cùng cồng, chiêng, trống đi kèm.
Tại đền vua Lê diễn ra tế lễ do đội tế Nam của xã Xuân Lam đảm nhiệm. Về lễ vật tế rất phong phú, đa dạng và mang đậm nét dân gian như: Xôi gà, xôi thủ lợn, hoa quả, bánh kẹo, nước, rượu, vàng hương, trầu cau,… Về trang phục có mũ quan, áo quan, giày hài màu xanh, riêng chủ tế mặc áo màu đỏ, đội hình có khoảng 17 đến 23 người tham gia đội tế. Tiếp sau đó, chủ tế tiến hành đọc các bài xướng và tiến hành các nghi lễ.
- Phần Đại lễ
Đại lễ diễn ra tại sân rồng Lam Kinh vào ngày 22/08. Không gian lễ hội được trang trí bởi cờ tổ quốc, cờ hội (hai lá cờ đại), hàng trăm lá cờ xí. Lễ đài (tại điện vua Lê Lợi và Thái Miếu) trải thảm đỏ, hai bệ giá đá, hai lư hương lớn, năm tấm vải lớn với những đề tự chữ Lê. Sắp đặt đội cấm vệ do 200 nam nữ mặc sắc phục Mường của xã Kiên Thọ cùng vũ khí, cờ tiết trên dọc theo bờ sông Ngọc và trên khu lễ đài, Thái Miếu. Phần đại lễ diễn ra vào giờ Sửu sáng ngày 22/08 (âm lịch) tại sân Rồng Lam Kinh được thực hiện theo đúng nghi thức cổ truyền, tái hiện nhiều sự kiện trọng đại mang đậm nét văn hóa thời Lê.
Mở đầu Đại lễ là màn trống hội (biểu diễn đánh trống đồng và trống da các loại). Đoàn rước kiệu Lê Lợi, kiệu bát cống, kiệu Lê Lai, quân kiệu, quân cờ xuất phát đền Lê Thái Tổ theo đúng nghi thức cổ truyền về trước sân điện Lam Kinh. Tại đây kiệu được rước lên kì đài trong âm vang màn trống hội, trống đồng: Màn trống hội cùng với cồng chiêng, xập xiềng do 49 người thanh niên trai tráng khỏe mạnh làng Cham và làng Tép đảm nhiệm để phối hợp với lễ rước kiệu. Đội hình rước hai kiệu Lê Lợi, Lê Lai gồm đến 18 người với trang phục áo đỏ, quần vàng, khăn vàng, trên kiệu có bài vị và ngai thờ. Đoàn kiệu Lê Lai đi trước, đến trước cầu dừng lại để đoàn kiệu Vua Lê lên trước. Hai đoàn kiệu chạy vòng (ngược kim đồng hồ) trong sân rồng rồi hạ kiệu trên điện vua Lê Lợi và sau đó hai đoàn rước xếp đội hình tại sân rồng.
Tiếp theo diễn ra Đại tế gồm 45 người do ba đội tế Nam làng Cham, Làng Tép, Xuân Lam phối hợp. Điểm nổi bật trong phần lễ là nghi thức lễ với những bài chúc văn, tế cao mang đậm tính nhân văn qua các đời vua Lê Lợi truyền lại. Đây là những nét đẹp truyền thống về văn hóa tâm linh trong lễ hội Lam Kinh. Người đọc văn tế - diễn văn khai mạc phải là người có đức có tài, tâm sáng được mọi người kính trọng. Văn tế tấu
Đại lễ đã tóm lược quá trình phát tích của triều đại nhà Hậu Lê, những giá trị to lớn của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và vai trò của người anh hùng dân tộc Lê Lợi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Văn tế cũng đã nêu lên những giá trị truyền thống giàu chất nhân văn của dân tộc Việt Nam như trọng nghĩa, dụng hào hiệp, thuận nhân tình, sẵn sàng xả thân giữ nước những cũng sẵn hòa hiếu bang giao.
Ngay sau khi tế lễ, hội đồng họ Lê ở Thanh Hóa còn tổ chức vinh danh những học sinh họ Lê đạt thành tích suất sắc trong học tập và thi cử trước anh linh của tổ tiên vào ngày húy kỵ của đức vua Lê Thái Tổ, đây là việc làm có ý nghĩa thiêng liêng đối với dòng tộc họ Lê. Hành động này chính là sự kế thừa truyền thống khuyến học, khuyến tài của cha ông ta.
Sau Đại lễ, các đồng chí lãnh đạo của Đảng và nhà nước cùng các vị lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Thanh Hóa về dự lễ hội sẽ dâng hương tại đền thờ vua Lê Thái Tổ. Cuối cùng, lễ yên vị được tiến hành sau ngày Đại lễ. Hai kiệu vua Lê và kiệu Lê Lai được đưa về đền vua Lê và đền Tép làm lễ yên vị.
* Phần hội
Phần hội được nối tiếp trong Đại lễ với các chương trình nghệ thuật tái hiện cuộc khởi nghĩa Lam Sơn mười năm chống giặc Minh (Hội thề Lũng Nhai, dòng suối “Lê
Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”, “Lê Lai cứu chúa”, giải phóng thành Đông Quan),
vua Lê Thái Tổ đăng quang, miền ở xứ Thanh như trò Xuân Phả (xã Xuân Trường - Thọ Xuân), múa rồng (Xuân Lập - Thọ Xuân), trống hội (thị trấn Lam Sơn), dân ca dân vũ Đông Anh (Đông Sơn), dân ca sông Mã, ca trù,…
Tại đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai ở làng Tép cũng diễn ra các trò diễn dân gian như ném còn, bắn nỏ, múa phồn phông, thi bắn nỏ, quay vòng, đi cầu thùm, bắt vịt, bịt mắt bắt dê, đập niêu và biểu diễn tích Lê Lai cứu chúa do chi đoàn thanh niên và đoàn văn công tỉnh biểu diễn.
Ngoài ra, phần hội còn diễn ra ở nhiều nơi xung quanh vùng đất Xuân Lam với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phong phú, sinh động như: Giải thi đấu võ, vật dân tộc, hội trại của các làng văn hóa thuộc huyện Thọ Xuân. Nhân dịp này, bảo tàng tổng hợp tỉnh đã tổ chức trưng bày các hình ảnh tư liệu Thanh Hóa được tổ chức các gian hàng giới thiệu tiềm năng, sản phẩm du lịch tỉnh Thanh Hóa. Buổi tối cùng ngày, tại khu đền thờ vua Lê Thái Tổ, cụm di tích Lam kinh, đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai, các đoàn văn công chuyên nghiệp, trung tâm phát hành phim và chiếu bóng, chi hội di sản
văn hóa Lam kinh đã tổ chức biểu diễn nhiều chương trình văn hóa - nghệ thuật đặc sắc, thu hút đông đảo quần chúng.
Đến với lễ hội Lam Kinh là đến với không gian văn hóa Lam Sơn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đây không chỉ quảng bá bề dày truyền thống văn hóa tỉnh Thanh Hóa mà còn là ngày hội của quần chúng, là cơ hội để quần chúng tham gia, hưởng thụ, sáng tạo. Có nhiều trò diễn dân gian đặc trưng các vùng miền ở xứ Thanh được diễn ra trong lễ hội. Trong số đó phải kể đến trò Xuân Phả, một trò diễn nghệ thuật dân gian tiêu biểu của vùng, trò diễn này sẽ được giới thiệu trong lễ hội làng Xuân Phả.
2.2.2.2. Lễ hội Lê Hoàn
Xuân Lập từ lâu đã được mệnh danh là vùng đất của các bậc anh hùng, trong đó Lê Đại Hành là một trong những vị tướng tài ba, được người đời sau hết lời ca tụng và thêu dệt nên những huyền thoại. Tháng 7 năm 980, Lê Hoàn chính thức lên ngôi vua. Trong suốt 24 năm ông trị vì, đất nước luôn bình yên, cuộc sống của nhân dân được ấm no, hạnh phúc bởi nhiều cải cách được coi là những tiến bộ vượt bậc so với các triều đại phong kiến. Ngay từ thời điểm đó, ông đã rất coi trọng vấn đề phát triển thủy lợi, xác định đây là nền tảng để sản xuất nông nghiệp bền vững. Lê Hoàn được xem là một trong những vị vua “trọng nông” trong các triều đại phong kiến, đích thân ông đã nhiều lần xuống đồng cày cấy cùng bà con. Ông còn khuyến khích nhân dân mở rộng sản xuất tiểu - thủ công nghiệp, chủ yếu là nghề rèn, đúc và gốm. Đặc biệt, ông đã cho đúc tiền Thiên Phúc là đồng tiền riêng của Việt Nam để không phải lệ thuộc vào tiền nhà Tống (Trung Quốc). Mặc dù đánh thắng quân Tống, giữ yên bờ cõi, nhưng ông vẫn giữ được mối hòa khí với nước Tống nhờ chính sách ngoại giao mềm dẻo. Lê Hoàn còn nổi tiếng là vị vua nhân đức và biết sử dụng nhân tài. Lê Hoàn mất năm 1005, thọ 64 tuổi. Trong lịch sử Việt Nam, Lê Hoàn không chỉ là một vị hoàng đế có những đóng góp lớn trong chống quân Tống phương Bắc, quân Chiêm phương Nam, giữ gìn và củng cố nền độc lập dân tộc, mà còn có nhiều công lao trong sự nghiệp ngoại giao, xây dựng và kiến tạo đất nước Đại Cồ Việt. Ghi ơn những công lao to lớn của ông, nhân dân đã lập đền thờ Lê Hoàn tại làng Trung Lập, xã Xuân Lập (Thọ Xuân) quê hương ông. Đền thờ Lê Hoàn hiện được xem là ngôi đền cổ nhất xứ Thanh.
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, qua sự khắc nghiệt của thời gian, đến nay, đền thờ Lê Hoàn tại làng Trung Lập đã được tu bổ, tôn tạo khá khang trang, nhưng vẫn bảo tồn nguyên dáng vẻ cổ kính. Các con giống trên nóc đền không bị mối mọt, rêu mốc do làm từ đất sét trắng nung trấu và được nhúng vào dầu sở. Trong đền có
tượng Lê Hoàn, Thái hậu Dương Vân Nga, ông Hoàng Khảo (cha đẻ Lê Hoàn), bà Đặng Thị (mẹ đẻ Lê Hoàn),... Nghệ thuật trang trí trong đền hết sức tinh xảo với những họa tiết hoa văn độc đáo. Hai đầu trên các mái đường có hình rồng chầu, kệ hoành cửa trước tiền đường chạm khắc nhiều con vật linh thiêng. Hậu cung có bài vị, hộp sắc, kiệu rước và các đồ binh khí cùng nhiều hiện vật quý hiếm: 2 chiếc trống đồng, một có hoa văn hình ngôi sao 16 cánh, một có hoa văn hình ngôi sao 10 cánh, chiếc đỉnh đồng chu vi 1,5m; bình hương bằng đồng đen chạm rồng bên dưới khắc hai chữ “thiên cổ”. Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ được chiếc đĩa đá màu hồng của vua nhà Tống tặng Lê Hoàn gọi là