Vấn đề tình thái trong ngôn ngữ học 1 Khái niệm tình thái trong ngôn ngữ

Một phần của tài liệu QUÁN NGỮ TÌNH THÁI TIẾNG VIỆT (Trang 25 - 29)

1.2.1. Khái niệm tình thái trong ngôn ngữ

Trong ngôn ngữ, vấn đề tình thái cũng đã được các nhà nghiên cứu quan tâm từ rất lâu. Các công trình nghiên cứu về tình thái chủ yếu xoay quanh những nội dung như: phạm trù tình thái, các loại hình tình thái, những ý nghĩa tình thái được phản ánh trong các ngôn ngữ, các phương tiện diễn đạt ý nghĩa tình thái,… Xét về phạm vi ý nghĩa tình thái, các tác giả có sự khác biệt như:

John Lyons(1977, Semantics) cho rằng tình thái là “thái độ của người nói đối với nội dung mệnh đề mà câu biểu thị hay tính trạng mà mệnh đề đó miêu tả” (tr.452) và “tình thái đạo nghĩa liên quan đến tính tất yếu hay tính có thể của hành vi được thực hiện bởi một chủ thể có trách nhiệm về đạo đức và xem xét tình thái theo nội dung về tính nghĩa vụ, sự cho phép và cấm đoán” (tr.822, 833).

Theo Palmer (1986, Mood and Modality), tình thái là thông tin ngữ nghĩa của câu thể hiện thái độ hay ý kiến của người nói đối với điều được nói ra và phân biệt tình thái nhận thức với tình thái đạo nghĩa. Theo ông “Tình thái nhận thức liên quan đến tính khả năng, tính cần thiết và mức độ cam kết của người nói đối với điều mà anh ta nói ra (tr.51), tình thái đạo nghĩa lại liên quan đến tính hợp thức về đạo lí của hành động do một người nào đó hay do chính người nói thực hiện (tr.96). Còn quan niệm về tình thái của Bybee rộng hơn khi ông cho rằng “tình thái là tất cả những gì mà người nói thực hiện cùng với toàn bộ nội dung mệnh đề” (tr.385).

Xa hơn là sự nghiên cứu tình thái gắn với lí thuyết hành động ngôn từ (Theory of Speech acts). Điển hình là J.R Searle. Ông cho rằng lý thuyết hành động ngôn từ thích hợp hơn để xem xét những vấn đề về tình thái vì sự quan tâm đến quan hệ giữa người nói và điều được nói của

lí thuyết này. F.R.Palmer (1986) chia sẻ quan điểm trên khi cho rằng trong hành động tạo lời, chúng ta nói về một điều gì đó (như: trả lời câu hỏi, thông báo một sự phán quyết, khuyến cáo, hứa hẹn,… ). Sự khác biệt giữa nội dung mệnh đề và tình thái rất gần với sự khác biệt giữa hành động tạo lời và hành động tại lời (tr.14).

Trong giới Việt ngữ học, vấn đề tình thái cũng được chú ý quan tâm nghiên cứu hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp. Đại diện cho nhóm tác giả nghiên cứu gián tiếp về vấn đề tình thái có Nguyễn Kim Thản (1977) trong “Nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt” khi phân loại các loại từ trong tiếng Việt đã cho rằng có một số động từ tình thái (như: toan, muốn, hòng,…) và trợ từ phục vụ cho sự biểu thị thái độ của người nói (như: ạ, cơ, vậy, mà, đấy, đấy thế,…). Hay Lê Cận – Phan Thiều (1983) trong “Giáo trình ngữ pháp tiếng Việt” có xác định, miêu tả tình thái từ trong hệ thống từ loại tiếng Việt. Và Đinh Văn Đức (2001) trong “Ngữ pháp tiếng Việt – từ loại” đã nhận định “tình thái vốn là một khái niệm về ngữ nghĩa của câu, nghĩa là thuộc địa hạt cú pháp”. Còn Nguyễn Minh Thuyết và Nguyễn Văn Hiệp (1998) với “Thành phần câu tiếng Việt” đã trình bày các phương tiện ngôn ngữ dùng để biểu thị tình thái trong tiếng Việt. Ngoài ra, Diệp Quang Ban và Hoàng Văn Thung trong Ngữ pháp tiếng Việt (2000) cũng nêu vấn đề về tình thái từ. Theo đó, tình thái từ “là tiểu từ chuyên dùng biểu thị ý nghĩa tình thái trong quan hệ của chủ thể phát ngôn với người nghe hay với nội dung phản ánh”.

Tiêu biểu cho các tác giả trực tiếp quan tâm khảo sát vấn đề tình thái thể hiện qua những bài viết đăng trên tạp chí Ngôn ngữ như:

Lê Đông (1991) “Ngữ nghĩa – ngữ dụng của hư từ tiếng Việt: ý nghĩa đánh giá của các hư từ”.

Nguyễn Minh Thuyết (1995) “các tiền phó từ chí thời – thể trong tiếng Việt”.

Phạm Hùng Việt (2001), “Vấn đề tình thái với việc xem xét chức năng ngữ nghĩa của trợ từ tiếng Việt”.

Lê Đông – Nguyễn Văn Hiệp (2003) “Khái niệm tình thái trong ngôn ngữ học”.

Lê Thị Diệu Hoa [33] đã cho rằng: “Tình thái là sự nhìn nhận, đánh giá thái độ của người nói mà câu đề cập đến: khẳng định tính đúng đắn chân thực của sự việc, phỏng đoán sự việc với thái độ tin cậy cao hoặc thấp, đánh giá mức độ hay số lượng của một phương diện nào đó trong sự việc, xác định sự việc là có thực hay chỉ là khả năng giả thiết.” [tr.164].

Hoàng Trọng Phiến trong cuốn Ngữ pháp tiếng Việt – Câu (1980) cho rằng tình thái là phạm trù ngữ pháp của câu ở dạng tiềm tàng. Tình thái có mặt trong tất cả các kiểu câu. Điều này thể hiện ở chỗ câu có giá trị thời sự, nó có tác dụng thông báo một điều mới mẻ. Qua đó, người nghe hiểu rằng người nói có thái độ thế nào với hiện thực.

Đỗ Hữu Châu (1983) lại quan niệm “tình thái sẽ bao gồm toàn bộ những ý nghĩa thuộc phạm vi dụng học và sẽ tập hợp lại thành thông điệp bộc lộ kèm với lõi P của câu” (tr.16)

Chia sẻ quan điểm này, trong một bài viết bàn về khái niệm tình thái (1988), Hoàng Tuệ đã nhận xét “tình thái là một khái niệm trong sự phân tích theo cách nhìn tìm đến thái độ của người nói trong hoạt động phát ngôn tức cũng là tìm đến tác động ngữ dụng, tác động mà người nói muốn tạo ra ở người nghe trong thực tế hoạt động ngôn ngữ”.

Ở một mức khái quát cao, Cao Xuân Hạo cho rằng tình thái của câu được biểu thị trong cấu trúc cú pháp cơ bản (mà tác giả gọi là cấu trúc Đề – Thuyết) gồm có:

- Nhận định của người nói về giá trị chân ngụy của điều được nói ra trong câu (khẳng định, phủ định, ngờ vực, nêu rõ phạm vi giới hạn và điều kiện của tính chân lí).

- Về tính khả năng hay tất yếu của điều đó (có thể hay không có thể, tất nhiên hay không tất nhiên, mức độ cao hay thấp của tính khả năng, tính tất yếu).

- Cách đánh giá của người nói đối với sự tình được truyền đạt (đáng mừng hay đáng tiếc, đáng hy vọng hay e ngại, nên có hay nên có, …)

- Sự giới thiệu của người nói về tính chất của câu nói (tính thành thực, đơn giản, áng chừng hay chính xác,…)

- Mối quan hệ giữa câu nói với tình huống đối thoại hay đối với ngôn cảnh và nhiều nội dung khác thuộc lĩnh vực lô gích và siêu ngôn ngữ. (tr.175)

Mặc dù các diễn đạt của các tác giả là không giống nhau song nhìn chung cách hiểu tình thái là một phạm trù ngữ nghĩa – chức năng phản ánh mối quan hệ, thái độ, cách đánh giá của người nói đối với nội dung của phần còn lại trong câu là cách hiểu được nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận nhất.

Tóm lại, trên cơ sở nghiên cứu của những người đi trước, chúng tôi xin tổng kết thành mấy điểm chính như sau về vấn đề tình thái:

- Tình thái cùng với nội dung mệnh đề là hai thành phần cần yếu tạo nên cấu trúc ngữ nghĩa của câu, góp phần thực tại hoá câu, gắn câu với điều kiện giao tiếp hiện thực.

- Tình thái là một phạm trù rộng lớn thể hiện thái độ, những cách đánh giá khác nhau của người nói đối với nội dung mệnh đề, với người đối thoại và với các nhân tố khác của ngữ cảnh liên quan đến sự tình được phản ánh.

- Tình thái cần được nhìn nhận, xem xét, nghiên cứu như một phạm trù mang tính phức thể, nhiều phương diện tác động lẫn nhau và liên hệ một cách chặt chẽ với các phạm trù ngữ nghĩa – chức năng cũng như với các phạm trù của ngữ dụng học. Theo cách nhìn này, khi nghiên cứu tính tình thái, chúng ta phải tính đến sự tương tác phức tạp của bốn nhân tố của quá trình giao tiếp: người nói, người đối thoại, nội dung của phát ngôn và thực tế.

Nội dung, ý nghĩa cụ thể của tình thái rất đa dạng nhưng phần lớn đều trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến các trạng thái nhận thức, đánh giá, thái độ, tâm lí, tình cảm của người nói.

Một phần của tài liệu QUÁN NGỮ TÌNH THÁI TIẾNG VIỆT (Trang 25 - 29)